Văn nghệ sĩ cao tuổi với văn hóa dân tộc

08:54, 30/09/2014

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói với các bậc phụ lão rằng: Tuổi cao thì chí càng cao. Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam thì cho đến nay ở nước ta có hàng nghìn văn nghệ sĩ cao tuổi, một lực lượng vô cùng hùng hậu, trong số đó có nhiều người đã đi qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Họ là những nghệ sĩ, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và mặt trận đấu tranh trực diện với kẻ thù cũng như trên mặt trận tái thiết đất nước hôm nay. Họ đã cất cao tiếng hát "làm át tiếng bom", họ đã sáng tác hàng trăm vở kịch, bài thơ, bản nhạc, truyện ngắn, truyện dài, tranh, tượng và phim, ảnh... làm nên một kho tàng văn nghệ cách mạng Việt Nam vô cùng phong phú.

 

Đất nước hòa bình thống nhất, lực lượng văn nghệ sĩ cách mạng ấy, những nghệ sĩ, chiến sĩ ấy lại tiếp tục cống hiến cho nhân dân bằng tài năng và lao động sáng tạo của mình. Đã có biết bao tác phẩm văn nghệ hay và nội dung tốt phục vụ cho hàng triệu lượt người xem, nghe. Nhiều tác phẩm đã sống mãi với thời gian. Rồi năm tháng cứ đi qua, tuổi tác cứ cao dần, rồi trở thành "người xưa nay hiếm", nhưng với văn nghệ sĩ cách mạng thì tuổi tác dường như không làm giảm đi tài năng, cảm hứng và nhiệt tình sáng tạo của họ. Tuổi càng cao thì chí càng cao, tài năng càng chín, điều đó ta có thể thấy ở những văn nghệ sĩ như: GS Vũ Khiêu, GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, GS Trần Bảng, các nhà văn: Học Phi, Tô Hoài (vừa mất), như soạn giả nhà nghiên cứu tuồng Minh Quang, nhà thơ Hữu Thỉnh và các đạo diễn như: Lê Tiến Thọ, Phạm Thị Thành, Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Lê Chức... vẫn đang lao động sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới. Với họ không có khái niệm tuổi tác và dường như họ không bao giờ chịu ngừng nghỉ lao động sáng tạo. NSND Tường Vy, con chim sơn ca với những bài:Tiếng đàn ta-lư, Cô gái vót chông, Em là hoa pơ-lang... đang bước vào tuổi 80 đã tâm sự rằng: "Khi nào tôi chết, tôi mới hết cống hiến". Nhạc sĩ Bá Phổ đang sưu tầm và sáng tạo hàng trăm nhạc cụ dân tộc để giảng dạy và quảng bá cho người xem trong và ngoài nước, NSND Trà Giang hết đóng phim thì chuyển sang vẽ tranh, GS AHLĐ Vũ Khiêu, nhà văn hóa cao niên nhất đã hoàn thành những công trình nghiên cứu đồ sộ về văn hóa dân tộc trong những năm tuổi ngoài 80 và cho đến tuổi bách niên vẫn không rời cây bút. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ bước vào tuổi 80 mỗi năm cho ra đời một tập thơ nhưCon đường -Con người(viết về văn hóa giao thông) (2012) được Thủ tướng tặng Bằng khen, tập Về tổ(2013) và tậpSóng dậy biển đông(năm 2014) viết về Hoàng Sa, Trường Sa đã được giới văn học, nghệ thuật và báo chí đánh giá cao.

 

NSND Đàm Liên khi về hưu là lúc biểu diễn nhiều nhất.

 

Tại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi tập hợp rất đông văn nghệ sĩ trí thức cao tuổi trong và ngoài nước cùng làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Ở đây họ đã và đang thực hiện hàng loạt công trình văn hóa dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, bài chòi, múa rối nước, âm nhạc dân gian... và thực hiện các dự án của Chính phủ như Sân khấu học đường, văn hóa giao thông. Cũng chính những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cao tuổi ở Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã cho ra đời những công trình, những bộ sách về 1000 năm Thăng Long, về tuồng Đào Tấn, tuồng Nguyễn Diêu, về các danh nhân Lê Dại Cang, Ưng Bình Thúc, Gia Thị... và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác. Điều đó đã chứng minh một cách hùng hồn rằng văn nghệ sĩ cao tuổi đang tích cực hoạt động trên mặt trận văn nghệ và đang nỗ lực sáng tạo quên cả thời gian và tuổi tác.

 

Những văn nghệ sĩ cao tuổi bao giờ cũng sống có trách nhiệm với nền văn hóa dân tộc, luôn luôn đoàn kết, luôn luôn suy nghĩ, suy tư, trăn trở trước thực trạng nền văn hóa dân tộc đang bị xâm hại, bị biến dạng, đang bị lai căng, bị mất gốc và mờ dần bản sắc, như chùa chiền bị đập phá và xây mới, nghệ thuật cổ bị cách tân, lễ hội bị biến tướng, mê tín dị đoan đang hoành hành, đạo đức lễ nghi dân tộc bị biến đổi... Trước thực trạng đó, hàng trăm bài viết của các văn nghệ sĩ cao tuổi đã thẳng thắn phê phán xu hướng thương mại hóa lễ hội, xu hướng cách tân cải tiến nghệ thuật truyền thống đã "biến vừng ra ngô" và phê phán không khoan nhượng trào lưu văn nghệ ngoại lai, dị dạng, phi dân tộc trên sân khấu, trên màn hình và trong cuộc sống. Rất, rất nhiều văn nghệ sĩ cao tuổi đã tham gia góp ý có chất lượng trong việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về "Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" và tích cực hưởng ứng Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về xây dựng văn hóa, con người.

 

Nói chung, đội ngũ văn nghệ sĩ cao tuổi Việt Nam đã và đang tiếp tục làm người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng và đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Hầu hết những văn nghệ sĩ cao tuổi trên khắp đất nước như gần giống nhau về tâm tư, về suy nghĩ trước thực trạng nền văn hóa dân tộc. Ai cũng thấy sốt ruột, cũng băn khoăn về vốn nghề của cha ông bị mai một, ai cũng thấy mình thiếu thời gian nên phải cướp lấy thời gian. Vì thời gian thì ngắn ngủi mà sự nghiệp văn hóa dân tộc thì quá lớn, quá dài và quá phức tạp.

 

Điều đó được bộc lộ trong những trang viết, trong những bài phát biểu ở các diễn đàn hội thảo về văn hóa dân tộc do chúng tôi tổ chức trong thời gian qua. Người văn nghệ sĩ cao tuổi chân chính bao giờ cũng chín chắn, sống bao dung và đoàn kết, không đề cao mình và hạ thấp đồng nghiệp.

 

Tuy nhiên, hiện nay không phải văn nghệ sĩ cao niên nào cũng còn mang bầu máu nóng, cũng muốn xông vào trận địa văn hóa,...

 

Nhân Ngày quốc tế Người cao tuổi 1-10 hôm nay, chúng ta hãy nói lên những gì mà giới văn nghệ sĩ đã và đang làm cho nền văn hóa dân tộc được thăng hoa, đồng thời cũng chỉ ra những bất cập mà người nghệ sĩ cao tuổi chưa làm được, chưa hết lòng cho sự nghiệp "xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" như định hướng của Đảng ta.