Để phát triển thị trường mỹ thuật trong nước

09:18, 23/11/2014

Một nghịch lý lâu nay trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam là chúng ta có hàng nghìn họa sĩ, nhà điêu khắc; có hệ thống bảo tàng, phòng tranh (gallery); có sự tiếp nối các thế hệ nhà sưu tập; có đông đảo công chúng yêu thích; có sự giáo dục mỹ thuật trong trường phổ thông... nhưng thị trường mỹ thuật trong nước lại chưa được hình thành, tức là không có hoặc có rất ít khách hàng là người Việt Nam mua tác phẩm mỹ thuật.

10 năm chỉ có... năm khách Việt

 

Quỳnh galerie được mở vào cuối năm 2003 tại đường Đề Thám, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Chủ nhân là một phụ nữ Mỹ gốc Việt, tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử / phê bình nghệ thuật tại Trường đại học Tổng hợp Ca-li-phoóc-ni-a, từng làm việc nhiều năm tại một số gallery, bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Mỹ trước khi về Việt Nam năm 1997. Sau ba năm tìm hiểu, nghiên cứu đời sống và thị trường nghệ thuật trong nước, chị dành thêm ba năm thử nghiệm bằng một trang thông tin điện tử về nghệ thuật Việt Nam rồi quyết định chính thức mở một không gian gallery thực tế. Chia sẻ với chúng tôi trong lần gặp gần đây, chị cho biết, hơn mười năm qua, số khách người Việt Nam mua tác phẩm tại gallery chỉ đếm được vừa đủ một bàn tay.

 

Thực trạng này cũng đúng với một gallery được coi là "hạng A" của Việt Nam hiện nay: Art Việt Nam (Hà Nội), hoạt động từ năm 2003. Bà X.Lét-chơ (Suzanne Letch), Giám đốc nghệ thuật cho hay, từ khi gallery được mở ra, chỉ có ba, bốn khách là người Việt Nam đến mua tác phẩm. Phần lớn khách hàng của Art Việt Nam là người Mỹ, Thụy Sĩ, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc) và vài năm gần đây, gallery đang hướng đến khách hàng Ần Độ.

 

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An từng nở rộ phong trào mở phòng tranh. Không ít họa sĩ từng trở thành đại gia với biệt thự, xe sang, cho con du học Anh, Mỹ,... Nhưng tuyệt đại đa số đều chỉ bán tranh cho người nước ngoài, thậm chí có họa sĩ còn nửa đùa nửa thật nhận mình là "công nhân làm hàng xuất khẩu". Bởi vậy, khi nạn tranh nhái, tranh giả hoành hành trong hội họa Việt Nam, cộng với bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, phong trào này đã nhanh chóng chấm dứt, thay vào đó là tình trạng đóng cửa hàng loạt; có những phòng tranh biến mất chỉ sau một đêm, khiến họa sĩ ký gửi tranh ở đó ngơ ngác không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Gần đây nhất, tranh của một số họa sĩ nổi tiếng Việt Nam có giá bán thấp hơn cả giá khởi điểm trong một phiên đấu giá của nhà đấu giá Larasati (Xin-ga-po), đã làm dấy lên nhiều tranh luận trong nước về giá trị và trị giá thật của mỹ thuật Việt Nam hiện nay trên trường quốc tế. Hiển nhiên, đây là hệ lụy sâu xa của một thị trường mỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc người nước ngoài, không có gốc rễ trong nước bền vững.

 

Thực tế, không phải là không có người Việt Nam muốn mua tranh. Thậm chí, theo nhiều họa sĩ và chủ nhân gallery, số người Việt Nam mua tranh dường như ngày càng tăng và không ít người trong số họ còn là khách hàng mua tranh "rất dễ chịu". Anh C.Thô-mát (Craig Thomas), chủ nhân gallery C.Thô-mát, một trong những gallery có tiếng ở TP Hồ Chí Minh cho hay, nhiều người Việt Nam mua tranh còn không mặc cả, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt xấp xỉ chục nghìn USD cho một bức tranh họ thích. Nhưng phổ biến hơn là cách mua tranh bằng giao dịch trực tiếp với họa sĩ theo kiểu "người nhà", giá thường rẻ hơn so với ở gallery, dẫn đến phá giá thị trường...

 

Thiếu chất keo gắn kết

 

Như đã nói ở trên, Việt Nam không thiếu các điều kiện căn bản để giúp hình thành nên một thị trường mỹ thuật trong nước đúng nghĩa, nhưng dường như đang thiếu một chất keo gắn kết tất cả các điều kiện này để thúc đẩy các nhân tố thị trường trở nên mạnh mẽ, thực chất hơn.

