Ngày 25/06, Chính phủ ra Nghị định 62/2014/NĐ-CP nhằm xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” cho công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đã chỉ ra những điểm bất cập với thực tiễn hoạt động của các nghệ nhân.
1. Trong văn hóa nghệ thuật truyền thống, NGHỆ NHÂN vốn là danh xưng được xã hội mặc nhiên công nhận đối với những tài năng hoạt động gìn giữ di sản. Định mức “nhân dân” và “ưu tú” của danh hiệu “nghệ nhân” trong nghị định là sự mô phỏng theo mẫu nghệ sĩ “nhân dân” và “ưu tú”, vốn học theo mô hình của Liên Xô cũ, nó không còn phù hợp với tình hình văn hóa xã hội hiện nay. Với thực tiễn hoạt động của nghệ nhân các loại hình di sản, sự phân cấp danh hiệu này là điều không cần thiết.
2. Nghị định chỉ rõ, danh hiệu được áp dụng với mọi đối tượng “công dân Việt Nam” nói chung. Như thế dẫn tới hiện tượng một nghệ sĩ thuộc biên chế đoàn nghệ thuật nhà nước sẽ có thể vừa là nghệ sĩ “nhân dân”, vừa là nghệ nhân “ưu tú”.., đặc biệt đối với những bộ môn vận hành trong thiết chế văn hóa Nhà nước như Tuồng, Chèo, Cải lương…
3. Ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, về mặt quyền lợi vật chất, các nghệ nhân có lẽ chỉ được hưởng chút tiền thưởng đi kèm. Riêng với nghệ nhân “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” thì sẽ được “hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng”. Như thế, các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (vốn chiếm số đông trong môi trường hoạt động di sản), những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội cho các cụ vẫn chưa được xem xét. Trong thực tiễn mai một của nhiều di sản, mức “trợ cấp sinh hoạt” nếu có cũng không thể bảo trợ cho sức lao động nghệ thuật. Và, điều chúng ta làm được mới chỉ dừng lại ở việc phong danh hiệu, động viên tinh thần.
4. Về tiêu chuẩn danh hiệu, sẽ thấy có nhiều điều bất cập với thực tiễn hoạt động của các nghệ nhân:
Thứ nhất, để có được danh hiệu nghệ nhân các cấp, họ nhất thiết phải có học trò, phải có thành tích, giải thưởng. Điều này không phù hợp với thực tế bởi từ bao đời nay, sự tồn tại của nhiều loại hình di sản luôn ở mức nguy cơ báo động bởi không có người kế tục. Hơn nữa, môi trường xã hội có bao nhiêu cơ hội cho hoạt động di sản để người thực hành có được cái gọi “giải thưởng” mà làm hồ sơ nghệ nhân? Chưa kể với nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền mang tính đặc thù, thế nào gọi là “thành tích” để họ phấn đấu? Ví dụ với nghệ nhân Hát kể trường ca các tộc Tây Nguyên, hiện nay chỉ còn số lượng đếm trên đầu ngón tay, việc kêu gọi thanh niên nghe họ hát đã khó chứ chưa nói đến việc có học trò theo nghiệp; Hay với những nghệ nhân lão thành như cụ Nguyễn Phú Đẹ, danh cầm Ca trù cuối cùng còn lại của lớp nghệ nhân thế kỷ XX, cụ tìm đâu ra cái gọi “giải thưởng” để được phong tặng danh hiệu?
Thứ hai, tiêu chí mặc định rằng muốn trở thành “nghệ nhân nhân dân”, người thực hành di sản buộc phải đạt danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” trước đó. Như vậy, lớp các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 80- 90, giả sử các cụ muốn trở thành nghệ nhân cấp “nhân dân” thì trước nhất phải có được cái giấy chứng nhận “ưu tú”, điều đó thật bi hài với cái tuổi xề chiều của đời người.
Thứ ba, nếu “nghệ nhân ưu tú” chỉ cần “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương” là đạt tiêu chuẩn thì “nghệ nhân nhân dân” được xác định là phải “phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước”. Như thế với phần lớn các di sản mang tính khu biệt vùng miền, xem ra các “nghệ nhân ưu tú” sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lên cấp “nhân dân” bởi họ sao có thể thực hiện được cái mục tiêu “phát huy giá trị di sản” trong “phạm vi cả nước” mà nghị định đã đề ra?
Thứ tư, chưa kể các thủ tục hành chính thi đua khen thưởng, ban ngành các cấp khá phức tạp, sẽ thấy để có được danh hiệu, trước nhất mỗi nghệ nhân phải làm “bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu”. Đi kèm là “các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gồm: Băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu liên quan”. Có thể hình dung với khối lượng lớn những nghệ nhân cao tuổi, đặc biệt nghệ nhân các tộc thiểu số mà hiện rất nhiều người còn chưa biết chữ, việc làm thủ tục xin phong danh hiệu sẽ khó khăn đến nhường nào. Ở đây, cũng thấy rõ việc phong tặng được tiến hành theo cơ chế xin/ cho chứ không phải sự chủ động của Nhà nước với những người gìn giữ di sản văn hóa dân tộc./.