Hội thảo khoa học: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc

16:37, 17/10/2014

Ngày 17-10, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc”.

 

Dự Hội thảo có các đồng chí đại diện các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và các tỉnh liên kết du lịch với Thái Nguyên, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh. Đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Chương trình du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI, Thái Nguyên 2014 chủ trì Hội thảo.

 

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 30 báo cáo khoa học và 12 ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương. Các tham luận tập trung vào 4 vấn đề chính là: Vai trò, vị trí của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Việt Bắc; đánh giá thành công, hạn chế và đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc” sau 5 năm triển khai; đề ra các giải pháp thu hút khách, phát triển du lịch vùng Việt Bắc.

 

Hội thảo xác định rõ giá trị nổi bật của di sản văn hóa Việt Bắc là: “Bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Bắc được bảo tồn trong những phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa - nghệ thuật dân gian, làng nghề thủ công và hệ thống các di tích lịch sử cách mạng” quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, như: Pắc Bó (Cao Bằng), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên)… Các tham luận đã đề xuất giải pháp về phát triển du lịch vùng Việt Bắc, về định hướng lấy bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa làm nền tảng. Về loại hình cần chú trọng phân loại hình du lịch văn hóa, lịch sử và loại hình du lịch sinh thái; về phát triển khách du lịch, khách nội địa từ các trung tâm du lịch lớn: Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận, khách quốc tế và đề xuất việc xây dựng các tuor, tuyến, sản phẩm du lịch, liên kết du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

 

Đồng chí Ma Thị Nguyệt nhấn mạnh: Qua Hội thảo, các tỉnh trong khu vực sẽ tìm ra hướng đi bền vững cho hoạt động Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vùng Việt Bắc; đồng thời cùng nhau kết nối được nhiều Tour, tuyến du lịch hấp dẫn du khách; các tỉnh có thêm cơ hội tăng cường mối liên kết khai thác phát triển du lịch đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp Văn hóa của các tỉnh vùng Việt Bắc.