Phục dựng Hát cửa đình và câu chuyện bảo tồn ca trù

09:06, 16/01/2015

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ nói rằng, bảo tồn ca trù mà không giữ được hát cửa đình thì coi như ca trù mất gốc. Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền khẳng định, nếu để mất hát cửa đình thì ca trù không còn ý nghĩa…

Vậy mà, thật ngạc nhiên, đã hơn năm năm kể từ khi nghệ thuật Hát ca trù người Việt được công nhận là Di sản phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, lần đầu tiên không gian và trình thức hát cửa đình được phục dựng, lại hoàn toàn do một câu lạc bộ tự “xoay xở”.

 

1.Theo các tài liệu thư tịch cổ, sinh hoạt hát ca trù gắn liền với các đình làng, và hát cửa đình thường do một giáo phường xuất sắc được chọn đảm nhiệm. Vì thế, canh hát thờ cửa đình có thể coi như một chương trình âm nhạc chuyên nghiệp trọn vẹn với nghi thức chặt chẽ và chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Hát cửa đình cũng được coi như một tên gọi khác của ca trù và là một hình thức sinh hoạt âm nhạc cổ điển nhất của thể loại (mãi sau này mới xuất hiện ca quán). Tuy vậy, hình thức này đã hoàn toàn chấm dứt từ hơn 60 năm trước.

 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, sau thời gian tìm tòi cả trong tư liệu văn bản, ghi âm và gần gũi tiếp xúc với lớp nghệ nhân cũ, đã khẳng định rằng, hiện chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, năm nay 91 tuổi, nhớ được trình thức hát cửa đình. Cụ Đẹ là kép đàn duy nhất còn sống từng thực hành Hát cửa đình vùng Hải Dương thời xưa. Bố ông nguyên là quản giáp hàng tổng, mẹ ông vốn là một đào ngự - từng vào kinh thành Huế hát chúc thọ vua Nguyễn. Dù đã 91 tuổi, nhưng thật may mắn là nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ hãy còn khỏe mạnh minh mẫn và ông có một trí nhớ tuyệt vời.

 

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và các trò chuẩn bị canh hát.

 

Cũng một điều may mắn (dù muộn màng) cho ca trù, với công sức thuyết phục và sự giúp đỡ tận tình của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, có một câu lạc bộ kịp thời nhận ra sự quan trọng và khẩn cấp thực hiện chuyển giao hát cửa đình từ người nghệ nhân già duy nhất. Bốn tháng ròng rã bắt đầu từ tháng 9-2014, NSƯT Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng đã cùng với các ca nương, đào kép của câu lạc bộ lặn lội từ Hải Phòng về Hải Dương, đến nhà cụ Đẹ để nhờ cụ truyền dạy cho các ngón nghề, cách thức trình tự một chầu hát cửa đình hoàn chỉnh. Cùng với sự định hướng của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, thầy trò cụ Đẹ đã biến ý tưởng và ký ức thành hiện thực, khi phục dựng lại đầy đủ và nguyên vẹn một canh hát thờ của ca trù.

 

2. Không quá ngạc nhiên khi chương trình phục dựng Hát cửa đình người Việt do CLB Ca trù Hải Phòng thực hiện với sự truyền dạy của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tại Đình Hàng Kênh (TP Hải Phòng) ngày 14-1 đã thu hút rất đông người tới xem. Với 14 thể cách chia làm năm lớp diễn, bắt đầu từ màn múa Tứ linh từ ngoài sân đình, dàn nhạc bát âm trước cửa và 14 thể cách, các ca nương và đào kép của CLB Hải Phòng đã thực sự làm người tham dự ngỡ ngàng. Bài bản, nghiêm ngắn nhưng vẫn lộ ra cái chất thăng hoa tột đỉnh của nghệ thuật ca trù. Những giọng ca, kép đàn ngày nào còn chập chững (còn nhớ ở Liên hoan ca trù 2012 tại Viện Âm nhạc Việt Nam, CLB ca trù Hải Phòng còn chưa định hình được nhận thức về ca trù chuẩn là như thế nào) giờ đã thấp thoáng hình ảnh ca nương kép đàn và một giáo phường trong quá khứ như các nhà chuyên môn từng mô tả.

