Nét văn hóa đặc sắc trên bản vùng cao

16:51, 16/01/2015

Với đồng bào Mông ở Đồng Hỷ, cây khèn và các điệu khèn truyền thống của dân tộc được coi là một tài sản tinh thần vô giá. Tuy ít nhiều bị mai một, nhưng đồng bào nơi đây vẫn bền bỉ lưu giữ, bảo tồn như chính bản chất con người Mông gần gũi, chân thành.

Trong tiết trời se lạnh với những cơn mưa phùn mùa Xuân, chúng tôi tới thăm ông Hoàng Văn Mùi, bản Khe Cạn, xã Văn Lăng, người am hiểu về cây khèn Mông của xã. Ngôi nhà của gia đình ông Mùi nằm trên sườn đồi cao giữa không gian tĩnh lặng, cây đào đã nở hoa màu hồng thắm khiến chúng tôi cảm thấy thư thái, những bộn bề lo toan dường như đã vơi đi phần nào. Bên bếp lửa, trong câu chuyện về cây khèn, ông Mùi chia sẻ: Đây là loại nhạc cụ có từ xa xưa và giữ một vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa cũng như đời sống tâm linh của người Mông. Đưa cho chúng tôi xem cây khèn cũ đã ngả màu thời gian mà ông nâng niu bấy lâu nay, ông giảng giải: Khèn gồm có 2 bộ phận là thân khèn và ống khèn. Thân khèn làm bằng gỗ, khoan lỗ bên trong, có lưỡi gà bằng đồng mỏng để tạo ra âm thanh. Còn ống khèn là bộ phận điều chỉnh và trực tiếp phát ra âm thanh gồm 6 ống nứa có độ lớn, nhỏ và dài, ngắn khác nhau, mỗi ống có một lỗ để dùng ngón tay điều chỉnh âm điệu. Khác với nhiều nhạc cụ âm nhạc dân gian khác, cây khèn khi thổi ra hay hít vào thì tất cả các ống đều phát ra âm thanh cùng lúc, tùy theo người thổi mà có thể cao vút trong trẻo, có thể trầm thấp mạnh mẽ… với làn điệu thiết tha, dìu dặt, trầm bổng đặc trưng. Chúng tôi thường sử dụng khèn trong những ngày lễ truyền thống; có khi bắt nhịp cho các điệu múa mạnh mẽ trong những đêm hội vui; có khi được thổi lên trong đám tang để tỏ lòng xót thương, luyến tiếc người quá cố; tiếng khèn còn bộc lộ ý chí, nghị lực của con người trong sinh hoạt cộng đồng…

 

Không chỉ am hiểu về khèn, ông Mùi còn là người duy nhất dạy múa khèn, thổi khèn cho lớp trẻ yêu thích nhạc cụ của dân tộc mình ở xã Văn Lăng. Ông chia sẻ: Tôi được cha truyền dạy về những điệu khèn, đã trải qua ngàn đời lưu giữ, từ khi còn nhỏ tuổi. Trước kia, người đàn ông đi đâu cũng phải mang theo cây khèn như một vật dụng thân thiết. Nhưng bây giờ những người biết thổi khèn không còn nhiều. Tôi nghĩ, mình là người Mông, phải có bản sắc văn hóa riêng, để không hòa lẫn với dân tộc khác. Vì vậy, tôi phải tiếp tục truyền dạy cho con cháu mình, để con cháu mình gìn giữ cho đời sau nữa. Giống như cái cây thì phải có gốc. Giữ được khèn có nghĩa là giữ được nguồn cội, cái gốc của mình. Với tâm niệm như thế, Ông Mùi đang truyền dạy múa khèn cho 3 thanh niên trong bản. Anh Hoàng Văn Sỉnh là người theo học khèn được hơn 1 năm nay, cho biết: Thổi khèn rất khó, tuy đã học nhiều nhưng tôi chỉ thuộc được 5 giai điệu. Bên cạnh đó, múa khèn cũng khó không kém. Khó nhất là khi vừa ngậm khèn để thổi đúng nhịp, phách vừa phải kết hợp các điệu nhảy sao cho phù hợp với tiếng khèn. Vì vậy, dù đã làm quen với cây khèn hơn 1 năm nay, nhưng tôi vẫn chưa biểu diễn được nhuần nhuyễn. Tuy thế, tôi vẫn sẽ kiên trì học để giữ gìn bản sắc của dân tộc và còn để sau này truyền lại cho các con của mình.

 

Tuy khó như vậy, nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, những người theo học như anh Sỉnh vẫn kiên trì luyện tập vì yêu thích. Và ông Mùi vẫn dày công truyền niềm say mê về cây khèn cho lớp trẻ trong bản. Tiếng khèn của ông thường vang trên sườn đồi vọng lên đến cả đỉnh núi mờ sương trước nhà, để mỗi người Mông không quên được tiếng khèn của dân tộc mình.

 

Cũng tâm huyết với cây Khèn như ông Hoàng Văn Mùi, ông Sùng Văn Sinh, ở bản Lân Quan, xã Tân Long cũng được biết đến như một người am hiểu về thổi và múa Khèn ở Đồng Hỷ. Nhà của ông thường xuyên là nơi bà con trong bản đến nghe và xem ông biểu diễn những âm thanh, điệu múa của khèn Mông. Ông Sinh cho biết: Học thổi khèn thì cũng dễ thôi, nhưng để thổi thành bài, thành điệu, và đặc biệt vừa thổi vừa múa thì không phải ai cũng có thể học được vì nó đòi hỏi sự bền bỉ, công phu, kiên trì của người học. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải khỏe mạnh nhưng quan trọng hơn cả là phải rèn cách hít thở để hơi được sâu, được dài… Sau khi học được thổi khèn, còn phải học múa khèn. Múa khèn đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác và phải nhuần nhuyễn. Động tác múa khèn có rất nhiều, từ động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc còn có những động tác nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia…

 

Tiếng khèn, điệu múa của ông Mùi, ông Sinh không chỉ ngân lên, biểu diễn giữa bản làng mà còn được giới thiệu tới đồng bào trong huyện, trong tỉnh qua các chương trình liên hoan nghệ thuật quần chúng, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Ông Sinh tâm sự: Mặc dù, cuộc sống của đồng bào Mông ở Đồng Hỷ đã có nhiều đổi thay, người dân đã biết đến nhiều loại nhạc cụ khác, nhưng chúng tôi không thể thiếu cây khèn trong cuộc sống hàng ngày và trong những ngày hội. Với quyết tâm của những người già làng đặc biệt như ông Hoàng Văn Mùi, ông Sùng Văn Sinh với những người tiếp nối như anh Hoàng Văn Sỉnh và cả nhũng người con của anh Sỉnh, chúng tôi tin rằng chiếc khèn và những điệu múa khèn vẫn sẽ được lưu giữ, truyền dạy từ thế hệ này đến thệ khác như một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người dân tộc Mông.