Lung linh sắc màu Việt Bắc

11:06, 17/11/2014

Lễ khai mạc Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI - Thái Nguyên năm 2014 sẽ được tổ chức vào lúc 20 giờ ngày 18-11 tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, T.P Thái Nguyên. Trong tổng thời lượng hơn 90 phút, thông qua các màn nghệ thuật đặc biệt, Chương trình khai mạc sẽ chuyển tải đến khán giả, du khách trong nước và bạn bè quốc tế hình ảnh tươi đẹp về vùng đất, con người và những di sản văn hóa vô giá của đồng bào các dân  tộc vùng Việt Bắc.

Từ trung tuần tháng 10, tại các đơn vị: Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Trường Đại học Văn hóa Quân đội… đã bắt đầu vang rền âm hưởng hoành tránh của những ca khúc ơn Đảng, Bác Hồ và ngợi ca về quê hương Việt Bắc. Trên nền nhạc mang đậm âm hưởng “rừng núi bao la” là hơn 500 diễn viên chuyên và không chuyên, chia nhóm tập luyện từng động tác múa phụ họa theo bài hát do các tốp ca nam, nữ và những ca sĩ có tên tuổi trong làng nghệ thuật Việt Nam, như: Trọng Tấn, Anh Thơ, Lương Huy, Minh Huệ, Tân Nhàn… Ông Vũ Hồng Cương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Phục vụ chương trình của Lễ khai mạc, Sở đã huy động 200 diễn viên múa chuyên nghiệp; 50 diễn viên chuyên và bán chuyên địa phương; 20 diễn viên sân khấu; 30 diễn viên trong dàn đồng ca; 10 ca sĩ solo (đơn ca, song ca, tam ca) và 200 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng Thái Nguyên; Đại học Văn hóa Quân đội Hà Nội. Còn bà Đinh Việt Chung, Giám đốc Công ty Cổ phần Hàm Nghi, đơn vị tham gia phối hợp thực hiện Chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc cho biết: Đây là lần thứ 6 Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” được tổ chức, nên đơn vị có nhiều thuận lợi hơn trong các hoạt động mang tính chuyên môn, như việc đúc kết kinh nghiệm để tự tin hơn khi vào cuộc. Tại Chương trình Lễ khai mạc, Công ty không hứa hẹn điều gì, mà cảm xúc như thế nào, do chính người dân Thái Nguyên và du khách tham dự đánh giá.

 

Cũng trong suốt gần 1 tháng nay, các đơn vị có diễn viên tham gia biểu diễn tại Lễ khai mạc đã tạo nhiều thuận lợi cho “người nhà mình” tập luyện và hợp luyện. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên tự hào: Được tham gia Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ khai mạc là một vinh dự đối với Đoàn và với cá nhân diễn viên. Vì đây là “một đêm hội” về những miền di sản Việt Bắc. Còn chị Hoàng Thị Hương, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho biết: Dù là diễn viên múa chuyên nghiệp, nhưng khi được lãnh đạo Nhà hát giao nhiệm vụ tham gia Lễ khai mạc, tôi cùng các đồng nghiệp của mình chủ động xem kịch bản, động viên nhau tích cực tham gia đầy đủ các buổi tập, vì nếu chủ quan, lỡ nhịp, động tác lạc điệu sẽ ảnh hưởng rất lớn tới buổi diễn chung… Chị Hương vội dứt chuyện, ùa vào sàn tập cùng mọi người. Bên cánh gà sân khấu, Nguyễn Thị Thu Hiền, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Quân Đội Hà Nội đang cùng các bạn diễn chờ vào lượt. Khi được hỏi về cảm xúc riêng, Thu Hiền tự tin: Với em, đây là một vinh dự. Em đã say mê tập luyện cùng các bạn ở Trường, để hôm nay lên đây, hợp luyện mới không bị mắc lỗi… Chứng kiến không khí tập luyện nghiêm túc trên nền sân khấu ớn, tôi thấy mình lây cái vui của anh chị em nghệ sĩ, và thấm cái mệt nhọc, tướt tát mồ hôi của những người làm nghệ thuật.

