Nơi kết nối những sáng tạo nghệ thuật

09:30, 17/01/2015

Mới, trẻ, hiện đại và luôn nhạy cảm với những xu hướng nghệ thuật mới... là những yếu tố đầy hấp dẫn, mang đến sức hút cho các không gian sáng tạo văn hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam.

Thời gian qua, hoạt động của những "sân chơi" này cho thấy, cần có sự hỗ trợ và định hướng từ các cơ quan quản lý.

 

Một cách tiếp cận mới



Theo nghiên cứu của nhà báo, chuyên gia tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly, trong khoảng năm năm trở lại đây, sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những không gian sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố lớn đã góp phần mở ra một cách thức mới trong việc tiếp cận văn hóa và thực hành nghệ thuật. Toàn cầu hóa với sự bùng nổ của in-tơ-nét khiến nhu cầu được giao lưu, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng lên cao, đồng thời cũng tạo môi trường thuận lợi để các không gian sáng tạo ra đời. Sớm nhất phải kể đến những không gian được thành lập từ những năm 90 như: Gallery Blue Space (thành phố Hồ Chí Minh), Nhà sàn Studio, Studio Anh Khánh (Hà Nội); tiếp đó là Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh TPD thành lập năm 2002 ở Hà Nội; Quỳnh Gallery (2003), San Art (2007) đều ở thành phố Hồ Chí Minh; New Space Arts Foundation (2008) ở Thừa Thiên - Huế... Song, phải tới những năm gần đây mới là thời điểm ghi nhận sự xuất hiện hàng loạt các không gian như: CAMA, Heritage Space, Hà Nội Rock City (Hà Nội), Saigon Outcast, Nhà ga 3A (TP Hồ Chí Minh)...



Những không gian sáng tạo nghệ thuật trở thành các điểm đến văn hóa không chỉ của giới văn nghệ sĩ, mà còn của người yêu nghệ thuật. Ðó có thể là một quán cà-phê, nhưng không đơn thuần kinh doanh đồ uống, mà còn là nơi kết nối những người cùng sở thích trong những buổi nói chuyện cởi mở về nghệ thuật hằng tuần, hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa quy mô nhỏ (Cà-phê thứ bảy, Manzi Space). Ðó có thể là không gian tổ hợp nhiều loại hình nghệ thuật và dịch vụ, như chuỗi nhà hàng, thời trang, đồ lưu niệm, phòng tranh... (Nhà ga 3A); hoặc là những không gian ảo trên mạng, chia sẻ thông tin về những sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật trong nước và ngoài nước, thậm chí là bình luận, trao đổi về những vấn đề gây tranh cãi trong sáng tạo nghệ thuật (Ha Noi Grapevine)...



Trong đó, có nhiều không gian đã trở thành "bà đỡ" cho những sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho biết, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh có không khí âm nhạc sôi động với các tụ điểm, không gian sáng tạo âm nhạc được tổ chức thường xuyên, mà ở Hà Nội, cũng hình thành các không gian như vậy trong những năm gần đây. Ðơn cử, nhờ có sự ra đời của các không gian như Ðom đóm, CAMA ATK, các nghệ sĩ đi theo dòng âm nhạc thể nghiệm như Vũ Nhật Tân, Lương Huệ Trinh... đã có một không gian cố định để thường xuyên "trình làng" những thử nghiệm nghệ thuật mới. Hay, với sự ra đời của Hà Nội Rock City, cộng đồng người yêu nhạc, đặc biệt là nhạc rock, cùng các nghệ sĩ graffiti và hip hop đã có cơ hội được kết nối đam mê. Tương tự, sự thành lập của Doclab, Yxine FF hay TPD cũng đã trở thành nơi đào tạo kỹ năng, khuyến khích đam mê cho những nhà làm phim trẻ. Ðặc biệt, ra đời vào năm 2010, Yxine FF xuất phát chỉ là một liên hoan phim ngắn trực tuyến của diễn đàn điện ảnh Yxine.com được tổ chức với mục đích giới thiệu những bộ phim độc lập của các nhà làm phim trẻ Việt Nam, nay đã phát triển mạnh mẽ cả trong, ngoài nước, trở thành thương hiệu giải thưởng điện ảnh có tiếng. Có thể thấy, dù được lập ra với mô hình khác nhau, hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau, quy mô khác nhau, vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận... thì những không gian trên đều gặp nhau ở ý tưởng tạo ra một môi trường thân thiện, an toàn để kết nối những người cùng đam mê chia sẻ ý tưởng, kích thích sáng tạo và làm nên những điều mới mẻ cho nghệ thuật.



Sự xuất hiện của hơn 40 không gian sáng tạo ở Việt Nam đã và đang hình thành một định nghĩa mới về cách tiếp cận và thưởng thức văn hóa. Môi trường nghệ thuật mang tính mở, thân thiện và kết nối của những không gian sáng tạo giúp công chúng được tiếp cận nhiều hơn với những hoạt động văn hóa, đồng thời mang đến cơ hội để khán giả, đặc biệt là những người trẻ khám phá bản thân và tìm hiểu cuộc sống. Bên cạnh đó, việc hình thành những không gian sáng tạo mới cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động; góp phần tạo nên bản sắc cho các thành phố khi trở thành điểm đến văn hóa cho không chỉ công chúng trong nước mà cả khách du lịch. Chẳng hạn, lấy chủ đề chính là nguồn nguyên liệu giấy dó của Việt Nam, những người sáng lập ra Zó Project đã trang bị cho công chúng Việt nhiều kiến thức hữu ích hơn về giấy dó thông qua các hoạt động: sản xuất các sản phẩm thủ công từ giấy dó như sổ, bưu thiếp..., mở triển lãm tranh giấy dó, hay hình thành các khóa học giới thiệu về quy trình sản xuất giấy dó...



