Nền âm nhạc của một quốc gia mạnh hay yếu phụ thuộc trước hết vào lực lượng sáng tác, vì vậy việc xây dựng chăm lo bảo đảm có sự kế cận liên tục cho đội ngũ nhạc sĩ sáng tác là một công việc cần được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục đặc biệt trở nên cấp bách trong tình hình hiện nay.
Một hiện tượng đáng lo ngại hiện nay là khuynh hướng âm nhạc giải trí, thị trường đang lấn át âm nhạc dân tộc. Công chúng ngày càng đòi hỏi các tác phẩm âm nhạc mới, phải mang được bản sắc dân tộc. Ngay ở thời kỳ tân nhạc đầu thế kỷ 20, các nhạc sĩ của chúng ta với số lượng không đông nhưng với lòng yêu nước, yêu dân ca, yêu tiếng Việt đã tạo nên dòng âm nhạc mới mang bản sắc Việt Nam. Sau này, qua các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, các nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc sống mãi với thời gian. Lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay cần tiếp bước và phát huy truyền thống đó. Ðể làm được điều này đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng nhạc sĩ sáng tác ở học viện âm nhạc, trường nhạc và các cơ sở đào tạo âm nhạc không ngừng được cải tiến nâng cao, khai thác có hiệu quả kho tàng âm nhạc đồ sộ với trữ lượng giai điệu phong phú cùng các nhạc khí có âm sắc và kỹ thuật diễn tấu đa dạng của cha ông.
PGS, TS Nguyễn Thụy Loan đề xuất ý kiến: Ðã đến lúc cần tạo sự đột phá trong việc đúc kết các thủ pháp sáng tác, các lối cấu trúc và hòa tấu cổ truyền để làm nên bước chuyển có tính căn bản, chuyên sâu hơn vào phương thức tư duy sáng tạo âm nhạc của ông cha và để phương thức tư duy cùng các thủ pháp sáng tác, các lối cấu trúc cổ truyền có chỗ đứng chính thức trong chương trình đào tạo tiếp thu tinh hoa âm nhạc của nước ngoài. Ðưa tri thức và kỹ năng thực hành sáng tác theo phương thức cổ truyền dân tộc vào đào tạo chuyên ngành sáng tác là việc cần làm ngay.
Ðể tạo sức lan tỏa khí nhạc thuần túy, kể cả khí nhạc cổ truyền dân tộc và khí nhạc hiện đại dân tộc đến với số đông công chúng yêu nhạc quả là điều khó, bởi thể loại này rất kén người nghe. Trong khi đó, đại diện một nền âm nhạc quốc gia không thể thiếu khí nhạc vì nó thể hiện đẳng cấp và sự phát triển chuyên nghiệp của một nền âm nhạc hoàn bị. Nhiều nhạc sĩ có tên tuổi vững chắc trong thanh nhạc Việt Nam nhưng vẫn mơ ước chạm đến được tác phẩm khí nhạc, nhất là viết được tác phẩm giao hưởng. NSND - nhạc sĩ Trần Quý đã nêu ra một thực tế đáng buồn: Ðể viết một tác phẩm khí nhạc có quy mô lớn, có chất lượng thì phải mất hàng năm, ngày đêm suy nghĩ tìm đề tài, xác định nội dung, chọn thể loại, hình thành sơ bộ cấu trúc, hình thức âm nhạc, xây dựng chủ đề chính, phụ và tìm tòi sáng tạo những cái mới. Thời gian thai nghén có khi mất đến 5, 7 tháng. Nhưng viết xong phải đến công đoạn dàn dựng, biểu diễn, đơn vị nghệ thuật nào sẽ dàn dựng biểu diễn? Lấy kinh phí ở đâu, ai cấp? Thực trạng ấy đã làm cho ngành khí nhạc đã yếu lại càng yếu. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã không hào hứng, chỉ cốt "trả bài" khi ra trường, còn đâu hoài bão theo đuổi thể loại nhạc này. Trước tình hình ấy, nhạc sĩ Vĩnh Cát cho rằng: Xét cho cùng cái cơ bản nhất, cái quý giá nhất của một nền âm nhạc quốc gia chính là đội ngũ tác giả và chất lượng tác phẩm. Cho dù có bao nhiêu nghệ sĩ biểu diễn có tài, có bao nhiêu dàn nhạc đạt trình độ quốc tế nhưng chỉ biểu diễn hết lần này đến lần khác vẫn là những tác phẩm, những tác giả quốc tế quen thuộc thì làm sao có được một nền nghệ thuật âm nhạc Việt Nam hiện đại đích thực ? Cho nên phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thậm chí có chế độ khuyến khích đặc biệt cho số ít sinh viên thật sự có đức, có tài, có ý chí vươn lên đỉnh cao để sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng. Bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng sáng tác, nhạc sĩ trẻ còn phải được đầu tư nhiều về vốn sống, bồi dưỡng tâm hồn và lý tưởng thẩm mỹ.
PGS, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam nhận định: Người nhạc sĩ sáng tác, đặc biệt là thế hệ trẻ phải luôn luôn kiên trì theo đuổi, bồi dưỡng "cái trí" và "cái cảm". "Cái trí" là học hỏi kỹ thuật của dân tộc ta và kỹ thuật tiên tiến của thế giới để làm phương tiện diễn đạt "cái cảm" và "cái cảm" phải là chính vì có "trí - kỹ thuật" mà không có "cảm - cảm xúc" thì tác phẩm sẽ trở thành máy móc khô khan không có sức thuyết phục người nghe. Ngược lại có cảm xúc dồi dào mà thiếu kỹ thuật điêu luyện thì cũng không làm sao thể hiện được, diễn đạt được tốt tác phẩm. Muốn có cảm xúc dồi dào phải có vốn sống, có tình yêu sâu sắc với con người và cuộc đời. Nếu không như vậy thì không thể có cảm hứng, có sự thôi thúc làm bật lên ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Vốn sống càng phong phú thì đề tài và ý tưởng sáng tạo sẽ được mở rộng chứ không bó hẹp trong chuyện yêu đương nam nữ như nhiều ca khúc của lớp trẻ hiện nay. Còn một việc cần chú ý đầu tư cho lớp nhạc sĩ trẻ đó là nâng cao năng lực cảm nhận ngôn ngữ văn học, nhất là trong tình hình hiện nay có nhiều ca khúc mang ca từ thô thiển thiếu thẩm mỹ và phản cảm.
Ðầu tư toàn diện cho lớp nhạc sĩ trẻ, chúng ta hy vọng sẽ có những tác phẩm xứng tầm với cuộc sống hôm nay, góp phần tạo những bước chuyển tích cực cho nền âm nhạc Việt Nam.