Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu của các học giả Pháp

07:14, 04/12/2014

Được sự đồng ý của Bộ VH-TT&DL, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tổ chức triển lãm “Góc nhìn Việt Nam – Việt Nam đầu thế kỷ 20 qua tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ”. Lễ khai mạc triển lãm đã diễn ra vào chiều 3/12, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.

Bộ lưu trữ ảnh của EFEO rất phong phú về mặt tư liệu và trải rộng qua nhiều quốc gia như Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Trung Quốc… Hiện nay, bộ sưu tập của EFEO gồm khoảng 30.000 bức ảnh về Campuchia, 7.000 bức Việt Nam, 3.000 bức về Trung Hoa, 3.000 bức về Lào và một số lượng lớn nữa về Ấn Độ. Một phần trong số tư liệu này đã được số hóa.

 

Những tư liệu hình ảnh sử dụng để trưng bày ở triển lãm lần này tại Hà Nội gồm 55 bức ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ kho tư liệu đồ sộ nói trên. Nguyên bản của các bức ảnh đều được thực hiện bằng các phương pháp cổ điển như chụp trên phim kính tráng bromua bạc, phim âm bản trên các máy ảnh large format, medium format... Các bức ảnh đều đã được xử lý số hóa và phục hồi hình ảnh.

 

Nội dung của những bức ảnh trưng bày tại đây được chia làm 4 phần chính: Khảo cổ học, Xây dựng các bảo tàng, Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, và Lễ tế đàn Nam Giao.

 

Hình ảnh ghi lại việc khai quật thành nhà Hồ, nằm trong các tư liệu ảnh của EFEO.

 

Phần thứ nhất - “Khảo cổ học” ghi lại quá trình tác nghiệp khảo cổ học, trùng tu di tích của các học giả Viễn Đông Bác cổ tại các di tích ở Việt Nam, trong đó ghi nhận những phát hiện quan trọng về khảo cổ học thuộc văn hóa Champa và văn hóa Óc Eo. Phần thứ 2 - “Xây dựng các bảo tàng” bao gồm tư liệu ảnh về các bảo tàng mà EFEO đã xây dựng. Từ khi thành lập đến khi rời khỏi Đông Dương, EFEO đã xây dựng được 8 bảo tàng trong khu vực, riêng ở Việt Nam có 5 bảo tàng, trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay.

 

Chiếm số lượng ảnh nhiều nhất trong triển lãm là những ảnh mang nội dung phần thứ 3 - “Cuộc sống ở Việt Nam đầu thế kỷ 20” giới thiệu những hình ảnh về một nền văn hóa dân gian. Đó là các nghi lễ nông nghiệp, những lễ hội đảm bảo sự gắn kết giữa các thế hệ, những buổi lễ tưởng nhớ các vị thành hoàng làng, tục thờ cúng tổ tiên, nghi lễ tang ma hay những cảnh sinh hoạt đời thường, cảnh phố Hà Nội xưa…

 

Bên cạnh đó, những hình ảnh của phần thứ tư – “Lễ tế đàn Nam Giao” cũng gây chú ý với những hình ảnh tư liệu của lễ tế đàn Nam Giao, được thực hiện dưới thời Bảo Đại năm thứ 14 (1939). Lễ tế luôn được triều Nguyễn duy trì đều đặn hàng năm vào mùa xuân, sau đó bị gián đoạn và được vua Nguyễn tổ chức lại 3 năm một lần lễ tế Trời Đất.

 

Ngoài những tư liệu hình ảnh trên, triển lãm còn trưng bày gần 50 hiện vật thuộc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, liên quan đến những hoạt động khảo cổ, nghiên cứu của EFEO đối với lịch sử Việt Nam như: tủ phích, phiếu hiện vật, sổ đăng ký phân loại hiện vật, các mẫu phân tích khảo cổ học, các thùng đựng hiện vật, sổ nhật ký khai quật khảo cổ học, các máy ảnh, phim kính, phim âm bản... Đây chính là các dụng cụ tác nghiệp của các học giả EFEO trước kia, hiện còn được lưu giữ trong bảo tàng.

 

Đồng thời, một số hiện vật tiêu biểu thuộc các nền văn hóa: Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Champa cũng lần lượt được giới thiệu tại Bảo tàng. Đây là những di vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, do các học giả EFEO trước đây đã phát hiện, nghiên cứu.

 

Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết: “Có những hiện vật nằm dưới lòng đất hàng nghìn, hàng vạn năm, nằm sâu giữa thiên nhiên đã được đưa về nghiên cứu, bảo quản ở Viện Viễn Đông Bác Cổ trước đây, và nay về đến Việt Nam. Có thể nói, về cơ bản, chúng ta đã gìn giữ và cứu vãn được các giá trị đó. Nhưng chúng tôi cũng rất đau lòng khi có những hiện vật phải chịu nhiều ảnh hưởng của thiên nhiên, chiến tranh nên các giá trị kiến trúc của nền văn hóa như Chăm, Óc Eo… đã bị mai một rất nhiều, so với thời kỳ mà chúng ta thấy trong những hình ảnh được trưng bày”.

 

Một số di tích quan trọng của Việt Nam cũng do các nhà khoa học của EFEO khám phá vào đầu thế kỷ 20. Năm 1898, Thánh địa Mỹ Sơn được một người Pháp phát hiện. Không lâu sau đó, các nhà khoa học của EFEO đã tới nghiên cứu kiến trúc, điêu khắc và các văn bia của quần thể di tích này, làm sáng tỏ các câu hỏi về Mỹ Sơn, cũng như xác định được giá trị của di tích. Tên gọi các khu vực đền tháp ở đây (A10, B5...) đều do học giả của EFEO đặt.

 

Năm 1924, EFEO tìm ra Bãi đá cổ Sa Pa ở miền Bắc Việt Nam. Đến nay, EFEO vẫn tiếp tục nghiên cứu và cùng phía Việt Nam tìm kiếm phương án bảo vệ bãi đá trước sự phá hoại của người dân và khách du lịch.

 

Ngoài ra, EFEO còn xây dựng nền móng cho hệ thống bảo tàng lịch sử ở Việt Nam. Do nhu cầu bảo tồn các hiện vật lịch sử, năm 1926, EFEO thành lập Bảo tàng Louis Finot, tức Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sau này, cũng là một phần của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay. Tương tự ở Đà Nẵng, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng được EFEO bảo trợ, thành lập năm 1919 mang tên học giả Henri Parmentier.

 

Trước đó, những hình ảnh, tư liệu của EFEO về Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã được EFEO phối hợp cùng Hiệp hội các Bảo tàng ở Paris (Pháp) giới thiệu trong buổi trưng bày “Objective Vietnam”, ở Bảo tàng Cernuschi, tại Paris từ ngày 14/3 – 9/6 năm nay. Hoạt động trưng bày này còn nằm trong chuỗi sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Pháp, và nhân năm Việt Nam tại Pháp 2014./.