Xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Còn xa rời thực tế ?

09:19, 04/11/2014

Trải qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo, dẫu cho những quy định pháp lý xoay quanh việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) thường xuyên được bổ sung, sửa đổi thì cũng chưa bao giờ hết gây "sóng gió".

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng NSND, NSƯT, chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11 tới. Theo đó, trong những tiêu chuẩn xét chọn, nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSƯT còn phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng và hai giải bạc quốc gia; nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND phải bảo đảm thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi đạt danh hiệu NSƯT.So với thông tư số 06/2010/TTBVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành cách đây bốn năm, quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.Nghị định nêu trên có phần tạo điều kiện hơn cho các nghệ sĩ khi đưa thêm quy định: ở lĩnh vực múa, xiếc, bên cạnh tiêu chí về giải thưởng, thời gian hoạt động chuyên nghiệp của nghệ sĩ được rút xuống 15 năm (đối với danh hiệu NSND) và 10 năm (đối với danh hiệu NSƯT). Tuy nhiên, những tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ trong Nghị định vẫn có phần cứng nhắc và bất cập.

 

Nhiều nghệ sĩ đặt câu hỏi, nếu quy định đề ra phải có tài năng xuất sắc, uy tín nghề nghiệp, nhân dân mến mộ thì có nhất thiết phải cần tới hàng chục năm hoạt động trong nghề và đủ từng ấy huy chương, giải thưởng mới được xét tặng danh hiệu hay không, khi mà trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ được khán giả hết lòng yêu mến nhưng không đủ huy chương để xét tặng và ngược lại? Đơn cử như trường hợp của nghệ sĩ Thanh Trầm, Diễm Lộc, họ là "bậc thầy" của những NSND trong làng chèo nhưng cũng chưa được phong tặng NSND vì không có vai để gom đủ giải thưởng.

 

Thiết nghĩ, tài năng của người nghệ sĩ phải được đo bằng những cống hiến đích thực cho nghệ thuật, bằng những tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ trong lòng công chúng, chứ không thể chỉ được xác định một cách cơ học bằng thời gian hoạt động nghề nghiệp hay những giải thưởng, huy chương. Thực tế cho thấy, có những diễn viên rất chịu khó tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn, mang về nhiều huy chương vàng, bạc nhưng cống hiến của họ cũng chỉ dừng lại ở đó, công chúng chẳng biết họ là ai. Những diễn viên trẻ mới ra trường, may mắn được phân vai chính trong các hội diễn, cũng nhanh chóng có được huy chương vàng, huy chương bạc trong khi mới vào nghề chưa lâu. Trong khi đó, có những nghệ sĩ cả đời tâm huyết, cống hiến cho nghệ thuật nhưng không có nhiều cơ hội sắm vai chính cho nên không đủ huy chương để xét tặng danh hiệu. Với chủ trương trẻ hóa sân khấu, những nghệ sĩ đã đứng tuổi càng khó có cơ hội hơn. Vì thế, huy chương, giải thưởng đúng là một cơ sở để chứng minh tài năng của người nghệ sĩ nhưng không thể lấy đó là yếu tố quyết định để khẳng định vị thế nghệ thuật của họ. Còn nhớ câu chuyện của năm 2011, khi mà NSƯT Minh Thu (Nhà hát Chèo Việt Nam) bị "trượt" danh hiệu NSND chỉ vì thiếu huy chương đã khiến cả hội đồng xét duyệt tiếc ngẩn ngơ. Với hơn 20 vai diễn, NSƯT Minh Thu có tổng cộng bốn Huy chương vàng, và một bằng khen loại A1 tại Hội thi Tiếng hát Sân khấu năm 1981. Ở thời điểm xét tặng danh hiệu NSƯT, nghệ sĩ này có thừa huy chương nhưng khi xét tặng danh hiệu NSND lại không đủ huy chương để đáp ứng tiêu chuẩn trong Thông tư năm 2010: "Có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong NSƯT", vì thế mà không được phong tặng. Hay như trường hợp của nghệ sĩ hài Văn Hiệp, mãi sáu tháng sau khi qua đời, ông mới được truy tặng danh hiệu NSƯT, mặc dù tài năng và cống hiến của ông cho nghệ thuật đã được công chúng ghi nhận. Thế mới thấy, nếu cứ tiếp tục áp dụng một cách máy móc để xét tặng danh hiệu dựa trên huy chương, giải thưởng thì sẽ còn xuất hiện nhiều trường hợp đáng tiếc như thế.

 

Xoay quanh quy chế quy đổi thành tích mà Nghị định đưa ra, nhiều nghệ sĩ cũng cảm thấy chưa thỏa đáng. Chẳng hạn, ở lĩnh vực điện ảnh, Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam hay Huy chương vàng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc chỉ được tính bằng một phần hai Bông sen Vàng. Ở lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, Huy chương vàng của các hội diễn, liên hoan do các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành hoặc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức được tính bằng hai phần ba Huy chương vàng... NSND Lê Tiến Thọ-Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam bày tỏ: Các hoạt động Hội diễn, Liên hoan của các hội nghề nghiệp cũng mang tính chuyên môn rất cao. Vì thế, sự quy đổi này chưa thể tạo được sự đồng thuận. Hơn nữa, cũng không nên quy đổi huy chương vì huy chương không thể là thước đo để xét tặng danh hiệu. Nếu đẩy cao quá mức vai trò của huy chương trong việc xét tặng danh hiệu, sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng "chạy" huy chương, "chạy" giải thưởng trong các liên hoan, hội diễn, cuộc thi biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, đánh mất ý nghĩa của các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với nghệ thuật cũng như những người hoạt động nghệ thuật.

 

Để giải thưởng và danh hiệu trở về đúng vị trí và ý nghĩa, để những nghệ sĩ xứng đáng được tôn vinh, cần lắm "tầm" và cả "tâm" của nhà quản lý đối với nghệ thuật cũng như những người làm nghệ thuật. Và cái "tầm", cái "tâm" ấy phải được cụ thể hóa bằng một hành lang pháp lý vừa chặt chẽ, vừa linh động, bám sát hoàn cảnh thực tế và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.