Ðối mặt những biến động phức tạp của cuộc sống mới trong cơ chế thị trường, với sự du nhập ồ ạt của nhiều loại hình văn hóa giải trí khác nhau, sân khấu truyền thống Việt Nam đang như con thuyền tròng trành trên biển lớn...
Khan hiếm kịch bản
Ðã xa rồi thời "hoàng kim" của các loại hình sân khấu dân tộc, khi mà chỉ chờ các nhà hát ra vở diễn hay trích đoạn mới, bà con lại lũ lượt rủ nhau đi xem, quanh năm sân khấu sáng đèn. Nếu khán giả của sân khấu truyền thống ngày trước luôn hào hứng với những tư tưởng trung quân ái quốc, say mê, xúc động trước những tấm gương hiếu thảo được kết tụ và tỏa sáng trong từng vở diễn, vai diễn của tuồng cổ, chèo cổ, cải lương..., thì khán giả ngày nay dường như thờ ơ với những giáo lý mang tính công thức ấy; khi mà hiện thực cuộc sống đầy những vấn đề nóng bỏng. Trong không gian gói gọn sau lũy tre làng, nếu khán giả ngày xưa có thể thỏa mãn với nhịp điệu chậm rãi, ê a của những chiếu chèo sân đình thì ngày nay, khi chỉ với một cú nhấp chuột, cả thế giới đã mở ra trước mắt thì mô hình của một chiếu chèo sân đình cũng không còn phù hợp... Chính vì nghệ thuật sân khấu truyền thống không thể bắt kịp sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của thời cuộc cho nên khó tránh khỏi lâm vào "khủng hoảng" trong cuộc sống hiện đại.
Bất chấp những cuộc liên hoan, hội diễn sân khấu cấp quốc gia, địa phương nô nức diễn ra, bất chấp những cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học liên tục được tổ chức nhằm tìm hướng đi cho nghệ thuật dân tộc, diện mạo sân khấu truyền thống nói chung vẫn ảm đạm. Không chỉ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác trong cơ chế thị trường, sân khấu truyền thống Việt Nam còn gặp phải nhiều thách thức mang tính nội sinh: Ấy là sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng sáng tác, dẫn đến khan hiếm kịch bản hay để dàn dựng. Một nhà biên kịch có tuổi từng ngán ngẩm thở than: Gần đây, năm nào trại sáng tác sân khấu cũng được tổ chức nhưng hầu như cũng chỉ tìm thấy từng ấy cái tên cho từng ấy lĩnh vực, quanh đi quẩn lại là vài gương mặt già đã quá quen thuộc, trong khi khả năng sáng tạo thì có hạn, cho nên kịch bản mới vẫn ra đời nhưng kịch bản hay thì tìm không có, vì thế, các trại sáng tác chưa đạt được hiệu quả cao. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam lý giải: "Không phải ai cũng có thể viết kịch bản cho sân khấu vì có niêm luật riêng. Viết kịch bản sân khấu truyền thống khó, trong khi đời sống vở diễn lại ngắn ngủi, hơn nữa, sân khấu tuồng, chèo... thường vắng khán giả cho nên cũng ít người mặn mà".
