Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số

09:40, 19/11/2014

Theo dòng chảy của thời gian, sự giao thoa văn hóa và cuộc sống hiện đại đã góp phần làm thay đổi đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều giá trị văn hóa mới được đồng bào tiếp thu và sử dụng nhiều hơn, nhưng nét đẹp văn hóa đặc trưng cũng dần mai một. Bởi thế, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động tích cực để bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.

Điển hình là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa IX) về  Công tác dân tộc. Đầu năm 2014, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Mục tiêu của Đề án là: Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc Thái Nguyên, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hóa cao; phát huy vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển văn hóa dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới…

 

Theo đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa, trong đó công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số cũng được coi trọng. Từ cách đây 5 năm, cùng việc ký kết với Ban dân tộc tỉnh về “Chương trình đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, Thể thao và Du lịch và Gia đình vùng đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015”, Ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh quyết định ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Đến nay, đã tổ chức thực hiện hoàn thành công tác kiểm kê tại các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai.

 

Trên cơ sở đó, tỉnh đã lựa chọn 2 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là: “Lễ cấp sắc” của dân tộc Dao và “Múa Tắc xình” của dân tộc Sán Chay huyện Phú Lương để đề nghị xét và đã  được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 25-8-2014. Đặc biệt, bằng nguồn vốn sự nghiệp của tỉnh và kinh phí chương trình mục tiêu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp, trong những năm gần đây, ngành đã triển khai, thực hiện được một số đề tài khoa học, tiêu biểu là các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn âm nhạc dân gian các dân tộc Thái Nguyên; phục dựng đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ (Định Hoá); Đám cưới của dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh (Phú Lương); Lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ)…

 

Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc trực tiếp của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đồng bào, nhiều nét đẹp văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số được phục hồi bản sắc gốc, đồng thời phát huy được trong cuộc sống tinh thần hằng ngày. Nét đẹp văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc được gìn giữ, qua đó tôn vinh, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa mới, từng bước làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh, đồng thời gắn kết được giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc.