Người dân tộc Mông ở Đồng Hỷ có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, phần lớn những nét văn hóa đó chưa được nhiều người biết đến, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán hiện đang dần bị mai một. Trước thực trạng đó, người Mông ở Đồng Hỷ có nguyện vọng được tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của mình.
Ông Trần Văn Hồ, xóm Lân Quan, xã Tân Long thường nuôi 2 cặp chim Họa mi chọi. Ông là người được bà con người Mông nhận xét là tinh tường và kinh nghiệm trong chọn và có nuôi chim họa mi ở Đồng Hỷ. Cẩn thận treo lồng chim lên cây trước nhà, ông Hồ chia sẻ: Chơi chim Họa mi từ lâu đã trở thành niềm đam mê của đồng bào dân tộc Mông và chọi chim Họa mi cũng được coi là hoạt động văn hóa đặc sắc không thể thiếu. Cứ vào sáng Chủ nhật hằng tuần hoặc vào phiên chợ chính, người Mông ở các bản thường xách lồng chim đến một góc rừng, hoặc chợ, cùng nghe chim hót, chọi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, huấn luyện chim Hoạ mi... Người Mông chúng tôi yêu thích chim Họa mi vì ngoài giọng hót lanh lảnh, luyến láy, lên bổng xuống trầm, chim còn là những “võ sĩ” đích thực. Chim Họa mi “chuẩn” phải hội tụ được những tiêu chí như mắt xanh, mí dày, chân khỏe, mỏ búp, đuôi phải cân đối... Để nuôi được 1 con Họa mi chọi tốt, người nuôi phải cho cho Họa mi ở lồng cao để bay, nhảy, giúp chân, móng khỏe khoắn và phải cho kết đôi với một con chim mái. Trong lúc diễn ra đấu chọi, chim mái biết cổ vũ, hướng dẫn cho con trống đánh và nghỉ đúng lúc bằng cách cất tiếng hót, động viên, tiếp thêm sức mạnh để con trống lao vào tấn công đối phương.
Quả vậy, nhiều dịp đến các xóm, bản người Mông ở Đồng Hỷ, chúng tôi đều dễ dàng nhìn thấy những lồng chim Họa mi được treo trước hiên nhà, hay trong vườn. Nhiều người không nuôi chim để chọi mà chỉ để nghe hót và xách theo làm bạn mỗi khi xuống chợ, lên nương. Anh Hoàng Văn Thắng, xóm Khe Quân, Văn Lăng thì chia sẻ về cách nuôi chim Họa mi: Việc nuôi chim tưởng đơn giản song khá phức tạp, thức ăn của chim thường là tấm, gạo rang thơm cùng lòng đỏ trứng gà, cào cào, châu chấu. Ngoài ra, còn phải thường xuyên thay nước uống và cho tắm nắng, tắm nước để giúp chim khỏe hơn…
Bên cạnh chơi chim, chọi chim Họa mi, món mèn mén là một trong những món ăn truyền thống vẫn được người dân tộc Mông sử dụng nhiều trong bữa ăn hàng ngày. Bà Vương Thị Mỵ, bản Mỏ Ba, xã Tân Long chia sẻ: Làm được 1 mẻ mèn mén mất từ 2 đến 3 giờ đồng hồ, qua nhiều công đoạn và phải có kinh nghiệm trong điều chỉnh lượng nước và nhiệt độ lửa. Hạt ngô xay thành bột, sàng vỏ, cho thêm chút nước, đảo đều đến khi bột ngô tơi ra. Sau đó đặt vào chõ gỗ đồ chín. Việc đồ mèn mén trải qua hai lần. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô. Với bột ngô non, chỉ cần nước trong chảo sôi, bắt đầu có hơi nước bốc lên miệng chõ là có thể hoàn thành lần đồ đầu tiên, với ngô già thì cần thêm lửa lâu hơn. Sau lần đồ đầu tiên, bột ngô được dỡ ra nia, đảo tơi, rồi tiếp tục đặt vào chõ đồ lần thứ 2 cho bột chín hẳn. Khi bột ngô chín, tơi không vón cục, mùi thơm lan tỏa, nếm thử thấy ngô có độ dẻo, bùi ngọt, đậm đà là đã làm thành công món mèn mén.
Ngoài ra, người Mông ở Đồng Hỷ có đời sống văn nghệ khá phong phú. Ông Vương Văn Lầu, là người uy tín ở bản Lân Quan, xã Tân Long cho biết: Các bài hát, bài thơ truyền miệng của chúng tôi trước kia có rất nhiều thể loại như: Truyện thần thoại về người anh hùng dạy người Mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc; truyện cổ tích về các con vật; bài hát tình yêu (gầu plềnh), bài hát cưới xin (gầu xuống)… Đây là những bài mà trước kia người Mông thường hát khi làm nương rẫy, trong khi đi chợ, đi hội, nhưng đến nay, nhiều bài đã bị lãng quên, còn rất ít người hát được các bài của dân tộc mình. Chúng tôi mong muốn được chính quyền tổ chức một ngày hội riêng cho dân tộc mình, qua đó, biểu diễn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Mông.
Ông Nguyễn Văn Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện cho biết, dân tộc Mông trên địa bàn thuộc ngành Mông trắng. Với 521 hộ, 2.703 khẩu sống tập trung trên 9 xóm, bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Về văn hóa truyền thống, hiện người Mông trên địa bàn chỉ còn lưu giữ được trong đời sống hàng ngày tiếng nói của dân tộc, cách nấu món mèn mén, nuôi chim Họa mi. Nhiều nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Mông trên địa bàn đã dần bị mai một. Người dân ít mặc trang phục truyền thống; các loại nhạc cụ phục vụ cho các hoạt động văn hóa dân gian như khèn trúc, kèn lá hiện đã không còn được chế tạo và lưu giữ; các lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu như: Lễ hội Gầu tào, Mừng lúa mới... cũng đã không còn được tổ chức. Trước tình hình đó, cùng với nguyện vọng tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông của rất nhiều đồng bào, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai tổ chức Lễ hội này vào dịp cuối năm 2014 để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Theo đó, Ngày hội sẽ mở rộng quy mô đến toàn bộ những bản Mông trên địa bàn chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi xóm Lân Quan, xã Tân Long như Ngày hội lần thứ nhất tổ chức năm 2012. Những hoạt động chính trong Ngày hội lần này dự kiến sẽ là: Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; thi và biểu diễn văn nghệ quần chúng; thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian (tung còn, chọi chim Họa mi, đánh cù, kéo co, đẩy gậy); văn hóa ẩm thực dân tộc (đồ xôi, mèn mén)…
Thiết nghĩ, việc tổ chức Ngày hội này cũng là hình thức giao lưu văn hóa, văn nghệ dân tộc Mông, tạo điều kiện cho nghệ nhân của dân tộc được thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, hát những bài hát mới có lời bằng tiếng Mông, đó cũng là góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.