Nan giải tuyển sinh
Mặc dù Nhà nước đã có chế độ ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên theo học sân khấu truyền thống, thậm chí hằng tháng còn có tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc vẫn ngày càng giảm. Năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh diễn viên chèo của Trường đại học Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội là 15, nhưng chỉ có 22 thí sinh đăng ký dự thi. Ðiều này xảy ra tương tự với chuyên ngành đào tạo diễn viên cải lương. Hiện trạng này dẫn đến trường vẫn tuyển đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng không cao. Ðáng buồn hơn, ngay cả con em của các cán bộ giảng viên Khoa Kịch hát dân tộc được nghe hát chèo, tuồng từ nhỏ, luyện hát từ nhỏ cũng không lựa chọn những lĩnh vực trên làm ngành học của mình. Thực tế này đặt ra nhiều điều phải suy nghĩ, khi mà xưa nay, sân khấu dân tộc chủ yếu được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hình thức truyền dạy, cha truyền con nối. "Ðầu vào" khan hiếm dẫn đến "đầu ra" càng khó khăn hơn, khi mà lớp diễn viên có nghề tuổi đã cao, mà lớp diễn viên trẻ kế cận lại vắng bóng. Sân khấu lúc nào cũng thiếu những đạo diễn có tài nhưng những người dám thi vào chuyên ngành này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lý do không chỉ vì đây là ngành học khó mà còn vì vấn đề kinh phí để theo học. Với điều kiện phải bảo vệ tốt nghiệp bằng vở diễn, ai may mắn được các nhà hát, đơn vị nghệ thuật "đỡ đầu" thì sẽ được tài trợ kinh phí để thực hiện và sau đó biến thành tác phẩm của nhà hát, còn nếu không có kinh phí thì không hiểu các đạo diễn trẻ xoay đâu ra vở diễn để bảo vệ. Nếu như ở nước ngoài luôn có những quỹ hỗ trợ sáng tác được thực hiện theo hình thức xã hội hóa để giúp đỡ những người làm nghệ thuật trẻ tuổi thì ở Việt Nam, đáng tiếc rằng những nhà tài trợ còn chưa mấy quan tâm đến việc đầu tư cho nghệ thuật dân tộc.
Ðào tạo lực lượng cho sân khấu truyền thống không chỉ thiếu trò mà còn thiếu thầy, đặc biệt là thầy giỏi. Ai cũng biết, trong đào tạo nghệ thuật, không có thầy giỏi thì khó lòng có trò giỏi, bởi giảng dạy nghệ thuật không những đòi hỏi người thầy có kiến thức nghiên cứu mà còn phải có kinh nghiệm thực tế, có những năm tháng lăn lộn với nghề để hướng dẫn thực hành. Những thầy giỏi trong lĩnh vực sân khấu truyền thống tuổi đã cao, trong khi giảng viên trẻ chưa đủ trải nghiệm thực tế. Ðã thế, những sinh viên giỏi sau khi học xong hầu hết muốn thực hành nghề nghiệp chứ không mấy ai tha thiết muốn nghiên cứu tiếp để quay về trường giảng dạy. Do đó, số lượng giáo viên cơ hữu của các trường đào tạo các lĩnh vực sân khấu dân tộc càng hạn chế. NGƯT, PGS, TS Trần Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội từng trăn trở: Công tác đào tạo nghệ thuật của trường cũng không đứng ngoài những tác động xã hội. Khi khủng hoảng kinh tế, tài chính, các ngân hàng gặp khó khăn, số thí sinh thi vào các chuyên ngành tài chính, ngân hàng sụt giảm mạnh là lẽ thường tình. Nhưng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghệ thuật không thể chỉ là sản phẩm mang tính chất thụ động của thực tại. Ðào tạo nguồn nhân lực phải dự báo trước tương lai và khẳng định được lẽ sinh tồn của văn hóa. Nó phải mang sứ mệnh của chiến lược phát triển. Cơ chế nào để có thể thực hiện sứ mệnh ấy, đó là điều cần phải suy nghĩ.
Thiết nghĩ, không có nền nghệ thuật của bất cứ quốc gia, dân tộc nào chỉ toàn sản sinh ra kiệt tác. Quy luật của nghệ thuật là có khi đỉnh cao, có lúc thoái trào. Sân khấu cũng vậy, ở một thời điểm nhất định buộc phải chấp nhận hiện thực thiếu vắng tác phẩm xuất sắc, tài năng xuất chúng. Nhưng nói thế không phải để khoanh tay, bàng quan trước hiện thực mà để nhìn nhận rõ những khó khăn, thách thức để tìm ra hướng đi đưa nền sân khấu truyền thống vượt qua cơn khủng hoảng.