Dạy tiếng Việt – chìa khóa giúp gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc nơi đất khách

13:55, 07/07/2014

Một trong những yếu tố lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc một cách lâu dài nhất chính là duy trì dạy và học tiếng Việt, gìn giữ sao cho tiếng Việt không bị mai một qua các thế hệ ở nơi xa Tổ quốc. Gìn giữ và dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đó chính là cách lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam lâu dài và bền vững nhất.

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) hiện có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống và làm việc, học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 40% so với cách đây 10 năm. Cộng đồng NVNONN gồm nhiều thế hệ, đa dạng về thành phần xã hội, địa vị pháp lý, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp,… Đa số người Việt Nam sống ở nước ngoài có xu hướng định cư lâu dài và hội nhập dần dần vào cộng đồng nước sở tại.

 

Trong thời gian qua, tại các hoạt động được tổ chức thường niên dành cho cộng đồng NVNONN, đặc biệt là thế hệ trẻ kiều bào, như: "Xuân Quê hương" hay "Trại hè Việt Nam", một thực tế dễ dàng nhận thấy là, bên cạnh các em thanh thiếu niên có thể giao tiếp lưu loát bằng tiếng Việt thì vẫn còn một số em gặp khó khăn khi biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ. Trong các kỳ Trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào, mặc dù tham gia các hoạt động trải dài trên cả ba miền của chính đất nước Việt Nam, song một số em vẫn giữ thói quen giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh hay ngôn ngữ của quốc gia nơi các em hiện đang sinh sống và học tập.

 

Chính vì vậy, để tiếng Việt thực sự luôn là ngôn ngữ mẹ đẻ của tất cả thanh thiếu niên kiều bào, để các em luôn ý thức gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc thì công tác giảng dạy tiếng Việt cần được xác định là có vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Công tác đối với NVNONN có nhiệm vụ trọng tâm là làm sao phải củng cố và phát triển toàn diện cộng đồng NVNONN nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng trong cả nhận thức và hiểu biết về văn hóa, lịch sử đất nước, truyền thống của dân tộc và đặc biệt là bảo tồn, phát triển và thúc đẩy việc học tiếng Việt tại khắp các quốc gia trên thế giới, nơi bà con kiều bào ta sinh sống.

 

Trong thời gian vừa qua, công tác giảng dạy tiếng Việt cũng như chiến lược phát triển và củng cố tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới thế hệ trẻ NVNONN; mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tiếp tục đón nhận tiếng Việt như một nguồn sức mạnh của dân tộc ta. Phải hiểu tiếng Việt, nói được tiếng Việt thì mới có thể hiểu biết được lịch sử cội nguồn của ông cha, của dân tộc ta. Tiếng Việt luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, dạy và học tiếng Việt luôn là yêu cầu cấp thiết đối với cộng đồng NVNONN. “Nền tảng của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia chính là văn hóa, là ngôn ngữ. Và chính văn hóa, ngôn ngữ làm cho quốc gia đó có vị thế, có vị trí và có thể giao lưu, hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới. Đó chính là “quốc hồn” của mỗi quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

 

Trong những năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bà con NVNONN trong việc dạy, học, sử dụng và duy trì tiếng Việt. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ xây dựng trường, lớp cho cộng đồng NVNONN tại nhiều nước, hỗ trợ gửi sách giáo khoa, giáo trình tiếng Việt, tổ chức hội thảo về việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, trong đó kết hợp bồi dưỡng giáo viên, tổ chức nhiều chương trình học tiếng Việt dành cho thanh niên kiều bào về thăm quê hương kết hợp học tiếng Việt. Thêm vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều cơ quan tổ chức ở Trung ương và địa phương cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ bà con dạy và học tiếng Việt như: Cử giáo viên, hỗ trợ xây dựng trường lớp, cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa và đồ dùng học tập…

 

Đặc biệt, chúng ta đã cử nhiều chuyên gia sang tập huấn cho các giáo viên dạy tiếng Việt cho cộng đồng, các cháu thanh niên, sinh viên, thế hệ trẻ kiều bào tại các quốc gia gần chúng ta có điều kiện khó khăn như: Lào, Campuchia,… và một số quốc gia châu Âu. Vừa qua, chúng ta đã tổ chức thành công khóa tập huấn nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên NVNONN, nâng cao chất lượng giảng dạy, trình độ chuyên môn, sư phạm trong việc giảng dạy tiếng Việt theo giáo trình dành riêng cho NVNONN như: Giáo trình Tiếng Việt Vui, Quê Việt và một số tài liệu liên quan khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thực hiện.

 

Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu cấp bách của các cộng đồng NVNONN, nhưng do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, những hoạt động này diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau.

