Trong số hơn 1.400 di tích ở Hội An thì có gần 70 di tích cần được trùng tu hoặc chống đỡ để đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ.
Nằm ở vùng rốn lũ hạ du sông Thu Bồn và Vu Gia, hàng năm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hứng chịu tác động nặng nề của bão lũ. Mùa mưa bão năm nay, cùng với việc đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, địa phương này triển khai nhiều giải pháp bảo vệ các di tích đang xuống cấp trong khu phố cổ.
Hiện nay, trong số hơn 1.400 di tích ở phố cổ Hội An thì có gần 70 di tích xuống cấp cần được trùng tu hoặc chống đỡ để đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ. Thời gian qua, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân có nhà trong phố cổ vay vốn để trùng tu, sửa chữa nhà xuống cấp.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết: đối với những di tích xuống cấp nghiêm trọng, chủ hộ không có kinh phí, đơn vị đề nghị chính quyền thành phố Hội An tiến hành trùng tu trước mùa mưa bão.
“Trên cơ sở khảo sát, phân loại những nhà nào là xuống cấp nguy hiểm, ở chỗ nào, vị trí nào để khi có bão lụt thì sẽ thông báo cho người dân cần phải di chuyển đến đâu. Di chuyển nơi khác hay là di chuyển phía trước, phía sau thì đều được xác định và chuẩn bị trước” – ông Nguyễn Chí Trung nói.
Hiện nay, Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, phường kiểm tra toàn bộ các di tích trên địa bàn thành phố, phân loại di tích và có phương án bảo vệ cho từng di tích. Theo đó, cán bộ của Trung tâm hỗ trợ về kỹ thuật và phương tiện để các chủ di tích chủ động triển khai phương án bảo vệ di tích.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, đối với di tích chưa có điều kiện để trùng tu, trước mắt vận động bà con có phương án chống đỡ tạm thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão:
“Phải tập trung cho những di tích mà có nguy cơ. Bình quân mỗi năm như vậy, chúng tôi chi cho việc tu bổ di tích khoảng 3 khối gỗ trong nguồn phòng chống thiên tai. Những di tích nào mà có nguy cơ sụp đổ thì phải được chống đỡ. Hiện tại, tất cả các di tích trong và ngoài phố cổ đã được chèn chống hết sức nghiêm túc./.