 

Bên lề sàn tập, tôi lật mở từng trang kịch bản chi tiết được Ban Tổ chức Chương trình du lịch: “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ VI - Thái Nguyên năm 2014 phê duyệt. Kịch bản có chủ đề: “Việt Bắc qua những miền di sản”, do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chỉ đạo nội dung. Ngoài ra, Lễ khai mạc còn có sự tham gia phối hợp chỉ đạo của UBND các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn; Tuyên Quang và Hà Giang. Theo kịch bản, ngay từ phần mở màn: “Lung linh đêm Việt Bắc” đã hút hồn, đưa người xem về một miền di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc 6 tỉnh: Cao, Bắc, Lạng, Thái, Tuyên, Hà. Về giới thiệu các đoàn tham gia, Ban Tổ chức đã khéo léo thông qua hình thức diễu hành - Canaval thu nhỏ, để qua đó mô phỏng một số nét đẹp văn hóa độc đáo của từng địa phương, như: “Lễ hội Nàng Hai” của Cao Bằng; “Đám cưới người Dao” của Bắc Kạn; “Lễ hội Lồng Tồng” của Lạng Sơn; “Lễ hội khèn Mông” của Hà Giang; màn hát, múa ca ngợi đổi mới trên quê hương kháng chiến của tỉnh Tuyên Quang và “Lễ hội dân gian của người Sán Chay” tỉnh Thái Nguyên. Tất cả, như một dòng chảy đi qua hàng ngàn năm lịch sử, và chảy mãi, chảy nữa nhưng từng nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc Việt Bắc không bị mai một, đọng lại trong lòng người, và được truyền nối cho các thế hệ mai sau. Kịch bản Chương trình gần như một đúc kết cô đọng, mà mỗi chương, phần đều mang nét khái quát chung của vùng Việt Bắc, nhưng lại có tính khác biệt, tạo nên nét độc đáo riêng cho mỗi tỉnh. Bởi Thái Nguyên, trung tâm văn hóa vùng mang trên nó một vùng danh thắng; Bắc Kạn được ví như viên ngọc xanh giữa rừng Việt Bắc; Tuyên Quang hồn nhiên bởi vũ điệu chim Gâu; Hà Giang bồng bềnh qua điệu khèn Mông nơi lưng núi; Cao Bằng, Lạng Sơn hồn hậu bởi cảnh sắc, con người thông qua những câu ví dân gian…

 

Trong buổi hợp luyện tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, tất cả các đạo diễn và diễn viên - dù chưa mang trang phục biểu diễn; những đạo cụ mang trên tay là giả định, nhưng dưới trời nắng bất chợt bừng lên sau cả tuần mưa lạnh của vùng đất gió ngàn, tôi bắt gặp trên bao đôi má hồng sơn nữ những giọt mồ hôi, long lanh ướt làm chút phấn son dành cho con gái nhạt nhòa. Chị Nguyễn Thị Phương, sinh viên K23, Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Không phải diễn viên chuyên nghiệp, nên em cùng các bạn được đạo diễn hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác, như: Bước đi, cách vung tay, nhất là khuôn dung luôn tươi tỉnh như hoa nở… Sinh viên Vũ Thị Bày, cùng khóa học với Phương cho biết thêm: Tham gia tập luyện phục vụ Lễ khai mạc gần 1 tháng nay, nhưng em sắp xếp thời gian biểu hợp lý, nên không ảnh hưởng nhiều tới việc học tập.

 

Giữa tiếng nhạc tưng bừng, tổng đạo diễn Vũ Hải - người từng trực tiếp làm tổng đạo diễn cho nhiều chương trình khai mạc lễ hội lớn mang tầm quốc gia và các khu vực, vùng, miền trên cả nước, ông nhận xét: Thái Nguyên có cả diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, nhưng khi vào hợp diễn, tất cả đã tạo nên một dàn diễn tuyệt vời.

 

Tôi nhìn lên khu vực sân khấu, dõi theo từng bước chuyển của anh, chị em diễn viên, biết: Đạo diễn Vũ Hải đang dốc tâm huyết mình cho buổi hợp luyện. Và dưới sự chỉ huy của ông, từng nhóm nhỏ được hợp lại, khiến mỗi màn diễn trên sân khấu được biến hóa liên tục, khi hân hoan chào đón, lúc tráng ca bất tử và xuyên suốt chương trình là một đêm Việt Bắc lung linh sắc màu.