Thời gian gần đây, các nhà khảo cổ học phát hiện nhiều tàu cổ cùng gốm sứ, các di vật, hiện vật bị đắm tại vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Điều đó cho thấy vùng biển này ẩn chứa nhiều bí mật có giá trị về khảo cổ học dưới nước, một lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chọn Quảng Ngãi để tổ chức Hội thảo quốc tế đầu tiên về khảo cổ học dưới nước tại Việt Nam
Các chuyên gia khảo cổ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương, một doanh nghiệp chuyên tìm kiếm, trục vớt cổ vật dưới nước đã tìm thấy 7 thanh đá vuông, dài khoảng 1,5m và hàng chục thỏi đá tròn nằm rải rác tại vùng biển đảo Bé, xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ghi nhận ban đầu thì đây là đá Sa Thạch, có dấu vết gia công, chế tạo. Những thanh đá này có thể là nguyên vật liệu xây dựng của nhiều thế kỷ trước. Cách khu vực phát hiện đá Sa Thạch 200m, các nhà khảo cổ cũng phát hiện nhiều mảnh gốm, sứ xanh, trắng có niên đại khoảng 400- 500 năm trước.
Ông Đoàn Sung, cố vấn Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương cho biết: “Các chuyên gia cùng tắm biển đã lặn xem san hô ở dưới biển, nhưng tình cờ lại phát hiện dấu tích của hai con tàu đắm. Dấu tích của gốm sứ được xác định rơi vào thế kỷ 15, 16. Chỉ có tắm biển thôi mà đã phát hiện như thế thì chứng tỏ tiềm năng của Lý Sơn rất là lớn nếu chúng ta khảo sát, đánh giá cho đúng mức”.
Từ năm 1999 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 10 tàu cổ bị đắm trên vùng biển huyện Bình Sơn và đảo Lý Sơn. Các tàu cổ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 18, phân bố tập trung trong phạm vi 24km2 và cách bờ biển từ 200- 400m.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam đánh giá: “Quảng Ngãi là địa phương mà theo đánh giá của chúng tôi là di sản văn hóa dưới nước tiềm ẩn rất nhiều. Những phát hiện gần đây, chẳng hạn như ở Bình Châu hoặc khu vực cảng Sa Kỳ, gần đây nhất là những phát hiện thú vị ở khu vực Lý Sơn khẳng định tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước ở Quảng Ngãi nói riêng”.
Cùng với việc phát hiện nhiều tàu cổ bị đắm, qua nhiều năm khảo sát, khai quật ở vùng biển Quảng Ngãi, các nhà khoa học đã phát hiện khai quật 10 khẩu súng thần công, gần 1.000 đầu đạn thần công. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã khai quật khoảng 10.000 cổ vật là gốm sứ, di vật, hiện vật có niên đại lịch sử khác nhau nhưng địa phương vẫn chưa lựa chọn được phương pháp tối ưu để bảo tồn và bảo vệ các di sản này.
Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “Có nhiều ý kiến khác nhau để có thể gìn giữ xác tàu tại nơi đó như hiện vật sống. Có ý kiến đề nghị phải đưa xác tàu về bảo tàng để phục vụ nghiên cứu, trưng bày phục vụ tham quan du lịch. Chúng tôi cũng chờ đến hội thảo khảo cổ học dưới nước sắp tới, các nhà khoa học sẽ giúp chúng ta tìm một hướng đúng nhất để phát huy, phát triển như thế nào cho đúng nhất”.
Sự tập trung quần thể nhiều di tích, hiện vật văn hóa dưới nước tại tỉnh Quảng Ngãi là hiếm có. Các di sản quý giá này cần được bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị độc đáo./.