Gắn kết vai trò của cộng đồng trong gìn giữ di sản làng cổ Đường Lâm

07:33, 14/10/2014

Gắn kết vai trò của cộng đồng trong gìn giữ di sản bằng cách tạo ra lợi ích cho người dân từ khai thác du lịch, nâng cao ý thức của họ trong việc chung tay bảo tồn là vấn đề cốt yếu để bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm một cách bền vững.

Đó là mục đích khiến các nhà nghiên cứu của Hiệp hội Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) đã nghiên cứu và cho ra đời bộ sản phẩm du lịch mới: "Tour du lịch Mùa lúa chín". Đây là món quà tặng người dân làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) do STDe phối hợp với 50 sinh viên khoa Kiến trúc - Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện nhằm gắn kết vai trò của cộng đồng trong gìn giữ di sản làng cổ Đường Lâm bằng cách tạo ra lợi ích cho người dân từ khai thác du lịch một cách bền vững.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh - Chủ tịch STDe cho biết: Lý do STDe đầu tư nghiên cứu “Tour du lịch mùa lúa chín” cho làng cổ Đường Lâm là do các nhà khoa học của STDe nhận thấy việc trồng và khai thác lúa hiện nay ở Đường Lâm nói riêng và ở Việt Nam nói chung còn kém hiệu quả, nên người dân chưa sống được từ những sản phẩm nông nghiệp. Trên thực tế, người nông dân mới chỉ khai thác lúa dưới khía cạnh là lương thực, còn nhiều khía cạnh giá trị khác của lúa như giá trị cảnh quan, gía trị nghệ thuật, giá trị văn hóa, giá trị thời trang, giá trị vật liệu xây dựng... thì người dân chưa được biết đến để gia tăng chuỗi giá trị cho lúa.

 

“Tour du lịch mùa lúa chín” đã xây dựng những góc nhìn sáng tạo mới về cây lúa để đề xuất các hoạt động du lịch trải nghiệm trong mô hình “Công viên lúa” với 3 không gian chính: Không gian hoài niệm, Không gian tình yêu và không gian khám phá. Mỗi không gian sẽ mang lại cho du khách một nét đặc sắc riêng, đậm màu sắc thôn quê. Chẳng hạn, với không gian hoài niệm du khách có cơ hội trở về quá khứ với sắc màu vàng rực rỡ của cánh đồng mùa lúa chín, hương lúa, cánh cò, tiếng sáo diều và các món ăn dân dã thôn quê... Không gian tình yêu được tạo dựng với nhiều không gian riêng tư lãng mạn khác nhau để trai gái hẹn hò, tâm sự, và chụp những bức ảnh kỷ niệm cho ngày cưới.

 

Khác với không gian hoài niệm và không gian tình yêu, ở mô hình không gian khám phá là thế giới dành riêng cho trẻ em với các bù nhìn rơm ngộ nghĩnh và nhiều trò chơi thú vị với rơm.

 

Bên cạnh Công viên lúa, Công viên rơm với các hoạt động như trình diễn thời trang rơm, dạy làm đồ lưu niệm rơm và ẩm thực rơm. Đây là những hoạt động có nhiều sức hút bởi sự độc đáo từ các hoạt động mới lạ của nó.

 

Kết thúc một ngày du lịch, với nhiều hoạt động thú vị, du khách được nghỉ ngơi, thư giãn tại Công viên trăng. Tại đây du khách được nghỉ ngơi trong nhà nghỉ được xây dựng bằng vật liệu tại địa phương như tre, gỗ, rơm, đá ong... ven sông Tích và thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng Đường Lâm.

 

Ông Phạm Hùng Sơn – Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho rằng: Tour du lịch là một dự án du lịch cộng đồng rất dễ triển khai vào thực tế vì nó khai thác được những nguồn lực tài nguyên sẵn có của địa phương với giá thành vật liệu rẻ và yêu cầu công nghệ không cao. Khi tour du lịch được triển khai trong thực tế sẽ giúp người dân Đường Lâm có cơ hội tăng thêm thu nhập từ hoạt động du lịch, qua đó người dân sẽ ý thức hơn về việc gìn giữ nét đẹp của làng cổ.

 

Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Sơn cũng cho rằng, để người dân có thu nhập ổn định và bền vững từ lúa và các sản phẩm liên quan, cùng với sự nỗ lực của người dân, của Ban quản lý và các cấp chính quyền địa phương thì các cấp, các ngành, các công ty du lịch cũng cần có những chính sách giúp đỡ, hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cách tạo ra sản phẩm từ lúa. Đặc biệt là hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài và bền vững để người dân yên tâm thực hiện và khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch tại địa phương.

 

Là một trong những người dân làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Văn Vững cho biết: Dự án “Tour du lịch Mùa lúa chín” là một cách làm hay để quảng bá những nét đặc trưng của Đường Lâm. Đã từng có nhiều năm làm dịch vụ du lịch tại đây, ông Vững cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để người dân yên tâm triển khai thực hiện đó là đầu ra bền vững và lâu dài cho sản phẩm, như vậy người dân sẽ yên tâm sản xuất, đảm bảo cuộc sống và gìn giữ những giá trị của làng cổ./.