Phát hiện mới về di tích Bạch Đằng, Vân Đồn

07:23, 01/10/2014

Những phát hiện khảo cổ học quan trọng tại các di tích Bạch Đằng, Vân Đồn (Quảng Ninh), đã góp phần quan trọng vào việc diễn giải chiến lược, quá trình chuẩn bị, quy mô và diễn biến trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của nhà Trần.  

Phát hiện đoạn xương người thứ 6

 

Lĩnh vực khảo cổ học chiến trường, khảo cổ học dưới nước đã có những phát hiện quan trọng, phác họa rõ nét hơn về các cuộc thủy chiến của người Việt khi các đạo quân xâm lược phía Bắc tràn xuống qua đường biển. Cụ thể, các nhà khảo cổ đã phát hiện những mảnh bình vỏ sành thời Trần, mảnh gốm men ngọc của Trung Quốc thời Nguyễn ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

 

Bên cạnh đó, những phát hiện khảo cổ mới gồm: 1 đoạn xương người có vết chặt (đây là đoạn xương thứ 6 tìm được ở Bạch Đằng), 1 cọc gỗ và những đồ gốm men... ở bãi cọc Bạch Đằng ở Yên Giang đã củng cố thêm những cứ liệu về chiến thắng của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư năm 1288 ở Vân Đồn, trận chiến đã nhấn chìm đoàn thuyền lương của Trương Vân Hổ xuống biển Đông, có tính chất bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 của nhà Trần.

 

Mùa hè năm 2014, thực hiện Đề án “Bảo tồn phát huy giá trị khu di tích chiến thắng Bạch Đằng” của tỉnh Quảng Ninh, đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành một số hố khai quật thám sát trong phạm vi chiến trường Bạch Đằng thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Trong số các hiện vật thu được có một đoạn xương hình ống dài 5cm, chỗ rộng nhất 2,2cm có dấu vết băm ở một đầu và chặt vát ở đầu kia. Cán bộ bảo tàng Bạch Đằng đã gửi đến phòng thí nghiệm xương người và động vật của bảo tàng Phạm Huy Thông đặt tại Quảng Yên. Kết quả đối chiếu loại hình học và vết xước ở đây cho phép kết luận ban đầu đây là đoạn xương cẳng tay trái người, phần gần sát với xương quay vai.

 

TS Nguyễn Việt, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á cho biết, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện xương người trong bãi chiến trường Bạch Đằng 1288 tại Yên Giang, mà đây là vết tích xương người thứ 6. 5 phần di cốt khác đã được nghiên cứu, báo cáo, định tuổi carbon phóng xạ, cho thấy khả năng xương người phát hiện ở khu Bãi cọc Bạch Đằng Yên Giang đều ít nhiều liên quan đến trận chiến 1288.

 

Phát hiện thêm một cọc gỗ  

 

Tháng 5/2014, đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học thực hiện một cuộc khai quật thám sát trên phạm vi rộng 75 ha tại cánh đồng Yên Giang nhằm xác định tính chất, đặc điểm và phạm vi phân bố của các dấu tích khảo cổ học trong khu vực quy hoạch; đánh giá giá trị và cung cấp các ý kiến tư vấn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích Bạch Đằng, khu vực trung tâm bờ bắc sông Chanh. 

 

Cuộc khai quật được thực hiện với sự phối hợp của Ban quản lý các công trình văn hóa trong điểm tỉnh Quảng Ninh và phòng văn hóa thị xã Quảng Yên. Qua khảo sát 25 hố khai quật trong phạm vi cánh đồng Yên Giang, đoàn khảo cổ đã tìm thấy những dấu tích văn hóa khá rõ, chủ yếu là các mảnh sành, sứ, gốm men, mảnh ngói… Đặc biệt, đoàn khảo cổ đã phát hiện thêm một cọc gỗ có đường kính 27-28cm, cao còn lại 1,2m, thân cọc hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng, chân cọc được đẽo vát nhiều nhát nhỏ và đóng hơi vát xiên về phía tây và tây nam, đầu cọc hơi nghiêng về phía đông. Cọc gỗ được đóng vào lớp phù sa màu nâu hồng. Đáng chú ý là về phía đông của cọc xuất lộ một tấm ván không còn nguyên vẹn. Sự có mặt hiếm hoi của một cọc gỗ trong hố đào gần sát bãi cọc Yên Giang đã chứng minh một lần nữa các kết luận trước đây về quy mô bãi cọc và cách đóng cọc của quân dân nhà Trần. 

 

TS Lê Thị Liên, Trưởng phòng Khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định: Việc nghiên cứu chi tiết về các địa tầng và phạm vi phân bố các di vật sẽ góp phần quan trọng vào việc diễn giải chiến lược, quá trình chuẩn bị, quy mô và diễn biến của trận chiến năm 1288. Cũng theo TS Lê Thị Liên, đây là giai đoạn đầu của hoạt động nghiên cứu khảo cổ học đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng” tỉnh Quảng Ninh, nhằm phục vụ nhiệm vụ quy hoạch tổng thể di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.