Cần xây dựng thương hiệu trước khi nghĩ đến lợi nhuận

16:27, 22/09/2014

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi phía Đông Bắc Tổ quốc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng Trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc bộ, Thái Nguyên không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của cả nước. Với 4 sản phẩm du lịch có thể ví như những “mỏ vàng lộ thiên” là: Du lịch lịch sử; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch vùng chè và du lịch tín ngưỡng.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 800 di tích cách mạng, gồm 510 di tích lịch sử, 39 di tích thắng cảnh, 12 di tích khảo cổ học, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật và 233 di tích tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa là Khu di tích Quốc gia Đặc biệt; 28 di tích Quốc gia và 97 di tích cấp tỉnh. Thái Nguyên còn là nơi hội tụ nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc miền núi phía Bắc, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể và danh lam thắng cảnh đẹp, như: hồ Núi Cốc; hang Phượng Hoàng; di tích Khảo cổ học Thần Sa… nhưng ngành Du lịch Thái Nguyên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mọi kế hoạch cơ bản đang nằm ở chủ trương chứ chưa có giải pháp cụ thể.

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn: Du lịch Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với  tiềm năng hiện có. Đóng góp của ngành Du lịch cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa được như mong muốn. Hiệu quả kinh doanh của ngành Du lịch thấp. Trong phát triển du lịch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đủ điều kiện giải quyết cả về cơ sở pháp lý về nguồn lực thực hiện, cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Công tác quy hoạch đầu tư, nâng cấp các khu, điểm du lịch, công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, sản phẩm du lịch ít, chất lượng chưa cao và chưa thực sự hấp dẫn thu hút khách. Tiềm năng và lợi thế du lịch của địa phương khai thác chưa hiệu quả, chưa quảng bá được hình ảnh một cách rộng khắp để thu hút khách.

 

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Thái Nguyên cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, song hạn chế ở chỗ là các cá nhân, đơn vị làm du lịch thiếu sự liên doanh, liên kết, chưa chịu đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, làm ăn theo tư duy: “Bóc ngắn, cắn dài” nên hằng năm, lượng khách đến lớn, nhưng lượng thu thấp, do khách ít ở lại lưu trú.

 

Chuyện đầu tư làm du lịch, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Du lich Hà Lan cho biết: Các cá nhân, đơn vị làm du lịch chưa biết phối hợp, chưa biết kết nối, đầu tư dài hơi, nên ngành Du lịch Thái Nguyên cũng giống như những củ khoai tây ở trong bao bị đổ ra ngoài. Còn bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho rằng: Đứng trước các điểm tham quan, du khách ngần ngại không muốn vào đâu phải vì giá vé qua cửa cao hay thấp, mà vì giá trị sản phẩm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Cùng với đó là ngành Du lịch Thái Nguyên chưa phân đoạn được thị trường, các cá nhân, đơn vị làm du lịch chưa có sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách. Một số cá nhân, đơn vị đã có sự kết nối, nhưng mang tính tự phát, không bền vững.

 

Các hoạt động dịch vụ du lịch đâu chỉ đơn thuần là việc: Đi lại, thăm thú, ăn, ở, ngủ, nghỉ… mà quan trọng là thái độ phục vụ, là điểm ăn, điểm chơi như thế nào? Ông Nguyễn Vinh Quang, chủ nhà hàng ẩm thực Thu Viên, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Giao thông thuận lợi, không khó giữ chân khách ở lại. Nhưng vì Thái Nguyên chưa có khu ẩm thực đêm, chưa có khu mua sắm riêng, nên du khách - chủ yếu là khách đi theo đoàn, khách công vụ, chưa có khách tuor đến thăm thú, ăn xong là… xuôi. Theo tôi, Thái Nguyên phải là chỗ để du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận về uống cà phê, thưởng thức ẩm thực vùng Việt Bắc và mua sắm, nghỉ lại qua đêm.

 

Được xác định là ngành kinh tế quan trọng, nhưng du lịch Thái Nguyên vẫn dừng lại ở tiềm năng. Năm 2013, nhờ có Festival Trà Thái Nguyên lần thứ hai, lượng du khách đến Thái Nguyên đạt hơn 1,7 triệu lượt du khách, tổng doanh thu toàn xã hội về các dịch vụ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Còn các năm trước đây, lượng khách đến Thái Nguyên chỉ bằng khoảng ¾ so với năm 2013. Một cán bộ đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (xin không nêu tên) cho rằng: Rất tiếc: Nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nhưng Thái Nguyên chưa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu, thiếu sản phẩm, cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp; các nhà hàng, khách sạn điểm tham quan không bắt tay hợp tác với nhau, chỉ dựa trên sẵn có để khai thác, quảng bá đúng, vì quảng bá không thật, du khách sẽ cảm thấy như bị lừa dối.

 

Thiết nghĩ, Thái Nguyên là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên tạo, nhân tạo, nơi gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, với ngành Du lịch thì đây là một “mỏ vàng” phong phú, nhưng đến bây giờ vẫn chỉ là tiềm năng (?!).