Nghề chơi cũng lắm công phu

08:42, 23/01/2015

Biết chồng mê trồng hoa lan quên ăn quên ngủ, bà Trần Bích Hợp không những chẳng can ngăn mà còn khuyến khích chồng “lao sâu hơn” vào nghề chơi tốn nhiều hơi sức.

Ông khoát một vòng tay rồi vuốt lên chòm râu bạc trắng, ôn tồn bảo: Cái nghề chơi của mình cần sự tao nhã, có chiều sâu nội tâm, đã vào cuộc thì phải chơi hết mình.

 

82 tuổi, nhưng ông Đặng Minh Thảo, ở phố Cột Cờ, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) còn minh mẫn và chưa hết ham thú cái nghề chơi sinh vật cảnh. Cái nghề chơi người đời bảo hao tiền, tốn của, nhưng với riêng ông Thảo thì đó là một nghề chơi hái ra tiền. Nhờ biết chơi ra chơi và chơi hết mình, vợ chồng ông có tiền nuôi được 6 người con khôn lớn, trưởng thành và dành dụm được tiền xây nhà ở. Ông bảo: Tôi chơi 4 thể loại: Lan rừng, xương rồng, đá nghệ thuật và gỗ lũa.

 

Ông là một trong những nghệ nhân trong làng sinh vật cảnh Thái Nguyên gặt hái được nhiều thành công. Với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và rất nhiều Giấy khen của các cấp, ngành liên quan. Bạn chơi sinh vật cảnh bảo ông là người có duyên với Huy chương. Nhưng ông bảo: Duyên là một phần, chín phần còn lại phải do người chơi có con mắt thẩm mỹ, phát hiện được của báu khi “nó” đang nằm trong rừng, hoặc rìa bờ suối cạn.

 

Trong ngôi nhà ông ở, những “của báu” được ông sưu tầm từ những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đến các hiện vật ông mới tầm ra được bài trí ngăn nắp trên các giá tủ. Tất cả cứ ngồn ngộn những đá, những gỗ và một số các loài cây… Mỗi hiện vật trong nhà đều có gốc tích, lai lịch và thông qua đôi bàn tay tài hoa của mình, ông tạo cho những vật vô tri, vô giác trở nên có hồn. Những giò lan, hòn đá, cây xương rồng và gỗ lũa ông làm đều mang cốt cách của người quân tử. Ông giải thích: Tôi từng làm giáo viên; làm cán bộ văn hóa thông tin và là một họa sĩ, vì thế những sản phẩm sinh vật cảnh của tôi đều có sự ảnh hưởng ít nhiều từ nghề nghiệp, tính cách ngày còn trẻ.

 

Hai người có ảnh hưởng trực tiếp, khuyến khích ông bước vào nghề chơi là cụ Hoàng Xuân Long, kỹ sư canh nông và cụ Bùi Liên (cụ Liên bán cà phê). Cụ Long và cụ Liên đều người miền xuôi chạy loạn lên Thái Nguyên làm ăn từ sau năm 1947. Trong cảnh đất nước kháng chiến, cuộc sống khó khăn, song các cụ vẫn giữ được thú chơi lan tao nhã.

 

Một ngày cuối năm 1958 (ông Thảo đang làm giáo viên), khi đến thăm nhà học trò (con của cụ Long, cụ Liên), ông được thưởng mùi thơm thao thảo của loài lan rừng và bắt đầu mơ ước có cho riêng mình một vườn lan. Nhưng phải mất 10 năm sau, do công phu tìm kiếm, ươm trồng, ông trở thành người có vườn lan rộng nhất tỉnh, hơn 1.000m2, gồm hơn 300 giò, với 100 loài, chủ yếu là lan rừng Việt Bắc. Nhưng để có một vườn lan khiến:

 

“Ta sững sờ trước màu hoa rực rỡ

Hoa lan tầng cao đua nở đung đưa

Kiêu hãnh thế sắc hoa trên phố

Xa núi rừng vẫn vẹn hương xưa”

 

(Bài thơ về hoa phong lan do ông Thảo tự viết), ông đã phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, công sức. Hầu hết những cây bóng mát trong T.P Thái Nguyên có phong lan, ông đều tự trèo lên, lấy mang về. Cùng chiếc xe đạp thống nhất cũ, ông dong duổi đạp đến các vùng rừng núi của Võ Nhai, Bắc Sơn (Lạng Sơn), Tam Đảo (Vĩnh Phúc) để tầm lan. Ông cho biết: Lan e ấp, kín đáo, sống ẩn dật trên ngọn cây cao, vì thế việc tầm lan thường vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn, lúc đó lan phát xạ, cứ theo mùi hương của lan mà đến.

 

Ông dừng lời, nhấp ngụm trà, bàn tay da mồi lại vuốt nhẹ lên chòm râu thưa, tiếp tục câu chuyện: Có 2 lần tôi suýt chết vì lan. Một lần vừa trên ngọn cây cổ thụ trong Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Bắc) tụt xuống đến gốc, thấy tiếng còi báo động, tôi vội cầm chùm phong lan chạy vào một khe đồi ẩn nấp. Liên tục mấy quả bom rơi xuống khu vực Bảo tàng. Hú vía. Một lần khác, tôi đạp xe vào một khu rừng của xã La Hiên (Võ Nhai), thấy trên ngọn cây cao chừng hai chục mét có khóm phong lan rất đẹp, hăm hở leo lên, chợt một con rắn hổ mang bành thở phì phì trên ngọn cây, hoảng quá, tụt vội xuống đất, không hiểu sao lúc đó tôi vẫn lấy được khóm lan xuống.

