Đền thờ Đỗ Cận - Tôn vinh một danh nhân của đất nước

16:59, 18/09/2014

Đền thờ Đỗ Cận (ở xã Minh Đức, huyện Phổ Yên) là nơi tưởng niệm Tiến sĩ Đỗ Cận, thể hiện lòng thành kính, tôn vinh một danh nhân của đất nước. Ngày 10-3-2014, đền thờ Đỗ Cận đã chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Và để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, ngày 19-9, xã Minh Đức sẽ tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia, đồng thời phát động công đức ủng hộ tôn tạo khuôn viên Di tích Đền thờ vị danh nhân này.  

Giữa tháng 9, tiết trời vào Thu xanh ngắt, chúng tôi vượt qua tuyến tỉnh lộ 261 gồ ghề, tới chiếc cổng làng uy nghiêm và con đường bê tông xuyên qua cánh đồng lúa chín thơm ngát, đến Khu di tích Đền thờ Đỗ Cận tại xóm Thống Thượng, xã Minh Đức. Đền tọa lạc trên lưng một quả đồi, dưới chân đền là khoảng sân rộng nằm giữa một bên là cánh đồng, ao cá, một bên là rừng cây xanh. Ngôi đền đã nhuốm màu thời gian, từng bậc thang, mái ngói, tường vôi đều vương rêu, gió mưa đã bào mòn, làm xói lở nhiều kè đất, bậc đá.

 

Cùng ông Hoàng Văn Đáp, Trưởng xóm Thống Thượng dạo bước lên thăm Đền, chúng tôi gặp cụ Dương Văn Phượng, năm nay gần 80 tuổi, là một trong những người chịu trách nhiệm trông coi Đền. Cụ Phượng sinh ra và lớn lên ở làng Thống Thượng, ngôi nhà của gia đình cụ chỉ cách Đền thờ Đỗ Cận vài trăm mét. Từ nhỏ, cụ Phượng đã được nghe nhiều câu chuyện cha ông truyền lại về những công trạng của danh nhân Đỗ Cận đối với quê hương, đất nước. Những câu chuyện ấy đã được in thành sách lưu mãi đến đời sau.

 

Đứng trước Khu di tích Đền thờ Đỗ Cận, bàn tay hằn vết thời gian của cụ Phượng nắm chặt tay chúng tôi, cảnh vật, tĩnh lặng, trong lòng tôi chợt dâng lên một nỗi niềm bâng khuâng. Cụ Phượng đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về khu di tích và về Tiến sĩ Đỗ Cận - một danh nhân của đất nước - người được sinh ra, lớn lên tại vùng quê này.

 

Tiến sĩ Đỗ Cận tên thật là Đỗ Viễn, tự là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn, sinh năm 1434 tại làng Thống Thượng, tổng Thống Thượng, huyện Phổ Yên, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên (nay là xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, huyện Phổ Yên). Đỗ Cận học rộng nhưng đến khoa thi Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), triều vua Lê Thánh Tông, ông mới đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khi đó ông 45 tuổi. Sau khi đỗ Tiến sĩ, nhà vua xem quyển và ngự phê cho đổi tên là Đỗ Cận. Đỗ Cận được bổ làm quan chức Tham nghị xứ Quảng Nam. Năm 1483, vua Lê Thánh Tông lệnh Đỗ Cận làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ sang cống tuế nhà Minh. Trong chuyến đi này, Đỗ Cận đã viết tác phẩm Kim Lăng Ký  bằng chữ Nôm, nội dung ghi chép lại phong tục, tập quán của con người đất Kim Lăng thuộc Nam Kinh (kinh đô khi ấy của nhà Minh) và 2 bài thơ: Xuân Yến, Thái Bạch Vãn.

 

Sau khi đi sứ về, tương truyền Đỗ Cận nghỉ ở quê nhà để phụng dưỡng cha già. Thời gian này, ông đã vận động nhân dân cải tạo đầm lầy thành ruộng lúa, đem lại no ấm cho nhân dân; mời thợ giỏi, dùng gỗ tốt, đục đẽo, chạm khắc thành khung nhà hoàn chỉnh ngôi Miếu Vật (tức đền Lục Giáp ở xã Đắc Sơn, huyện Phổ Yên) tại Thanh Hoá rồi mang về dựng thay thế cho ngôi đền nhỏ, cũ để nhân dân trong vùng thờ cúng. Tương truyền, sau khi cha mất, Đỗ Cận được triều đình triệu về kinh thăng lên chức Thượng thư (đứng đầu một bộ). Để tưởng nhớ tài năng, đức độ, những công lao đóng góp của tiến sĩ Đỗ Cận với quê hương, đất nước, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ ông.

 

Xoa lên những vết tróc lở, rêu phong, cụ Phượng dõi đôi mắt xa xăm, trầm ngâm kể tiếp những câu chuyện cha ông truyền lại. Cụ bảo, trước kia ngôi đền làm bằng gỗ lim, tường gạch, mái lợp ngói mũi nhưng do chiến tranh, thời gian dài không được quan tâm tu bổ nên bị đổ nát và được nhân dân dựng lại bằng một ngôi nhà nhỏ để thờ tạm. Năm 1980, ngôi đền tiếp tục được nhân dân địa phương xây dựng bằng gỗ bạch đàn, mái lợp rạ. Năm 1996, hội thảo khoa học về danh nhân Đỗ Cận được tổ chức, Viện Sử học Việt Nam đã công đức tiền kết hợp với sự đóng góp của nhân dân tôn tạo ngôi đền như ngày nay.

 

Ông Hoàng Văn Đáp góp lời: Những năm qua, để bảo vệ di tích, UBND xã Minh Đức đã thành lập Ban quản lý gồm 6 người, trong đó Trưởng ban là Trưởng xóm Thống Thượng, còn lại là các cụ cao tuổi ở địa phương. Bao năm qua, mặc dù được bảo vệ chu đáo nhưng nhân dân địa phương vẫn trăn trở là ngôi đền đã xuống cấp nhiều, kiến trúc lại quá đơn giản, chỉ là ngôi nhà cấp 4, không có đầu đao, lá mái, đầu hồi, bít đốc, mái lợp ngói vuông, bờ nóc, bờ dải không trang trí hoa văn. Vì vậy, nhân dân trong vùng vẫn mong muốn được xây dựng lại đền thờ khang trang, cho xứng đáng với công danh của Tiến sĩ Đỗ Cận.

 

Trao đổi với ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức, chúng tôi nhận được tin vui: Từ sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc hoàn thiện những điều kiện công nhận Khu di tích lịch sử, ngày 10-3-2014, đền thờ Đỗ Cận đã chính thức được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, ngày 19-9, xã Minh Đức tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia, đồng thời phát động công đức ủng hộ, tôn tạo khuôn viên Di tích… Đền thờ Đỗ Cận là nơi tưởng niệm có ý nghĩa, giá trị lớn lao phục vụ giáo dục truyền thống hiếu học, thể hiện lòng thành kính, tôn vinh một vị danh nhân của đất nước, chắc chắn sẽ sớm được tu bổ, tôn tạo xứng tầm.

 

Với những lời tâm thư chân thành, UBND xã Minh Đức (Phổ Yên) mong nhận được sự quan tâm đóng góp về tinh thần, vật chất của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để cùng chung tay, góp sức tôn tạo, xây dựng Đền thờ Đỗ Cận ngày càng khang trang hơn. Mọi sự đóng góp, ủng hộ xin gửi về Ban Quản lý đền thờ Đỗ Cận, tài khoản: 9527.41049431; số điện thoại 0280.3865163; Email: ubndxaminhduc@gmail.com.