Từ trung tâm xã Bản Ngoại (Đại Từ), chúng tôi về xóm Đầm Mua trên con đường bê tông trải dài qua những cánh đồng vàng rộm của mùa lúa chín. Trong tiết Thu se lạnh, hương trời - đất dìu dặt, quyện hòa gợi niềm tự hào từng đong đầy trong mỗi trái tim của con dân nơi thủ phủ gió ngàn năm xưa. Hơn nửa thế kỷ trước, từ vùng đất cách mạng Thái Nguyên đã có những đoàn quân ngược đường lên Tây - Bắc, cùng quân, dân cả nước làm lên một thiên sử vàng - Điện Biên Phủ.
Tây - Bắc xưa chị gánh, anh thồ và âm vang câu hò kéo pháo vào trận địa của bộ đội, dân công, để bây giờ những con đường, vùng đất từ thủ đô gió ngàn lên Điện Biên trở thành địa danh lịch sử. Làng quê Đầm Mu xưa, nay là đầm Mua còn khắc ghi dấu tích nơi đồi Thành Trúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở từ đầu tháng 8 đến ngày 12-10-1954 để cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi dự Hội nghị tổng kết thí điểm cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên; thăm các xã Hùng Sơn, Phục Linh và đi thăm đền Hùng; tham dự Lễ trình Quốc thư của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba; nói chuyện với cán bộ, bộ đội, lực lượng Thanh niên xung phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Bà Trần Thị Nhình, xóm Phố Hạ, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Bản Ngoại cho biết: Năm đó, khu Đầm Mu toàn rừng vầu, rừng nứa, dân cư chẳng có bao người. Tuy hoang sơ nhưng Đầm Mu thuận đường sang Tuyên Quang và về Thủ đô Hà Nội, nên vùng đất trở thành sự lựa chọn của lịch sử… Ngôi nhà sàn Bác ở năm xưa không còn, nhưng còn đây một dấu Thu đọng lại bên đồi Thành Trúc, hiện hữu trên vùng đất cách mạng, và mãi trường tồn, lưu danh trong sử sanh. Đồng chí Đàm Việt Bắc, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nói đầy suy tư: Năm tháng trôi mau, mới đó đã 60 năm (10/10/1954 - 10/10/2014), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ “dời đô” về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Những người thuộc thế hệ trực tiếp tham gia ủng hộ kháng chiến như bà Nhình phần nhiều đã khuất núi, còn lại đều tuổi cao, sức yếu, nhưng lòng luôn tự hào về thời trẻ trung của mình.
Đồi Thành Trúc mới được xây dựng bia di tích lịch sử từ năm 2005, và trở thành một trong những điểm đến của du khách trong, ngoài nước. Tuy khu di tích chưa có tán cây phủ bóng che mát cho cháu, con về nguồn, chỉ có nhành hoa đại xòe trắng mỗi mùa. Nhưng khi đặt chân về, trong mỗi người đều mang một cảm xúc trào dâng, thiêng liêng lạ kỳ. Bởi vùng đất này từng chứng kiến một quyết định lịch sử mang ý nghĩa trọng đại của một Quốc gia. Quyết định dời thủ phủ gió ngàn về Thủ đô Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Dù không được trực tiếp gặp Người, song đến bây giờ, nhiều người cao niên ở vùng đất này còn nhớ nguyên ngôi nhà sàn năm xưa Bác ở bên chân đồi Thành Trúc. Nhớ ông cụ “Áo nâu túi vải trên đường suối reo”… qua những vùng đất của Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, sang Sơn Dương (Tuyên Quang) rồi về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, tiếp tục lãnh đạo Đảng, Chính phủ, nhân dân ta bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đưa cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi năm 1975.
Về Thủ đô Hà Nội, dù bận rộn, song Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trở lại thủ đô gió ngàn, thăm cán bộ, nhân dân và đồng bào các dân tộc Thái Nguyên. Tình cảm nồng hậu của Người như ngọn lửa hồng, làm ấm áp thêm những phong trào thi đua yêu nước của quân, dân nơi thủ đô gió ngàn xưa và quân dân ở Thủ đô Hà Nội, góp phần cùng cả nước lập nhiều chiến công trên các mặt trận xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thủ phủ gió ngàn còn đây, từng dấu tích lịch sử cách mạng được tạc khắc trên trang sử đất nước, trên bia đá và trở thành niềm tự hào của mỗi người dân. Trên nền truyền thống hào hùng dân tộc, đất nước vươn vai rộng, dài như chàng trai Phù Đổng, vững chãi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng Đảng, để tự tin hội nhập với các nền kinh tế, văn hóa trong khu vực và các nước trên thế giới. Trong suốt chặng đường 60 năm, đất nước đã đi qua nhiều gian khổ để đến đỉnh vinh quang. Cũng suốt bấy nhiêu năm và mãi mãi về sau, nhân dân cả nước, đặc biệt là nhân dân thủ đô gió ngàn Thái Nguyên - vùng đất được lịch sử lựa chọn và nhân dân Thủ đô Hà Nội - Thủ đô vì hòa bình luôn nhắc nhủ, ví ngày 10-10 như chiếc vạch nối đầy ý nghĩa trong trang sử cách mạng Việt Nam.
Bằng việc phát huy mọi nguồn lực, diện mạo thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc của Thủ đô Hà Nội đang từng ngày đổi thay, xứng đáng với tầm vóc là trung tâm vùng Việt Bắc. Nhiều tổ chức, doanh nhân trong, ngoài nước tìm đến đầu tư làm ăn, như: Tập đoàn kinh tế Masan (Núi pháo Mining); Tập đoàn kinh tế Sam sung (Hàn Quốc)… Từ bao đời nay, thủ đô gió ngàn Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội luôn có sự gắn kết chặt chẽ về không gian, địa lý và về tình cảm giữa con người dành cho con người. Mới đây, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được thông tuyến. Con đường mới đã rút ngắn hơn khoảng cách và thời gian, tạo ra nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, xã hội giữa thủ đô của thời kháng chiến với thủ đô của một đất nước mang nhiều huyền thoại Anh hùng.