 

Chuyện đi lấy phong lan ở các thẻo rừng ông kể đầy gian nan cơ khổ, nhưng sẽ thành mớ rác vất đi nếu người ươm lan không có kinh nghiệm và tâm hồn. Trong vườn lan, ông phân ra từng loại: Lan họ trúc, lan giả hanh, lan rễ tre, lan rễ lúa, lan rễ bèo… để có cách chăm sóc phù hợp cho từng loại. Mỗi loại phong lan ông lại chọn loại gỗ thích hợp cho lan bám rễ, rồi cấy, ghép tỉ mẩn theo ý thích của mình. Lan ông làm đẹp, nhiều người đến mua về chơi, có người ngày Tết đến mua mang làm quà tặng. Ông bảo: Kệ người ta, người chơi thấy thích là mình vui rồi. Năm 1969, giò Quế Lan hương tôi lấy từ Hà Sơn Bình (nay là các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và vùng đất Sơn Tây mới thuộc về Hà Nội) tôi bán được 400 đồng (khi đó lương khởi điểm của cán bộ, viên chức Nhà nước là 37 đồng/tháng).

 

Ông là người năng động, biết làm ăn phù hợp với cơ chế thị trường. Quan điểm riêng của ông là: “Chơi cây cảnh vừa chơi vừa bán”. Vì thế, trong cuộc đời chơi lan của mình, ông đã bán được hàng vạn giò lan cho người thiên hạ. Ông kể: Năm 1979, khi xem phim truyện có tựa đề: “Xin hãy tin em”, phim Việt Nam. Trong phim, có 2 nhân vật trẻ yêu nhau, họ cùng chăm sóc 1 cây xương rồng. Một lần, giữa 2 người giận dỗi nhau, chiếc bình rơi vỡ, cô gái mang cây xương rồng về trồng, tình yêu của họ trở lại đằm thắm. Bộ phim được giới trẻ bấy giờ yêu thích. Nhiều bạn trẻ coi cây xương rồng như một cây gìn giữ tình yêu thủy trung. Nắm bắt được tâm lý này, tôi bắt đầu tầm xương rồng về trồng. Mà ngày ấy cả xã hội mình nghèo, làm gì có bồn, chậu đẹp như bây giờ. Tôi trồng cây xương rồng vào ống bơ, ông tre, chậu rách… Trồng liền lúc hơn 300 cây, với 120 loại, nhưng nhiều nhất là xương rồng Khế, xương rồng Cánh phượng và xương rồng Bát tiên. Mỗi sớm thức dậy, thấy cây xương rồng mọc đẹp như ý, tôi nẩy ý thơ:

 

“Chát đất nghèo trong chậu

Đến nỗi phải xù gai

Thách thức đời là thế

Ngạo nghễ cùng tương lai”

 

Số xương rồng cảnh ông trồng được giới trẻ rủ nhau đến tận nhà mua. Nhiều bạn còn chép lại bài thơ ông họa về cây xương rồng vào cuốn sổ tay của mình.

 

Theo thị hiếu người chơi, từ năm 2000, ông chỉ giữ lại vườn nhà vài chục giò lan, mấy mươi cây xương rồng mà dành diện tích cho chơi đá nghệ thuật, gỗ lũa. Ông có niềm đam mê kỳ lạ, đã chơi là hết mình. Ông nhúc nhắc đạp xe trên các trục đường phố, nhặt về những hòn đá mình thích. Ông đạp xe đến những chỗ “người ta” nấu tinh dầu gù hương, xin những khúc gỗ kỳ quái, đèo về rồi ngắm nghía, chế tác, làm những hòn đá, khúc gỗ vô tri trở nên có thần thái, người xem thỏa sức hình dung, tưởng tượng.

 

Ông lấy cho tôi xem tác phẩm đá nghệ thuật được Ban Tổ chức Hội thi Sinh vật cảnh T.P Thái Nguyên tổ chức năm 2006 trao Huy chương Vàng. Tác phẩm có tựa đề: “Vẻ đẹp vĩnh hằng”. Khối đá có hình một thiếu nữ bán thân mang niềm đau khát vọng của chờ đợi. Tôi bảo với ông: Vì đất nước hoà bình, Tổ quốc có hàng vạn người đàn bà hóa đá. Vì thế mỗi phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp như một bông hoa, mà còn mang một vẻ đẹp vĩnh hằng.

 

Ông đưa tôi đi thăm vườn sinh vật cảnh, say mê nói về những dáng, thế của cây, của đá. Ông dừng lại bên một hòn non bộ, đọc:

 

“Cây oằn mình theo đá

Đá lặng im thả hồn

Thứ hoang sơ chân chất

Mà suốt đời thủy chung”

 

Ông đọc thơ mình làm, giọng mộc mạc, chân chất như những cây, những đá trong vườn nhà. Cuối năm 2014, ông có thêm một niềm vui mới là được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam. Ông nói vui: Tôi sẽ tiếp tục cuộc chơi và chơi hết mình. Khi không còn chơi được nữa thì giao lại cho các cháu.