Chị Hồng Nhung, Giám đốc điều hành của không gian Zó Project chia sẻ: "Trước nguy cơ nguồn nguyên liệu giấy dó của Việt Nam đang cạn kiệt, chúng tôi hy vọng việc góp phần nâng cao nhận thức về công dụng của giấy dó sẽ đánh thức trách nhiệm của người dân và chính quyền trong việc bảo tồn và phát triển nguyên liệu quý giá này". Hay như trường hợp của Nhà ga 3A nằm ngay quận 1, TP Hồ Chí Minh, trước đây chẳng ai chú ý khi chỉ gồm một chuỗi nhà hàng ăn Nhật Bản, chỉ tới khi trở thành một tổ hợp không gian sáng tạo như hiện nay, mới thu hút đông đảo công chúng. Ngay cả những khách du lịch muốn tìm hiểu văn hóa và đặc sản vùng miền Việt Nam khi tới đây cũng đều được đáp ứng.

 

Sự hỗ trợ và định hướng cần thiết



Tác động tích cực của những không gian sáng tạo đối với sự phát triển văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam, đặc biệt với những lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, múa... là điều đáng được ghi nhận. Song bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đến việc phát triển những không gian này một cách bền vững và đúng định hướng. Bởi đến nay, mặc dù một số không gian đã có hoạt động tương đối tự chủ nhưng phần lớn vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Không ít không gian hình thành chưa lâu đã phải giải thể. Ngay cả Zone 9, không gian được thành lập từ đầu năm 2013, vốn được coi là địa điểm sáng tạo của giới trẻ, là điểm đến hấp dẫn của nhiều họa sĩ, kiến trúc sư, nghệ sĩ múa, nhiếp ảnh gia... không lâu sau, do sự cố hỏa hoạn gây chết người, đã trở thành mối lo ngại của chính quyền, nhất là về công tác quản lý và buộc phải đóng cửa. Từ đây, nhiều vấn đề và bài học được đặt ra xoay quanh việc vận hành và duy trì những không gian sáng tạo.



Ðiều đáng lưu ý là chủ của những không gian sáng tạo ở Việt Nam hiện nay đều là những cá nhân, nhóm cá nhân. Họ đa phần là những người trẻ, có kiến thức và khao khát được cống hiến cho nghệ thuật. Tuy nhiên, họ chưa nhiều kinh nghiệm trong quản lý và kinh doanh nghệ thuật, lại vấp phải những thách thức xuất phát từ phía chủ nhà cho thuê địa điểm, cũng như việc đáp ứng những thủ tục hành chính liên quan, nên các không gian sáng tạo do họ làm chủ còn hoạt động chưa ổn định. Saigon Hub đã buộc phải đóng cửa sau gần một năm hoạt động vì giá thuê nhà tăng cao. Quán bar nghệ thuật Tadioto, nơi gặp gỡ của các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ ở Hà Nội cũng phải chuyển chỗ ba lần vì những vấn đề gặp phải với chủ nhà. Chị Ðoàn Phương Hà, người sáng lập Saigon Outcast còn cho biết, do những thủ tục cấp phép chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, đã gây không ít khó khăn cho hoạt động của các không gian sáng tạo, nhất là trong việc tổ chức những sự kiện văn hóa.


Một điều đáng bàn là xưa nay, hoạt động của các không gian sáng tạo văn hóa - nghệ thuật thu hút đông văn nghệ sĩ nhận được khá ít sự tài trợ từ các doanh nghiệp, mặc dù hầu như các hoạt động đều hướng đến phục vụ văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Trong khi đó, những nguồn tài trợ từ các quỹ văn hóa thường không ổn định, những người sáng lập lại chưa đủ khả năng để duy trì hoạt động của các không gian một cách độc lập, cho nên phần lớn vẫn gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động.

Bởi thế, thiết nghĩ, với những hình thức thể nghiệm còn non trẻ, song trước xu hướng mới, đã đến lúc những nhà quản lý văn hóa và chính quyền địa phương cũng cần lưu tâm và tạo điều kiện thuận lợị, có chính sách hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cần thiết cho những người sáng lập, quản lý... trong thời kỳ đầu, để những không gian sáng tạo giảm khó khăn, phát triển đúng hướng.



Có thể thấy, đây là giai đoạn mới đầy hứng khởi cho môi trường sáng tạo ở Việt Nam. Các không gian sáng tạo đang từng bước tạo nên một thị trường năng động với lượng khách hàng lớn và tiêu thụ thường xuyên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Và trên hết, để duy trì và mở rộng thị trường này, cần đến sự thấu hiểu và ủng hộ của cả xã hội.