Công bố di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia múa Tắc xình

23:06, 16/10/2014

Tối 16-10, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Phú Lương phối hợp phối hợp tổ chức Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia “Múa Tắc xình” của dân tộc Sán Chay. Đây là điệu dân vũ đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Dự buổi Lễ có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;  đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)….

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

Múa Tắc xình (còn gọi là múa cầu mùa) là một nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng của đồng bào dân tộc Sán Chay. Điệu múa Tắc Xình trong Lễ hội cầu mùa thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc. Múa Tắc xình được hình thành và phát triển cùng với tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng người Sán Chay ở nước ta. Trải qua thăng trầm của thời gian, múa Tắc xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, ngày 25-8-2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL công nhận múa Tắc xình là di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tại buổi Lễ, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Múa Tắc xình cho huyện Phú Lương.


Múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay

 

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Trần Quốc Tỏ đã đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Phú Lương, các sở, ban, ngành tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường sự quan tâm đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Múa Tắc xình, cụ thể: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của di sản văn hóa phi vật thể; đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể múa Tắc xình vào trong hệ thống giáo dục ở các cấp học trên địa bàn huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên; tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá để múa Tắc xình có cơ hội trình diễn đến tới bạn bè trong nước và quốc tế…