Trong hai ngày 8 và 9-10, tại Hà Nội, các nhà quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và nhạc sĩ cùng phân tích nỗi khổ, sự chậm chạp, những thiếu thốn và lỏng lẻo trong lĩnh vực đào tạo sáng tác âm nhạc.
“Cơ thể” yếu đuối!
Mải mê theo âm nhạc phương Tây mà lãng đi việc học hỏi từ âm nhạc dân tộc khiến việc khai thác những tinh túy trong kho tàng vô giá của truyền thống vào sáng tác bị hạn chế; chậm đổi mới, cải tiến phương pháp, giáo trình đào tạo, đến nay vẫn sử dụng những giáo trình cũ kỹ hàng nhiều chục năm trước còn những môn học mới phù hợp với thời đại công nghệ lại chưa được áp dụng; chất lượng đầu vào thấp, chất lượng học tập không cao, đương nhiên đầu ra của lực lượng sáng tác cũng nhàng nhàng, dễ dãi; quá nhiều khó khăn, tốn kém gây cản trở nhạc sĩ, sinh viên trong việc dàn dựng, thu âm, tổ chức biểu diễn tác phẩm của mình; bên cạnh đó, mải mê chạy theo thị hiếu tầm thường dẫn đến những ca khúc hời hợt, não tình mà thiếu ca khúc hay, còn tác phẩm khí nhạc thì vắng bóng...
Đó là hàng loạt những tồn đọng, bất cập, thực trạng, nguy cơ liên quan đến vấn đề sáng tác âm nhạc hiện nay, đang được các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, giảng viên xới xáo trong hội thảo “Sáng tác âm nhạc trong giai đoạn hiện nay”, được tổ chức tại Học viện âm nhạc quốc gia. Hội thảo thuộc chương trình Festival âm nhạc mới Á - Âu diễn ra tại Hà Nội.
Nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng cho rằng, về giáo trình cho nhập môn sáng tác hiện nay, thậm chí vẫn chưa có một quy chuẩn. Trong khi ở ta thiếu sự đầu tư cho các thể loại âm nhạc kinh điển – bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá, tuyên truyền và lưu trữ.
Còn theo nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, toàn bộ sinh viên sáng tác tốt nghiệp xong thì bị thả nổi tới mức gần như không còn cơ hội hoạt động theo chuyên môn đã được đào tạo, tác phẩm nếu cố sáng tác ra thì cũng không biết gửi đi đâu và tìm dàn nhạc nào biểu diễn, diễn xong thì để làm gì.
Không cải tổ không được!
Nếu không đổi mới ngay từ gốc là chính những người thầy, và hệ thống giáo trình, phương pháp, môn học…, cùng với những quy cách đánh giá chất lượng, trình độ sinh viên, thì như nhận định của nhiều người trong nghề, cái vòng luẩn quẩn của tuyển chọn, đào tạo, tốt nghiệp và hoạt động sáng tác âm nhạc vẫn cứ luẩn quẩn mãi.
PGS.TS Nguyễn Thụy Loan cho rằng: Cần chính thức đưa kiến thức và kỹ năng sáng tác theo phương thức cổ truyền vào chương trình đào tạo sáng tác. Theo TS Loan, để làm được như vậy, phải có hai kênh gồm các môn bổ trợ như Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Tính năng nhạc khí cổ truyền, Phối khí cho dàn nhạc dân tộc… và bổ sung nội dung thực hành các nguyên tắc và kỹ năng sáng tác.
Nhìn một cách bao quát, nhạc sĩ Cát Vận cho rằng, cần bỏ việc đào tạo sáng tác âm nhạc theo chỉ tiêu. Đồng thời việc tuyển chọn tài năng phải được thực hiện ngay từ cấp mẫu giáo trở đi, từ các trung tâm văn hóa cơ sở của địa phương đến trung ương. Trong thực tế đào tạo, nhạc sĩ đề xuất: Phát hiện được tài năng, cần tổ chức những lớp chuyên biệt để nâng cao năng lực sáng tác cho họ với nhiều hình thức học.
Tại hội thảo trên, một số chuyên gia nước ngoài đã đưa ra những thí dụ thành công trong mở rộng đào tạo sáng tác âm nhạc ở tầm phổ thông và bồi dưỡng chuyên sâu. Nhiều đại biểu trong nước cũng đề nghị phải chặt chẽ và mạnh tay hơn trong giảng dạy, hướng dẫn, thẩm định đối với sinh viên. Tổ chức hội thảo này, hy vọng Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và Hội nhạc sĩ Việt Nam sẽ là đơn vị, tổ chức tiên phong trong việc đổi mới để cứu vãn tình thế cấp bách của đào tạo sáng tác va thực trạng sáng tác âm nhạc hiện nay.
NSND nhạc sĩ Trần Quý: Tốt nghiệp phải có tác phẩm âm nhạc dân tộc
Nên tăng giờ giảng dạy về tính năng nhạc cụ dân tộc và phối khí cho dàn nhạc dân tộc đương đại, vì phối khí cho dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc có những nguyên lý, phương pháp chung, nhưng cũng có nhiều cái riêng, không thể áp dụng toàn bộ cách phối khí giao hưởng cho dân tộc được. Khi thi tốt nghiệp đại học, cùng với tác phẩm dòng nhạc hàn lâm, nhất định phải có một tác phẩm âm nhạc dân tộc.