Từ nhiều năm nay, người Mông xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương vẫn duy trì và gìn giữ tiếng khèn Mông trong các dịp lễ hội, Tết truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa này được lâu dài thì vẫn còn là điều trăn trở của đồng bào người Mông nơi đây.
Anh Sầm Văn Giàng, Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết: Xóm Đồng Tâm có 53 hộ dân với 240 nhân khẩu, trong đó chiếm 95% là người dân tộc Mông, cả xóm chỉ có 3 người biết thổi khèn.
Dẫn chúng tôi đến gặp ông Dương Văn Chơ, 54 tuổi, là một trong 3 người biết thổi khèn ở xóm. Đi từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng vang của điệu khèn, anh Giàng cho chúng tôi biết: Cuối năm 2013, xóm Đồng Tâm được Ban Dân tộc tỉnh trao tặng một chiếc khèn và ông Chơ vinh dự được xóm tin tưởng giao cho giữ gìn và bảo quản, từ đó vào mỗi buổi chiều, ông đều chăm chỉ luyện khèn... Khi đến sân, chúng tôi thấy ông Chơ cùng 2 người bạn đang say sưa hướng dẫn một thanh niên cách thổi khèn Mông.
Theo ông Chơ, những người trong xóm biết thổi khèn đều trên 45 tuổi và trước kia sống ở tỉnh Cao Bằng. Ông Chơ sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, được cha và ông nội dạy cách thổi khèn, múa khèn, học nhiều bài hát của người dân tộc Mông vì vậy ông Chơ rất thạo. Đến năm 17 tuổi, ông Chơ cùng gia đình di cư đến sinh sống tại xã La Hiên, huyện Võ Nhai. Năm 1990, khi có chính sách định canh định cư của Nhà nước, gia đình ông cùng hơn 20 gia đình người Mông ở xã La Hiên đã đến xóm Đồng Tâm khai hoang để ổn định đời sống.
Do hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khó khăn nên những người như ông Chơ hàng ngày phải bám lấy những bãi ngô, nương sắn không có thời gian thổi khèn. Ông Chơ tâm sự: “Giờ cuộc sống đã không còn thiếu ăn nữa, lúc rảnh rỗi tôi nghe đài, xem tivi, thấy tiếng khèn vang lên, hình ảnh những chàng trai bản Mông nhảy múa vui bên chiếc khèn gợi nhớ về Cao Bằng quê tôi. Tôi chỉ mong có được chiếc khèn để thổi mỗi khi đi làm nương về. Đến khi được tặng chiếc khèn, tôi vui mừng lắm, thỏa lòng mong ước lâu nay của tôi. Từ giờ tôi sẽ thường xuyên thổi khèn để mang lại niềm vui cho người dân bản mình”.
Cũng có niềm say mê thổi khèn Mông như ông Chơ, ông Lý Văn Thành, 46 tuổi, may mắn hơn vì được cha truyền dạy và trao tặng một chiếc khèn ngay từ nhỏ, đó như là báu vật theo suốt cuộc đời ông. Từ khi là chàng trai người Mông, biết thổi khèn, múa khèn làm say lòng bao cô gái, vì điệu khèn mà nhiều cô gái Mông dù có phải ăn ngô, ăn sắn, ăn mèn mén vẫn mong được bắt về làm vợ chàng trai Thành năm nào. Vào mỗi dịp lễ trọng đại của gia đình Tết, lễ hội của người bản Mông, ông Thành lại góp vui bằng những điệu khèn thân thuộc. Ông Thành bảo: “Trước tôi có hai chiếc khèn, một khèn truyền thống của gia đình thường để thổi cho mọi người nghe nhưng qua nhiều năm cũng đã hỏng rồi. Vì vậy năm 2011, xóm đã cử người đến tận Hà Giang tìm mua một chiếc khèn tốt, trao cho tôi để phục vụ văn nghệ của xóm, mới đây bị lạc âm nên tôi phải gửi thợ sửa. Để có được một chiếc khèn chuẩn phải tìm mua ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang nhưng giá cao quá, từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/chiếc, người dân chúng tôi không có nhiều tiền để mua đâu. Thế nên thằng Páo này giờ muốn học cũng phải học chung chiếc khèn này của ông Chơ thôi”.
Anh Lý Văn Páo cười đáp lại: “Hiện không chỉ có mình tôi mà trong xóm còn có khoảng 10 người nữa rất muốn học thổi khèn để sau này còn dạy cho con cháu, nếu không học, sau này các bác già yếu, ai sẽ thổi khèn cho xóm mình”.
Trải qua 24 năm định cư và tìm hướng phát triển kinh tế, cuộc sống người Mông xóm Đồng Tâm đã có nhiều đổi thay. Với chính sách quan tâm đến người dân tộc thiểu số của Đảng và nhà nước, người Mông nơi đây đã có đường bê tông thuận tiện đi lại; giống ngô lai, sắn cao sản chất lượng cao đã giúp người dân có thu nhập ổn định. Khi đời sống vật chất của người dân dần được cải thiện, người dân đã tự ý thức hơn trong việc nâng cao đời sống tinh thần, hướng về những phong tục, nét đẹp của dân tộc.
Anh Sầm Văn Giàng T tổ quốc xã về “Mô hình giữ gìn bản sắc văn hóa người Mông” thì từng nhiệm vụ đã được phân công cụ thể cho các cá nhân, tập thể cùng phối hợp như: Chi hội Nông dân phụ trách hướng dẫn múa khèn, thổi điệu khèn; Chi đoàn thanh niên phụ trách xây dựng các tiết mục múa hát truyền thống dịch ra hai tiếng Việt - Mông; Chi hội Phụ nữ sưu tầm, gây dựng các điệu hát ví lượn, giao duyên. Hiện các chi hội đã tiến hành thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên với khó khăn thiếu khèn để thực hiện, xóm đã gửi ý kiến trình lên trên xin được hỗ trợ kinh phí mua khèn. Mong rằng mô hình này sẽ được mọi người ủng hộ và sớm thành công.
Ra về khi trời đã tắt nắng, tiếng khèn chưa được liền mạch của anh Páo từng nhịp, từng hồi vang lên, nhưng trong lòng chúng tôi thấy vui bởi từ nay sẽ có thêm nhiều người biết thổi khèn như anh Páo góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá đặc sắc của người Mông.