Căn cứ vào đánh giá chất lượng điểm đến và sự cảm nhận của du khách thế giới, mới đây, trang web về du lịch TripAdvisor tiếp tục bình chọn Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của Châu Á. Sự ghi nhận đó không phải là ngẫu nhiên.
Sự ghi nhận khách quan
Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường, trong xã hội đương đại, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, giáo dục truyền thống mà còn là nơi bảo tồn, phát huy tinh hoa di sản văn hóa của mỗi quốc gia, là địa chỉ du lịch hấp dẫn. Đến đây, khách tham quan có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới.
Có thể xem xét nhận định của ông Nguyễn Văn Cường dựa trên thực tế diễn ra tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh - một trong ba bảo tàng của Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của Châu Á. Giám đốc bảo tàng này, ông Huỳnh Ngọc Vân cho biết: "Những năm gần đây, nguồn thu sự nghiệp của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh từ du khách luôn cao hơn từ 3,5 đến 4 lần ngân sách được cấp, nhưng đó không phải là mối lợi lớn nhất. Điều quan trọng nhất là những bằng chứng về đau thương, mất mát mà nhân dân Việt Nam phải hứng chịu trong các cuộc chiến tranh đã được bạn bè quốc tế chia sẻ, bày tỏ sự cảm thông và từ đó, họ thêm yêu, thêm trân trọng đất nước và con người Việt Nam".
Những gì đang được giới thiệu tại những bảo tàng hàng đầu của chúng ta cho thấy hiệu quả quảng bá hình ảnh đất nước tới du khách, đặc biệt là nét đẹp truyền thống riêng có. Du khách Bobbyjosing, đến từ New Zealand, sau khi tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chia sẻ cảm nhận của mình trên trang TripAdvisor: "Việt Nam có 54 dân tộc khác nhau và tất cả các dân tộc đều được quyền bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là một bảo tàng rất tuyệt vời, là nơi bạn có cơ hội để tìm hiểu về các nhóm dân tộc ở những vùng miền khác nhau, để biết họ sinh sống như thế nào". Anh Nguyễn Cảnh Nam, sống tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nhận xét: "Tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, những gì được trưng bày tại đây mang đến cho tôi cảm xúc rất lạ. Vẫn biết phụ nữ Việt Nam xưa nay đảm đang, chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, nhưng khi xem những hình ảnh, những thước phim, những bản thuyết minh về người phụ nữ tại bảo tàng, tôi thấy trân trọng mẹ mình, yêu quý vợ mình hơn. Tôi tin rằng khi xem những hình ảnh này, những người đàn ông có hành vi bạo lực gia đình sẽ phải suy nghĩ lại".
Bảng xếp hạng của một trang web, dù uy tín đến đâu thì cũng chỉ là kênh thông tin tham khảo nhưng rõ ràng, sự ghi nhận nói trên là cơ sở khách quan để những người làm công tác bảo tàng ở Việt Nam có thể nghĩ đến hướng đi mới nhằm vận hành hiệu quả hệ thống bảo tàng vốn có sự ì ạch trong nhiều năm qua.
Không thể thụ động được nữa
Một bảo tàng, dù là bảo tàng tổng hợp hay chuyên ngành, có chức năng giới thiệu, quảng bá lịch sử, văn hóa, con người của một quốc gia. Hiệu quả là vô cùng lớn, không thể đong đếm đơn giản là có bao nhiêu khách đến, số tiền thu được là bao nhiêu, ngành du lịch được hưởng lợi như thế nào? Vấn đề là bộ mặt quốc gia, là nét đẹp riêng có của nước sở tại theo chân du khách về đất nước họ, như lời mời gọi sự quan tâm của nhiều người khác. Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), Việt Nam có hơn 130 bảo tàng các loại, nếu phát huy tốt, hệ thống bảo tàng sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, dịch vụ… Tiếc rằng, đa phần bảo tàng ở Việt Nam rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, gây ra sự lãng phí.
Phân tích nguyên nhân khiến hệ thống bảo tàng hoạt động chưa hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng, ngày nay, công chúng không còn dễ dãi chấp nhận bất cứ "món" nào mà bảo tàng cung cấp như trước đây, họ có quyền lựa chọn dịch vụ mà mình ưa thích, bỏ qua những điểm đến mà mình thấy không cần thiết. Bởi thế, bảo tàng nào không nỗ lực sáng tạo vì công chúng thì bảo tàng đó sẽ bị đào thải. Không thể ngồi chờ du khách một cách thụ động, không thể tồn tại tâm lý cầu may được nữa. "Nhìn lại hoạt động của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thời gian qua, công chúng có thể thấy rất rõ tính sáng tạo trong công tác giới thiệu, trưng bày, quảng bá nội dung của bảo tàng đến với công chúng", PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
Ra đời khá muộn so với hệ thống bảo tàng của Việt Nam (năm 1997), song với việc xác định rất rõ chức năng của mình là phản ánh sinh động, chân thực đời sống, phong tục, tập quán, phương thức sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa tới đông đảo công chúng trong nước, quốc tế, Bảo tàng Dân tộc học luôn chủ động, sáng tạo trong công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật, tổ chức các sự kiện đồng hành có tác dụng bổ trợ cho phần trưng bày, triển lãm. Kết quả là Bảo tàng Dân tộc học đã có nhiều hoạt động gây được tiếng vang lớn trong thời gian qua, rõ nhất là những hoạt động mang tính chuyên đề như "Chuyện ở thành phố - Những giọng nói cộng đồng", "Vui xuân Giáp Ngọ 2014", Tết Trung thu với chủ đề "Em yêu biển đảo"…
Đi sâu giới thiệu đời sống của người phụ nữ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có bước chuyển rõ ràng, từ một địa chỉ ít người biết đến trở thành điểm tham quan không thể thiếu trên bản đồ du lịch Hà Nội kể từ năm 2012 trở lại đây. Chia sẻ bí quyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân nói: "Chúng tôi không ôm đồm, không theo cách thấy gì hay hay là đưa ra trưng bày mà không biết phần trưng bày đó có phù hợp với chức năng của bảo tàng mình hay không. Chúng tôi chỉ giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật nổi bật, chứa đựng những thông tin đắt giá, độc đáo về người phụ nữ Việt Nam. Cùng với phần trưng bày cố định, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức các triển lãm lưu động".
Những gì diễn ra tại một số bảo tàng hàng đầu Việt Nam cho bài học kinh nghiệm về cách thức vận hành cần có của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay. Điều quan trọng nhất là phải chuyển đổi tư duy, từ quan niệm "bày ra, rồi ngồi đợi khách" sang tìm hiểu "Thượng đế" muốn gì và cố gắng phục vụ họ một cách chất lượng. Như TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nói: "Mỗi bảo tàng có một nhóm đối tượng phục vụ khác nhau; chỉ cần các bảo tàng chủ động, linh hoạt, không ngừng đổi mới thì công chúng sẽ tìm đến".