Bài học từ những nhân cách lớn

08:35, 02/09/2014

Cụ Vũ Tuân Sán nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014, hạng mục Giải thưởng Lớn ở tuổi 100. và ở tuổi "bách niên", tai nặng, nói khó, cụ vẫn cầm kính lúp đọc, nghiên cứu, hiệu đính sách. Bảy năm nay, trong số những cá nhân được trao giải thưởng này, người còn, người mất, nhưng những công trình, những bài học về đạo làm người, về tình yêu với Thăng Long - Hà Nội, sự say mê với công việc của họ có lẽ sẽ còn mãi đến mai sau...

Nghe danh cụ Vũ Tuân Sán đã lâu, nhưng mãi đến năm 2011, tôi mới có dịp gặp cụ. Khi ấy, tai cụ đã nặng, phải ngồi gần, nói chậm, cụ mới nghe được. Đi lại trong nhà, cụ đã phải dùng gậy ba-toong. Vậy mà hỏi chuyện công việc, cụ trả lời: "Vẫn viết chứ". Cụ lấy một cuốn sách dày cho tôi xem, trong đó có bài viết của cụ vừa được in hơn một tháng trước.

 

Tôi chuẩn bị chào từ biệt ra về, cụ nói: "Để tôi tặng cậu cái này". Cụ mài mực viết tặng tôi bài thơ "Giải đi sớm" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tập "Nhật ký trong tù".

 

Cụ Vũ Tuân Sán đã sớm "khơi những nguồn chưa ai khơi" về mảnh đất Thăng Long - Hà Nội từ 40, 50 năm trước. Vào cái thời chưa nhiều người nghĩ đến đình chùa, miếu mạo..., với vốn Hán Nôm uyên thâm, cụ đã lọc cọc đạp xe "ăn dầm ở dề" ở những di tích rồi. Có những mảng chạm khắc ở trên cao, cụ phải chật vật tìm cách leo lên để đọc cho ra. Có những chuyện ngày nay là hiển nhiên như chuyện vị trí của núi Sưa (trong Công viên Bách thảo), nhưng có được sự "hiển nhiên" ấy, công đầu là của cụ Vũ Tuân Sán.

 

Cụ là người đầu tiên "đính chính" tên gọi cũ là núi Nùng.

 

Rất nhiều vấn đề khoa học của Thủ đô đã được nhà Hán Nôm học này "khai phá" như: việc định đô Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ, thành Thăng Long - Hà Nội cùng với một loạt địa danh lịch sử như bến Đông Bộ Đầu, mười ba làng Trại... và các di tích như miếu Đồng Cổ, chùa Hàm Long, đền Ngọc Sơn, miếu Trung Hiền...

 

Ông là tác giả của một loạt bài nghiên cứu về các sự kiện và nhân vật lịch sử Hà Nội như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, các nhân vật Phạm Tu, Chu Văn An, Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hữu Liêu, Nguyễn Quý Đức, Bùi Huy Bích, Phạm Đình Hổ... Nhiều nhà nghiên cứu sau này được thừa hưởng những thành quả của cụ. Riêng cuốn "Hà Nội xưa và nay" của cụ xứng đáng là một cuốn bách khoa về văn hóa, lịch sử Hà Nội.

 

Giá như thời cụ có in-tơ-nét, thì hẳn cụ đã không "xa lạ" với google, rộng hơn là với công chúng như thế. Khi phương tiện truyền thông phát triển, cụ đã về hưu. Cụ cũng không thích ồn ào.

 

Điều này còn thể hiện ở chỗ, dù tám người con cụ Sán đều thành đạt, một số người là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhưng ảnh hưởng của Nho học từ cụ, tất cả các anh, chị đều lặng lẽ ít nói. Sự tôn vinh đến với cụ muộn màng, song, với nhiều người, đó cũng là may mắn, bởi tưởng chừng có lúc "cây đại thụ" của nền Hán Nôm bị chìm vào quên lãng.

 

Trước khi cụ Vũ Tuân Sán được tôn vinh, người đứng ở bục nhận Giải thưởng Lớn năm 2013 là nhà nhiếp ảnh Quang Phùng. Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng được biết đến là một nhà nhiếp ảnh của hồ Hoàn Kiếm, của những gánh hàng rong, của người lao động. Không gian hồ Hoàn Kiếm không quá rộng lớn, nhưng như một kho báu mà ông khám phá mãi không hết. Hơn 80 tuổi, chân yếu, đau nhức mỗi khi trở trời. Vậy mà ông vác máy ảnh lang thang khắp phố. Trời mưa, ông vẫn lặn lội lên hồ Hoàn Kiếm chụp ảnh. Cả nhà lo ngay ngáy, vợ ông cằn nhằn vì sợ ông về ốm. Nhưng chẳng gì ngăn cản được ông già tuổi 80, vì "khi mưa, hồ có nét đẹp riêng". Để có những bức hình về không gian, về phong cảnh hồ Hoàn Kiếm như ý, có những lúc ông phải "mai phục" nhiều buổi.

 

"Có lần ngắm được góc chụp đẹp rồi, nhưng còn phải đợi khoảnh khắc đẹp. Đợi lâu, người rất mỏi.

 

Tôi tìm ra một gốc cây mà có thể chụp được từ góc đó, ngồi dựa vào. Nhưng vẫn chưa được, hôm sau nghĩ thêm cách ngồi gốc cây đấy, đem thêm một miếng mút kê vào gáy nữa ngồi đợi cho đỡ mỏi", nghệ sĩ Quang Phùng chia sẻ. Để "nuôi" nhiếp ảnh với đồng lương hưu eo hẹp, ông phải "nhịn ăn, nhịn mặc" theo đúng nghĩa đen.

 

Bắt đầu chuyến đi, trong hành lý luôn có một chai nước. Tiện đường ông mua thêm một cái bánh mì.

 

Đồ nghề nhiếp ảnh lỉnh kỉnh đã nặng, chân thường xuyên đau, nhưng không thể thiếu hai thứ đó phòng khi khát, đói, đỡ tốn tiền.

 

Nói không ngoa, Quang Phùng là "vua" của những bức ảnh về gánh hàng rong. Bí quyết để ông có thể chụp những tấm hình đó là sự chân tình, sự sẻ chia với cuộc sống người lao động. Hiện nay, hằng ngày, ông vẫn tập tễnh chống gậy lên phố. Không lên hồ Hoàn Kiếm, ông nhớ. Và những con người - những cuộc đời gắn bó với hồ, lại nhớ ông. Làm nhiếp ảnh không thể không đi lại. Ông lo một ngày nào đó không đủ sức đi sáng tác. Có lẽ niềm động viên lớn với ông, là người lo cho ông giờ không chỉ có gia đình, mà còn có rất nhiều người yêu nhiếp ảnh, yêu Hà Nội...

 

Tôi từng biết, từng gặp những người được trao tặng Giải thưởng Lớn của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

 

Điều họ để lại không chỉ ở những công trình, những tác phẩm. Tôi rất nhớ những lần tiếp xúc với nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Ở ông toát lên sự khiêm nhường, luôn tôn trọng mọi người. Cho dù người ông đối thoại là ai, ông vẫn luôn ân cần, nhẹ nhàng. Những người không học cao, nhưng kiến thức sâu rộng, ông hay gọi là "thầy", như một cách thể hiện sự tôn trọng. Cho đến nay, những người từng được tôn vinh Giải thưởng Lớn - Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã và đang để lại cho thế hệ sau nhiều bài học giá trị về đạo làm người, về tình yêu với Thăng Long - Hà Nội và sự say mê với công việc.