 

Hai tiết mục Giáo hương và Hát giai do nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ trực tiếp thực hiện, còn lại các tiết mục đều do các đào nương kép đàn của CLB đảm đương. Sau hai màn hát mở đầu, cụ Đẹ lui về một góc chăm chú theo dõi các học trò. Ngoài những tiết mục Thét nhạc, Hát nói, Gửi thư, Cung bắc, múa Bỏ bộ… có thể đã được nghe nhiều tại các buổi trình diễn, thì với nhiều người, đây là lần đầu được nghe và xem những làn điệu, thể cách của ca trù rất cổ xưa nay được phục dựng như: Hát dâng hương, đào luồn - kép vói, hay điệu Dồn đại thạch…

 

Cách mà các thành viên CLB Ca trù Hải Phòng thực hiện canh hát thờ này cho thấy họ đã rất tâm huyết, kính cẩn và nghiêm túc khi tiếp nhận di sản này từ thế hệ tiền nhân. Và cũng thật vui mừng khi xong buổi trình diễn, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ đã thở phào nói: Mười phần thì đã được 7,8 phần! Nhìn nghệ nhân già hơn 90 tuổi run run, nhiều người xem xúc động ứa nước mắt. Đại đình Hàng Kênh đã không còn chỗ trống. Trong lớp người xem ngồi chật kín hai bên không gian “khán phòng” hướng về gian chính nơi các ca nương kép đàn biểu diễn, có rất nhiều người già ở Hải Phòng, họ xem say sưa và thỉnh thoảng nhắc khán giả không vỗ tay sau mỗi tiết mục, vì đây là hát thờ mang ý nghĩa tâm linh. Xem xong, có người còn ở lại để hỏi cho rõ về các thể cách, làn điệu.

 

3. NSƯT Đỗ Quyên cho biết, canh hát cửa đình vừa qua được phục dựng hoàn toàn dựa vào trí nhớ của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Toàn bộ kinh phí học hát, học đàn, cho đến việc phục dựng một cách bài bản, nghiêm túc trình tự nghi thức của một canh hát cửa đình, câu lạc bộ đều tự xoay xở. Cho đến bây giờ, chị chưa nhận được một sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị bảo tồn di sản. Nghe đâu chị phải đi vay tiền để có đủ kinh phí chi cho các khoản phục dựng bài bản và công phu này. Học hát thì gian truân là thế, phục dựng thì kỳ công và tốn kém thế, nhưng khi được hỏi về kế hoạch để thực hành và phổ biến ra công chúng canh hát cửa đình này như thế nào thì chị Quyên cũng lúng túng không biết trả lời sao. Không gian đình Hàng Kênh quá lý tưởng cho việc trình diễn hát cửa đình. Tuy nhiên, để tái hiện trọn vẹn một canh hát như thế không hề dễ dàng, bởi cần tiền và công sức. Và biểu diễn để thu về kinh phí tự nuôi sống và giúp cho các đào kép tiếp tục theo nghiệp ca trù bằng cách nào thì chị Quyên cũng không thể biết.

 

Điều đáng giật mình là, đã hơn năm năm kể từ ngày Hát ca trù người Việt được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, chúng ta nói rất nhiều về bảo tồn, nhưng cho đến bây giờ mới phục dựng được hình thức hát quan trọng nhất, lâu đời nhất của hát ca trù. Trong khi, nghệ nhân duy nhất có thực hành và nhớ được nghi thức hát này đã 91 tuổi, lay lắt như ngọn đèn trước gió. Còn ở các đêm diễn hết sức lặng lẽ của các câu lạc bộ hay các buổi liên hoan hai năm mới có một lần, người ta vẫn thấy lẫn lộn các tiết mục hát thờ trong hát ca quán. Lớp nghệ nhân cũ lần lượt về tiên tổ, nhất là khi nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc qua đời, cụ Nguyễn Phú Đẹ càng trở nên lẻ loi lay lắt. Thế nên, thật dễ hiểu vì sao đào nương Thu Hằng đã nghẹn ngào bật khóc khi nói về những ngày khăn gói theo thầy học hát lại bài bản từ cách nhả chữ, gõ phách, cho đến toàn bộ trình thức hát cửa đình vốn nhiều tiết mục khó và nghiêm cẩn. Sau buổi công diễn, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xúc động nói, một di cảo vô giá của tổ tiên còn lại từ ngàn xưa văn hiến đã chính thức được chuyển giao thế hệ. Tuy nhiên, phục dựng thành công mới chỉ là bước đầu. Cần một sự hỗ trợ lâu dài để CLB Hải Phòng có thể thực hành nhuần nhuyễn, giới thiệu ra công chúng cũng như phổ biến đến các câu lạc bộ khác trong cả nước, đó mới thực sự là một niềm vui cho ca trù.