 

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thuộc hệ thống bảo tàng quốc gia nhưng kể từ khi mở cửa, vai trò sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đương thời của bảo tàng này có vẻ như bị lu mờ trước sức hấp dẫn về giá mua tranh và nhất là cách thức làm việc chuyên nghiệp, minh bạch của các nhà sưu tập, bảo tàng nước ngoài. Giá mua tranh của bảo tàng trong nước vì vướng cơ chế tài chính chung nên luôn thấp hơn rất nhiều so với giá tranh theo thị trường của họa sĩ, có khi chỉ bằng 25% - như lời của một nữ họa sĩ trẻ mới có tranh được Bảo tàng Mỹ thuật trong nước sưu tập. Đây là yếu tố quan trọng khiến cho vai trò định giá tác phẩm mỹ thuật của bảo tàng, góp phần nâng cao giá trị - trị giá mỹ thuật đất nước trong một thị trường toàn cầu, không còn chính xác.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có được một trung tâm đấu giá mỹ thuật, nơi không chỉ xác tín tính nguyên bản, mà còn giúp thẩm định giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của một tác phẩm mỹ thuật thông qua các phiên đấu giá theo thông lệ quốc tế. Đây được coi là một trong những nguyên do khiến cho nhiều nhà sưu tập tranh người Việt Nam chưa tự tin công khai hoạt động sưu tập mỹ thuật của mình như một đóng góp vào đời sống văn hóa đất nước, đồng thời giúp công chúng bớt đi thiên kiến về nhóm người "thừa tiền ném qua cửa sổ".

 

Nên nhắc lại rằng, bảo tàng cùng với hệ thống đấu giá và sưu tập mỹ thuật luôn là điểm tựa vững chắc thúc đẩy sức mua tác phẩm mỹ thuật trong nước của công chúng, bởi họ nhìn thấy ở đó một sự xác tín giá trị nghệ thuật và niềm tin vào sự gia tăng giá trị ấy theo thời gian.

 

Đi tìm một "cú huých"

 

Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân là một họa sĩ có tranh bán được cho khách hàng trong nước cho rằng, dù đã rất muộn nhưng Nhà nước cần đề ra một khung chính sách đặc thù cho phát triển mỹ thuật, trong đó có hai việc quan trọng: thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển nghệ thuật với cơ chế vận hành minh bạch; đưa ra chính sách thuế ưu đãi cho các doanh nghiệp, doanh nhân có sưu tập mỹ thuật, thí dụ như thuế suất bằng 0% cho phần doanh thu dành cho sưu tập mỹ thuật, như một biểu hiện công nhận trách nhiệm xã hội và văn hóa của họ. Giải pháp này từ lâu đã thành thông lệ ở các quốc gia có thị trường nghệ thuật nội địa phát triển, nếu áp dụng ở Việt Nam sẽ là một "cú huých" khơi dậy tiềm năng thị trường mỹ thuật nội địa.

 

Liên quan đến chính sách thuế, bà Trần Thu Hà, chủ nhân phòng tranh Tự Do cho rằng, đánh thuế các tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Việt Nam khi nhập trở lại trong nước là cản trở quảng bá mỹ thuật Việt Nam ra thế giới. Khi một tổ chức mang tranh đi triển lãm ở nước ngoài, họ không phải nộp thuế, nhưng khi mang lại về nước, tranh sẽ phải chịu thuế căn cứ vào giá bán kê khai. Với thuế nhập khẩu kiểu này, không ít họa sĩ từng chấp nhận bỏ tranh lại cửa khẩu hải quan vì không có tiền nộp.

 

Sự tự vận động tìm kiếm khách hàng trong nước của các gallery năng động cũng góp một "cú huých" khác làm thay đổi tâm lý nghệ thuật của nhiều người trong nước. Một số gallery tại TP Hồ Chí Minh đã mở phòng tranh ở khu phố trung tâm phù hợp với tâm lý hưởng thụ của người giàu địa phương. Quỳnh galerie có trung tâm Sao La, ngay tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nơi diễn ra các chương trình giới thiệu và giáo dục nghệ thuật cho nhiều lứa tuổi. Đây được xem như một hướng đầu tư bài bản, chủ động đưa nghệ thuật đến gần hơn với khách hàng trong nước tiềm năng.

 

Có chính sách vĩ mô phù hợp chính là chất keo gắn kết tất cả các điều kiện, yếu tố nền tảng tạo nên một thị trường mỹ thuật nội địa. Những kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc thúc đẩy văn hóa đại chúng phát triển, xuất khẩu sản phẩm văn hóa và lấy văn hóa làm đòn bẩy phát triển kinh tế; của Trung Quốc trong việc hình thành và thúc đẩy thị trường mỹ thuật nội địa; của Xin-ga-po trong việc biến quốc đảo này trở thành đô thị toàn cầu (metropilitan city) mà ở đó, mỹ thuật và nghệ thuật đương đại là nguồn thu hút khách du lịch quốc tế nhờ hệ thống bảo tàng, các liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế uy tín... chắc chắn sẽ là những tham khảo cần thiết và hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực mỹ thuật ở Việt Nam.