Thêm một bước trong hành trình tự khẳng định

08:17, 30/11/2014

Với lượng phim đăng ký (hơn 400 phim) và lượng phim được chọn tham dự (130 phim), nhiều hơn so với hai kỳ trước, Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lần thứ III (diễn ra từ ngày 23 đến 27-11) đã tiến thêm một bước trong hành trình xây dựng thương hiệu cho một sân chơi điện ảnh quốc tế uy tín của khu vực và thế giới. Không phải là không còn sự băn khoăn, nhưng chính từ những bước đi chủ động này, điện ảnh Việt Nam cho thấy sự khởi sắc trong tương lai.  

Xin cảm ơn điện ảnh!

 

Đó là câu nói xúc động của một nhà làm phim Việt Nam, còn rất trẻ, khi thay mặt ê kíp của mình lên nhận giải thưởng đặc biệt mà Ban Giám khảo phim ngắn dành cho phim "Ngoài kia có gì?". Cảm ơn là bởi điện ảnh đã thôi thúc những người làm phim trẻ như em không ngừng đặt ra câu hỏi "ở ngoài kia, cuộc sống có gì?".

 

Chúng ta biết là đã có một thời kỳ và cả ở đâu đó trong môi trường điện ảnh hiện nay, vẫn tồn tại quan niệm nghệ thuật thứ bảy như chốn phù hoa, nơi có thể tìm kiếm sự nổi tiếng một cách dễ dàng. Thế nên, một thái độ hàm ơn điện ảnh đúng nghĩa là điều mà nghệ thuật thứ bảy mong chờ ở các nhà làm điện ảnh, đặc biệt là những người trẻ.

 

Đáng mừng là có thể tìm thấy tinh thần và thái độ ấy của người làm phim Việt Nam trong kỳ liên hoan này. Trong số hai phim Việt Nam dự thi ở hạng mục phim dài và phim ngắn thì bên cạnh tác phẩm "Những đứa con của làng" của những nhà làm phim kỳ cựu mang phong cách truyền thống, chúng ta có "Đập cánh giữa không trung" của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp - một đại diện của dòng phim độc lập mới manh nha xuất hiện ở Việt Nam. Bộ phim này đã giành giải đặc biệt của Ban Giám khảo hạng mục phim dài. Để nói phim đã thuyết phục người xem và những người làm nghề một cách sâu sắc hay chưa thì còn phải bàn thêm, nhưng có một điều không thể phủ nhận là Nguyễn Hoàng Điệp và ê kíp đã làm phim với một thái độ cực kỳ nghiêm túc, thể hiện qua chất lượng hình ảnh, bối cảnh, thậm chí là cả chất lượng diễn xuất của dàn diễn viên phụ. Khán giả có thể sẽ yêu điện ảnh Việt Nam hơn bắt đầu từ chính thái độ chuyên nghiệp và tinh thần dấn thân của những người làm phim trẻ.

 

Tất nhiên, điện ảnh là nơi thu hút những ý tưởng mới, trẻ trung trong tư duy và nghệ thuật, bất luận tuổi tác của chủ sở hữu ý tưởng. Vậy nên, tại liên hoan lần này, Síu Phạm, một nữ đạo diễn Việt Kiều từ Thụy Sỹ trở về, ở tuổi "thất thập" mà vẫn đủ sức thuyết phục nhà tổ chức chương trình "Chợ dự án làm phim" trao cho một giải thưởng đặc biệt bên cạnh nữ tác giả trẻ của Bhutan (sinh năm 1980).

 

Câu chuyện về những người làm điện ảnh nêu trên, một đến từ mô hình đào tạo những người làm phim trẻ không chuyên (TPD - Trung tâm Phát triển tài năng trẻ điện ảnh, thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam), một đại diện cho dòng phim độc lập và một người Việt xa quê nhiều năm hướng về điện ảnh trong nước, đáng được coi là những tín hiệu vui góp phần "phục hưng" nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai không xa.

 

Dấu ấn văn hóa và cách kể

 

Với 130 phim của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự các hạng mục dự thi, ngoài việc gia tăng về số lượng tác phẩm so với các kỳ liên hoan trước, HANIFF lần thứ III mang dấu ấn sinh động về văn hóa và cách kể chuyện của điện ảnh quốc tế.

 

Từ "Hai người phụ nữ" của điện ảnh Nga, "Tâm hồn trống rỗng" của Ấn Độ, "Đường về nhà" của Hàn Quốc, "Chăn cừu" của Kyrgystan", "Những đứa con của làng" của Việt Nam, "Người đóng quan tài" của Philippines... tất cả đều mang hơi thở văn hóa đặc trưng của đất nước và vùng đất mà tác phẩm phản ánh. Dấu ấn ấy không chỉ thể hiện ở phong cảnh, đời sống sinh hoạt, mà còn thể hiện qua những tầng ý nghĩa mà tác phẩm khai thác. Những thông điệp văn hóa góp phần làm giàu có tâm hồn người xem, khiến điện ảnh thực sự là câu chuyện từ trái tim tới trái tim.

 

Đối với những người làm nghề thì bên cạnh các phim dự thi, số phim nước ngoài được chọn trình chiếu trong các hạng mục như "Phim đoạt giả NETPAC" và "Điện ảnh thế giới" còn là ví dụ sinh động về một cách kể mới, lạ, thuyết phục. "Hòn đá kiên nhẫn" của Afghanistan, "Có em, vắng em" của Sri Lanka, "Melbourne" của Iran... hẳn là một lời cổ vũ với những ai dấn thân theo điện ảnh. Bởi không phải cứ tạo bối cảnh hoành tránh và chi thật nhiều tiền thì mới có thể làm nên những bộ phim hay. Điện ảnh, dù ở đâu, là mảnh đất không giới hạn cho sự sáng tạo của người kể chuyện. Như đề tài về đời sống tâm hồn, bản lĩnh và khát vọng riêng tư của người phụ nữ được phản ánh ở khá nhiều bộ phim trong liên hoan lần này, tuy nhiên mỗi tác phẩm lại có góc nhìn, cách lý giải khác nhau, bộc lộ rõ khả năng "nấu nướng" của người đạo diễn.

 

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ III còn để lại dư vị khác - sự tin tưởng vào tương lai của điện ảnh - khi hầu như các phòng chiếu đều kín chỗ, thậm chí Ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ. Không có tình trạng người xem thuộc thành phần "sắp xếp" để lấp chỗ trống. Vì vậy, con số 30 nghìn lượt khán giả tới rạp xem phim trong 5 ngày diễn ra liên hoan mà Ban tổ chức đưa ra hẳn là có cơ sở.

 

Nhìn lại HANIFF lần thứ III, lần đầu Việt Nam có phim được trình chiếu trong hạng mục "Điện ảnh thế giới", trong đó có những phim đáng xem như "Nước 2030", "Những người viết huyền thoại"... song, thẳng thắn thì ta chưa có nhiều phim hay, chưa đủ ngang sức ngang tài để cạnh tranh "vé" cho các hạng mục dự thi. Điều đó là nỗi day dứt lớn nhất đối với những người làm nghề, nhất là khi sắm vai trò chủ nhà của một sân chơi điện ảnh đang kỳ vọng tạo được sức hút mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.