Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải gồng mình để chống lại giặc ngoại xâm và thiên tai khắc nghiệt, lập nên những trang sử vẻ vang cùng bao chiến công hiển hách. Đi liền với những vinh quang đó, phải kể đến những mất mát không nhỏ về người và của. Chính đặc điểm lịch sử ấy đã tạo nên truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta, đó là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Đất nước hoà bình, độc lập mà chúng ta đang có hôm nay đã được đánh đổi bằng sinh mạng của biết bao thế hệ cha anh ngã xuống. Mỗi chúng ta không bao giờ được phép quên tổ tiên, nòi giống, các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước. Cha mẹ, ông bà, người thân đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn; thầy cô dạy dỗ ta học hành nên người - tất cả đều là “nguồn cội” để ta phải luôn nhớ và tri ân.
Nhiều năm nay, cả nước dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng và những gia đình có công với cách mạng. Đến bất kỳ nơi nào cũng có thể thấy những biểu hiện sinh động, phong phú của hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”. Cùng với những chuyến hành hương thăm lại chiến trường xưa, tổ chức lễ cầu siêu cho các linh hồn liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, nhiều hoạt động tri ân khác cũng đồng loạt diễn ra với tấm lòng thành kính, biết ơn những người đã ngã xuống. Chắc khó có nơi nào trên thế giới, hoạt động đền ơn đáp nghĩa lại có sức lan tỏa rộng khắp như ở nước ta.
Trên địa bàn tỉnh, cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn chú trọng đến các chính sách xã hội để làm sao tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân lao động, xóa đói giảm nghèo bền vững. Các địa phương, đơn vị đặc biệt chú ý đến hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước, nhất là vào dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm.
“Nhớ nguồn” không chỉ là biết ơn, giữ gìn, bảo vệ thành quả thế hệ cha anh để lại mà bản thân mỗi người cần phải cố gắng cống hiến, bổ sung thêm những thành quả mới cho “nguồn nước” của dân tộc luôn tràn đầy. Có như vậy mới phát huy được tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, làm cho xã hội ngày một phát triển. Đó chính là những hành động thể hiện "nhớ nguồn" một cách thiết thực, góp phần tô thắm thêm đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
"Uống nước nhớ nguồn" không chỉ là lời khuyên dạy mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc, thấm thía đối với những kẻ vô ơn, bạc nghĩa, chưa "khỏi vòng" đã "cong đuôi”, “có mới nới cũ”… Truyền thống ân nghĩa thuỷ chung được duy trì và truyền đời sẽ góp phần làm cho những trái tim lầm đường, lạc lối thức tỉnh. Cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao nếu truyền thống ấy được lưu giữ và xem trọng. Con người sống ân nghĩa sẽ được mọi người quý trọng, được xã hội tôn vinh.
Trải qua bao thăng trầm của thời đại, ý nghĩa câu thành ngữ "Uống nước nhớ nguồn" vẫn sống mãi với thời gian. Đó là lời nhắn nhủ hết sức đơn sơ và giản dị, một chân lý muôn đời; là bài học sâu sắc, có giá trị từ ngàn xưa đến mai sau. Thấm thía lời dạy của cha anh, mỗi chúng ta tự nhủ với lòng mình hãy sống và làm việc sao cho xứng đáng với đạo lý và truyền thống của dân tộc "Uống nước nhớ nguồn".
“Uống nước” chính là sự hưởng thụ những thành quả vật chất và tinh thần; “Nhớ nguồn” là sự tri ân, giữ gìn và phát huy thành quả vật chất, tinh thần đó. Câu tục ngữ truyền đời "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta nói về truyền thống đạo lý ân nghĩa thuỷ chung, là lời khuyên, lời dạy bảo các thế hệ hôm nay và mai sau phải biết ơn thế hệ cha anh đi trước và phấn đấu gìn giữ, phát huy những thành quả đó.
|