Tìm thấy một ngôi mộ của văn hóa Đông Sơn đã khó. Lại khó gấp nhiều lần ở khu Tây Bắc rừng núi trùng điệp. Thế mà vừa có một phát hiện ngôi mộ táng thủ lĩnh chôn theo nhiều hiện vật trong một hang đá ở xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.
Phát hiện khảo cổ này thật ngẫu nhiên. Mới đây, trong khi đi cắt cỏ cho trâu, ông Quàng Văn Hảy ở bản Nà Pát đã tìm ra cửa một cái hang trên ngọn núi Lán Le gần bản. Cửa hang đã bị bịt lại bằng những hòn đá tảng. Sau đó, dân làng đã kéo lên hang và dỡ đá tảng, lộ ra một hang nhỏ. Nền hang sâu hơn mặt đất ngoài cửa khoảng 1,5m và rộng khoảng 6m2.
Vào bên trong, dân làng thấy hình hài một ngôi mộ nằm chính giữa nền hang, có nấm mồ cao khoảng 30-40cm và được xếp đá.
Do hiếu kỳ, dân bản Nà Pát, đã tự "khai quật" ngôi mộ này. Theo ông Cả Văn Po và những người đào thì ngôi mộ còn nguyên vị trí, phần đầu còn cả xương sọ màu trắng, đã mủn, còn xương hàm dưới, 4 chiếc răng và 2 đoạn xương ống chân. Hướng đầu quay ra cửa hang và là hướng Bắc.
Đồ tùy táng phong phú và qua đó, người ta có thể hình dung ra cách chôn cất của người xưa. Trên đầu đặt 5 chiếc qua đồng của Văn hóa Đông Sơn, có phần lưỡi và cán gần vuông góc với nhau. Lưỡi nhọn, cán có lỗ để xuyên dây buộc. Một số lưỡi qua được khắc họa hoa văn 5 vòng tròn xoáy trôn ốc. Có chiếc qua có chiều dài lưỡi đến 30cm.
Đây là một loại vũ khí thường gặp trong Văn hóa Đông Sơn, được buộc dây vào đầu một chiếc cán dài, giống như một cái câu liêm, dùng để bổ, chém, nhất là để chặt chân ngựa và người. Rất ít khi tìm được loại vũ khí với số lượng nhiều như vậy trong lòng đất. Cả 5 chiếc qua này được chôn thành cụm ở phần đầu.
Tại vị trí cổ người chết, đã tìm được một số hạt chuỗi đeo cổ, được làm bằng đá mài nhẵn, hình trụ dài có khoan lỗ, màu trắng và đen.
Cán bộ khảo cổ đang nghiên cứu cửa hang.
Một hiện vật đồng tìm thấy ở vị trí ngực. Đó là hiện vật hình tròn, đường kính 15 cm, ở giữa lồi và có núm, được trang trí các chấm tròn, có lỗ ở hai bên để xỏ dây đeo. Chưa rõ đây là loại mũ đồng hay là một loại "hộ tâm phiến" che ngực mà lần đầu các nhà khảo cổ biết tới.
Hai bên xương đùi người chết còn thấy 2 chiếc rìu đồng quen thuộc của Văn hóa Đông Sơn, là loại rìu hình chữ nhật có họng.
Với những đồ tùy táng điển hình của Văn hóa Đông Sơn, các nhà khảo cổ có thể định được niên đại ngôi mộ này cách đây khoảng 2000 năm. Cũng có thể coi đây là một địa điểm phân bố hiếm hoi của nền văn hóa này được phát hiện trong lòng đất một cách rõ ràng như vậy.
Thân phận của chủ nhân ngôi mộ ở Chiềng Khoang cũng là điều đáng lưu ý. Chắc chắn đó là một vị thủ lĩnh của cộng đồng, giàu có với số đồ đồng quý giá đối với thời xưa. Có thể đấy là người chỉ huy quân sự với số lượng vũ khí nhiều đến vậy. Với hạt chuỗi đeo cổ cũng khó đoán là phụ nữ hay đàn ông. Thường thì các tượng phụ nữ chống nạnh trên cán dao găm đều có khắc họa nhiều vòng chuỗi đeo cổ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ cả đàn ông thời đó cũng đeo nhiều đồ trang sức, trong đó có vòng cổ.
5 chiếc qua đồng Đông Sơn là đồ tùy táng.
Phát hiện ngôi mộ ở Chiềng Khoang đã cho thấy chân dung của một thủ lĩnh thời Đông Sơn một cách trung thực nhất với các vũ khí, công cụ sản xuất, đồ trang sức thường mang theo mình và khi chết cũng "mang theo" để tiếp tục "cuộc sống trong thế giới bên kia".
Sơn La là một vùng phát hiện ra dấu tích Văn hóa Đông Sơn trước đây ở vùng Đá Đỏ, huyện Phù Yên, nằm bên bờ sông Đà. Nay lại thêm một di tích văn hóa Đông Sơn nữa ở huyện Quỳnh Nhai. Điều đó chứng tỏ từ cách đây 2000 năm, cư dân Đông Sơn đã cư trú ở vùng Sơn La. Có thể, khi đó, một cộng đồng người nào đó, tổ tiên của các dân tộc ít người hiện nay ở vùng Tây Bắc đã cùng với các tộc người ở nhiều vùng khác đã sáng tạo nên Văn hóa Đông Sơn. Như vậy, bức tranh tộc người thời này là đa dạng, có nhiều tộc người miền núi cùng là chủ nhân Văn hóa Đông Sơn.
Theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” thì vùng phát hiện ra mộ táng Đông Sơn này thuộc về bộ Tân Hưng xưa của thời Hùng Vương, một thời thuộc tỉnh Hưng Hóa dưới triều Nguyễn. Vào thời Lý thuộc đạo Lâm Tây, thời Trần thuộc đạo Đà Giang.
Phát hiện địa điểm Văn hóa Đông Sơn ở vùng Sơn La là một phát hiện hiếm hoi và rất quý, khi ta biết rằng 3 tỉnh biên giới Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La rất ít các địa điểm thuộc Văn hóa Đông Sơn. Phát hiện mới này đã chứng minh người thời Đông Sơn đã làm chủ Tây Bắc cách đây 2000 năm.
Đây là một trong những bằng chứng xác đáng nhất để khẳng định vùng Tây Bắc từ xa xưa đã được các cộng đồng dân tộc Việt Nam khai phá, phát triển và giữ gìn bờ cõi phía tây và phía bắc của Tổ quốc.