Với đại ngàn Tây Nguyên

09:27, 14/11/2014

Từ T.P Đà Lạt (Lâm Đồng), anh Hoàng Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Thái Nguyên) thủ thỉ với tôi qua điện thoại: “Mang chuông đi đấm xứ người” lần này, các nghệ nhân Thủ đô gió ngàn nhà mình quyết tâm cao lắm!

Tôi bảo: Thế là mừng, mình có tâm lý vững, khi vào cuộc, thắng thua là chuyện nhỏ. Mục đích lớn hơn là các nghệ nhân Thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên mang được nét bản sắc văn hóa độc đáo của mình quảng bá với bàn dân thiên hạ nơi đại ngàn Tây Nguyên Lâm Đồng.

 

Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc và trình diễn trang phục dân tộc năm 2014, với chủ đề: “Vũ khúc Lạc Hồng”, do Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức đã khép lại, nhưng âm hưởng của ngày hội còn vọng lại như tiếng cồng chiêng hào hùng của vùng đất Tây Nguyên, và đằm lòng như tiếng đàn Tính, lời Then của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc. Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan (từ ngày 7 đến hết ngày 9-11), với hơn 800 nghệ nhân của 28 tỉnh, thành đại diện 6 khu vực trong toàn quốc, gồm: Tây Bắc, Đồng Bắc, Trung du - Châu thổ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ - Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ tham gia, những tiết mục mang đậm nét văn hóa dân gian của từng vùng, miền trên cả nước được các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá thông qua hình thức diễn xướng trên nền nhạc dân tộc mình. Liên hoan được ví như một ngày hội lớn của các dân tộc Việt Nam, với sặc sỡ sắc màu của vườn hoa dân tộc Việt: Người Mông Xanh, người Thái, người Lự từ Tây Bắc xuống; Người Chăm Hơ Roi, người Rắc Lây, người HơRê từ Bắc Trung Bộ Duyên Hải miền Trung đến; người Êđê, Ba na, M’Nông, Kơ Ho, Mạ, Chu Ru từ khu vực Tây Nguyên về… Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, độc đáo riêng, và hội lại thành một dân tộc lớn - dân tộc Việt Nam.

 

Giữa những ngày hội lớn trên đại ngàn Tây Nguyên, 22 nghệ nhân đến từ Thủ phủ gió ngàn Thái nguyên đã luôn trở thành tâm điểm bình chọn đối với Ban tổ chức và người dân tham dự. Thái Nguyên tự hào với 2 phần diễn xướng, gồm diễn xướng văn hóa dân gian: “Hương sắc trà xuân” và “Trình diễn trang phục dân tộc”, trong đó múa dâng trà; trình diễn và giới thiệu văn hóa trà; diễn xướng Then (Nặm Pụt); hát Then, đệm đàn Tính; múa Tắc xình và trình diễn trang phục dân tộc Dao đỏ và trang phục dân tộc Tày. Trên sân khấu, các nghệ nhân Thái Nguyên đã nhập cuộc, hóa thân vào vai diễn, nên ngay từ tiết mục mở màn cho đến tiết mục cuối luôn gây được sự chú ý, thán phục của nghệ nhân đến từ nhiều vùng, miền và thành viên Ban giám khảo. Lúc màn nhung buông xuống, cũng là lúc các nghệ nhân Thái Nguyên gầy dựng được một hình ảnh đẹp đẽ về mảnh đất, con người Thái Nguyên trong lòng bạn bè cả nước và du khách quốc tế. Vì thế, Chương trình diễn xướng văn hóa dân gian của Đoàn Thái Nguyên được Ban tổ chức lựa chọn, cho biểu diễn tại đêm trao giải (9-11). Đêm đó, cả rừng người sặc sỡ như sắc hoa; lặng yên đi và chợt bừng lên tiếng vỗ tay khi Ban tổ chức công bố Đoàn diễn xướng dân gian các dân tộc và trình diễn dân tộc Thủ phủ gió ngàn Thái Nguyên đoạt Huy chương Vàng.

 

Mang "Vàng" về quê hương, nhưng khi được hỏi, các nghệ nhân trong Đoàn đều khiêm tốn, trả lời: Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên tự nó đã đẹp rồi. Còn chúng tôi - những nghệ nhân dân gian khi lên miền đại ngàn Tây Nguyên, với nghĩ suy cống hiến hết sức mình để chuyển tải được thông điệp văn hóa về mảnh đất, con người Thái Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế.