Vàng mã: Không cấm thì phải làm sao?

08:59, 11/06/2014

Tục đốt vàng mã vốn có từ lâu đời trong đời sống văn hoá tâm linh của người Việt, tuy nhiên thời gian gần đây đã bị biến tướng nghiêm trọng và trở nên rời xa ý nghĩa ban đầu. Câu hỏi đặt ra với nhà quản lý là, khi không cấm thì phải làm thế nào để đưa tục lệ này trở về với đúng ý nghĩa của nó?

Nan giải chuyện đốt vàng mã

 

Tình trạng dâng lễ to, đốt mã nhiều, cùng với dâng cúng hiện vật, tượng hổ, ngựa, sư tử đá ở các đền chùa… đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu cuộc họp lên xuống, nhưng tìm ra các giải quyết ổn thỏa dường như vẫn vô cùng khó khăn đối với các nhà quản lý.

 

Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Xuân Phúc cho biết, tổng kết các cuộc kiểm tra các lễ hội, đền chùa miếu mạo trong nửa đầu năm 2014, tình trạng đốt vàng, đồ mã, hình nhân thế mạng… vẫn rất nhiều. Trong khi đó, các quy định hạn chế đốt vàng mã lại không khớp với nhau. Ông Phúc nói: “Chẳng hạn, chúng ta có nghị định cấm đốt vàng mã nơi công cộng, nhưng lại không có quy định nào cấm lưu hành, vận chuyển và đưa vàng mã vào đền, chùa. Chúng ta chỉ có thể xử phạt khi người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định”.

 

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái nói: “Trước đây đã từng có quy định cấm đốt đồ mã, nhưng không thể thực hiện được vì đó là phong tục dân gian. Hiện nay, có cấm đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng cũng phải phân định rạch ròi khái niệm nơi công cộng là thế nào. Chẳng hạn như ở khu chung cư, không thể để người dân đốt vàng mã trong mỗi căn hộ, mà ban quản lý phải có một nơi công cộng dành cho nhu cầu này. Vì thế, chúng ta chỉ có thể cấm đốt đồ mã không đúng nơi quy định, với tinh thần chung là hạn chế dần việc này”.

 

PGS, TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết, đốt vàng mã là một trong những phần nghi thức truyền thống, hoạt động tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của người Việt, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này, và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính và hiểu biết về lễ thức tiến hành. Vấn đề là người thời nay đã thực sự hiểu biết về nghi lễ này chưa, mà không những thế còn bùng nổ thái quá và được gắn cho những ý nghĩa mới, sai lệch với ý nghĩa ban đầu.

 

Theo PGS Lương Hồng Quang, việc đốt vàng mã hiện nay đang được dư luận rất quan tâm. Vấn đề đặt ra là không phải bài trừ, mà nên quản lý theo cách nào để đưa nghi thức này về đúng với ý nghĩa ban đầu, không bị hiểu sai lệch.

 

Giải pháp nào cũng phải dần dần

 

Để thay đổi một thói quen của cả xã hội là vô cùng khó, huống hồ đây lại là thói quen gắn với nghi thức tâm linh truyền thống.

 

Theo PGS Lương Hồng Quang, phải có cách tiếp cận và từ đó đưa ra một hệ thống giải pháp, thực hiện đồng bộ, dần dần mới có hiệu quả. Cách tiếp cận là tuyên truyền, giải thích để người dân nhận thấy sự sai lệch trong nhận thức, từ đó mới thay đổi.

 

Một trong những nơi áp dụng cách tiếp cận này khá thành công là Lào Cai. Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết, trước các dịp lễ hội, những người làm văn hóa đã đích thân lên truyền hình, kết hợp với ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tên tuổi, thậm chí cả những nhà tu hành uy tín, giải thích để người dân hiểu và nắm được cách làm đúng. Ông Sơn nói thêm: “Thậm chí chúng tôi còn phải nói là nếu làm sai thì còn hại đến bản thân mình. Cách tuyên truyền này đã đem lại hiệu quả lớn và tạo ảnh hưởng không ngờ”.

 

Gặp gỡ, trao đổi với chủ các cơ sở thờ tự, sự vào cuộc của chính các vị sư trụ trì là vô cùng quan trọng, bởi vì họ có vị thế, uy tín và có hiểu biết để hướng dẫn. Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt, Trụ trì Trúc Lâm Thiền viện Tây Thiên từng nói: “Nếu đốt nhiều tiền mà xin gì cũng được, thì nhà tu hành chúng tôi việc gì phải kêu gọi sửa chùa dột nát, xuống cấp. Cứ đốt nhiều vàng mã mà xin thôi”.

 

Hai giải pháp còn lại, theo PGS Lương Hồng Quang, là sự vào cuộc của truyền thông trong tuyên truyền, cùng với việc ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như hoàn chỉnh các văn bản đã có.

 

Thay đổi một tập quán là vô cùng khó, thậm chí là thách thức đối với các cơ quan quản lý, nhưng, PGS Lương Hồng Quang nhấn mạnh, đây là điều cần phải làm để thay đổi nhận thức của người dân.