Làng nghề truyền thống đúc lưỡi cày ở xã vùng cao Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai có lịch sử tồn tại và phát triển đến 200 năm. Làng nghề không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào người Mông mà còn thu hút khách du lịch, góp phần phát triển du lịch địa phương. Nhưng theo dòng thời gian, làng nghề 200 năm tuổi đang "thoi thóp" trong cơn bão thị trường và có nguy cơ mai một.
Nắng chiều nhạt buông trên đỉnh trời Bản Phố, từ trung tâm huyện Bắc Hà vượt hai con dốc vượt mặt người chúng tôi đến được xã Bản Phố. Thênh thang đi vào bản, không có những âm thanh “leng keng” quen thuộc của thợ gõ, thợ chỉnh lưỡi cày như chúng tôi nghĩ về làng nghề truyền thống 200 năm tuổi.
Ông Chầu Seo Phừ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết: Làng nghề đúc lưỡi cày Bản Phố đỏ lửa nhộn nhịp nhất chỉ từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 dương lịch năm sau, song tập trung chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 6. Đó là thời điểm chuẩn bị sản xuất vụ xuân và vụ mùa ở vùng cao. Thêm vào đó, với người Mông ở Bản Phố nghề chỉ truyền cho con cháu trong dòng họ nhưng nay thanh niên trong bản đi làm xa, còn một số khác chuyển nghề.
Chúng tôi đến thôn Bản Phố 2C, nơi có nhiều lò đúc lưỡi cày nhất xã với 5 lò của dòng họ Sùng - dòng họ khai sinh ra nghề này ở xã Bản Phố. Trong câu chuyện cởi mở, ông Sùng Seo Nhà - một trong những thợ đúc rèn lâu năm, có uy tín nhất của xã Bản Phố chia sẻ: Cái nghề này vất vả lắm mà chẳng cho nhiều ngô, gạo ăn. Trước bà con mua nhiều, nên ngày có thể làm 7 đến 8 chiếc, bán đi cũng có tiền mua gạo ngon. Giờ bếp chỉ đỏ lửa 2 ngày cuối tuần, bán cho các người ở bản xa về chợ phiên văn hóa Bắc Hà vào ngày chủ nhật.
Trước những khó khăn của người dân làng nghề truyền thống đúc lưỡi cày Bản Phố, cuối năm 2009 được sự đầu tư vốn của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia, chính quyền huyện Bắc Hà và xã Bản Phố đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai triển khai đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ giới hóa nghề đúc rèn lưỡi cày. Theo đó 14 gia đình làm nghề được đầu tư 28 triệu đồng xây 14 lò đúc rèn. Ðồng thời, hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị cần thiết như máy khoan điện, máy cắt sắt, quạt thổi và khuôn lưỡi cày. Dự án tưởng chừng như “tiếp lửa” cho làng nghề ngày một phát triển và đứng vững trong xu thế hội nhập cơ giới hóa, hiện đại hóa nông thôn. Thế nhưng dự án được triển khai qua vài năm, làng nghề lại "thoi thóp" và dần mai một.
Nếu như một vài năm trước đây, toàn xã Bản Phố có đến hàng chục lò đúc lưỡi cày thì hiện nay chỉ còn 10 hộ duy trì nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của làng nghề truyền thống đúc lưỡi cày Bản Phố. Nhưng theo ông Chầu Seo Phừ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Phố thì nguyên nhân chính là hầu hết lò hoạt động không hiệu quả, do tập quán canh tác của bà con bản địa dần thay đổi, không dùng cày để làm đất mà sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ. Không những vậy, tại các chợ phiên còn xuất hiện cả những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ có giá thấp hơn, nhẹ hơn làm nhiều nhà nản lòng mà tắt bếp.
Chúng tôi rời cao nguyên trắng Bắc Hà kèm theo ước vọng của ông Chầu Seo Phừ: ngày mai những lò đúc lưỡi cày Bản Phố lại rộn ràng ánh lửa, leng keng tiếng chỉnh lưỡi cày ra khuôn. Những người con đồng bào Mông bản địa lại tiếp nối truyền thống cha ông làm nên lưỡi cày bền, sắc nức tiếng khắp vùng... tạo thu nhập bền vững cho gia đình, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông ở Bản Phố.