 

Ở một số quốc gia, tiếng Việt được dạy chính thức trong nhà trường như một ngoại ngữ hoặc ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Tại Australia, tiếng Việt được công nhận như một ngoại ngữ giảng dạy ở cấp Tiểu học, Trung học và Đại học; từ năm 1998, có 9 trường đại học chính thức đưa môn tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Ở Pháp, tiếng Việt được Bộ Giáo dục Pháp công nhận như một ngoại ngữ trong các kỳ thi tú tài hoặc tuyển sinh vào đại học. Ở Canada và Séc, Chính phủ thực hiện chính sách bảo tồn các ngôn ngữ cội nguồn trong một xã hội đa văn hóa thông qua các chương trình di sản ngôn ngữ, do đó, trẻ em Việt Nam có thể học tiếng Việt theo chương trình chính quy. Ở Mỹ, tại bang California, nơi có nhiều người Việt Nam định cư, có hơn 50 cơ sở dạy tiếng Việt. Ở Đức, chính phủ cũng đang xem xét việc đưa tiếng Việt vào dạy như một ngoại ngữ thứ ba của học sinh trong các trường ở thủ đô Berlin. Ở CHDCND Lào, các trường của người Việt dạy bằng tiếng Lào và tiếng Việt có cả học sinh gốc Việt và học sinh Lào theo học. Tại Thái Lan, với chính sách đa ngôn ngữ phục vụ phát triển quan hệ kinh tế, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng, những năm gần đây, tiếng Việt được đưa vào dạy trong các trường phổ thông ở các tỉnh có đông Việt kiều sinh sống và có quan hệ hợp tác với các tỉnh của Việt Nam. Ở những quốc gia khác, việc dạy tiếng Việt chưa được đưa vào nhà trường một cách chính thức mà chủ yếu là các lớp học hè, học ngoài giờ do các hội đoàn người Việt hoặc các tổ chức tôn giáo đứng ra tổ chức.

 

Bên cạnh đó, từ lâu, nhiều nước như: Nga, Pháp, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan còn mở ngành đào tạo về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam trong các trường đại học.

 

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại Nga cho biết: “Tất cả các gia đình Việt Nam sống ở nước ngoài, điều đầu tiên họ mong muốn giữ được chính là văn hóa Việt. Mà muốn giữ được văn hóa Việt Nam thì phải nói và hiểu được tiếng Việt. Đó là điều cốt lõi trong mỗi gia đình Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước. Với gần 25 năm sinh sống ở nước ngoài, tôi thấy rằng, các gia đình Việt Nam của chúng ta đều luôn giữ được truyền thống đó để con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba của họ, dù nói tiếng nước ngoài giỏi nhưng tiếng Việt vẫn là gốc rễ. Tình cảm và mong muốn của ông bà, bố mẹ vẫn là dạy tiếng Việt cho con cháu của mình”.

 

Xác định việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ kiều bào là ưu tiên hàng đầu, nên cộng đồng NVNONN đều dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này. Chị Vũ Thị Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc cho biết: Những người phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa Séc đều cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho con cháu mình, bởi mọi người đều xác định, gia đình là môi trường và nền tảng cơ bản giúp các cháu thực hành tiếng mẹ đẻ đều đặn và hiệu quả. Chị em đều tự đưa ra quy ước cho các thành viên trong gia đình, nhất là con em mình, phải nói tiếng Việt khi ở nhà. Những người mẹ, người bà, vì vậy, đều trở thành những “cô giáo” ân cần và tận tâm nhất trong việc dạy tiếng Việt cho con em mình. Ngoài ra, ở tất cả các thành phố thuộc Cộng hòa Séc đều tổ chức dạy tiếng Việt cho các cháu thanh thiếu niên kiều bào vào dịp hè. “Có nhiều bà mẹ, mỗi tuần phải chở các con đi cả trăm km để học 1 buổi tiếng Việt, để tham gia một Tết Trung thu hay một lễ Vu Lan; nhiều gia đình phải dành dụm để mỗi mùa hè gửi các con về sống và học thêm tiếng Việt với họ hàng trong nước…” - chị Hà chia sẻ.

 

Hơn ai hết, những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đều hiểu rằng, sức mạnh tiềm tàng, tiếp thêm nghị lực cho họ nơi đất khách chính là nguồn mạch văn hóa Việt Nam chảy trong người họ. Bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là điều khó có thể phai nhạt trong mỗi con người. Tuy nhiên, nếu không được bảo tồn và gìn giữ đúng cách, đến một lúc nào đó, bản sắc văn hóa cội nguồn cũng có thể bị mai một. Chính vì vậy, duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho các thệ hệ trẻ kiều bào ở nơi xa Tổ quốc được xem là chìa khóa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc một cách lâu dài và bền vững nhất./.