Thăng trầm cùng với hoa đào

17:29, 26/01/2015

Vùng trồng hoa đào của đồng bào Nùng ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ) là nơi nổi tiếng với đào bích, đào phai cho hoa đẹp, nở đều, sắc thắm.

Năm nay thời tiết không thuận lợi cho trồng hoa đào, nhưng do nắm được kỹ thuật cộng với sự kiên nhẫn tỉ mỉ và thực sự yêu hoa, những người làm nghề ở đây đã thành công hãm hoa nở vào dịp Tết, sẵn sàng đón mùa xuân tới.

 

Xóm Gốc Đa và La Dịa là 2 xóm tập trung đông đồng bào người dân tộc Nùng của xã Minh Lập. Bắt nguồn từ yêu thích hoa đào, hơn 15 năm trước, người dân ở đây mang hoa từ Lạng Sơn về trồng để trưng trong nhà mỗi dịp Tết, sau này, hoa đào ngày càng đẹp hơn, nhiều người đến hỏi mua, bởi thế, người dân đã phát triển thành vùng trồng đào. Hoa đào trở thành hàng hóa từ đó. Đến nay, hai xóm có tới 80/120 hộ trồng hoa đào với tổng diện tích 5ha. Thời điểm này, các vườn đào đã chi chít nụ nhỏ, phủ lớp phấn trắng mịn sẵn sàng đón xuân tới. Bên các vườn đào, không khí chuẩn bị cho Tết cũng đã bắt đầu nhộn nhịp. Người dân bận rộn với việc đôn gốc, buộc cành chuẩn bị cho các cây đào, cành đào “lên” chậu chờ khách tới chọn mua.

 

Tại xóm La Dịa, chúng tôi gặp ông Vi Văn Thép, là một trong những người đầu tiên trồng hoa đào ở đây. Ông cho biết: Để có được những cây đào, cành đào dáng đẹp, ra nhiều nụ, cánh hoa thắm và dày, người trồng đào phải kì công và tỉ mỉ trong rất nhiều khâu chăm sóc như: Làm đất, bấm ngọn, ngắt lá... Năm nay thời tiết nắng ấm, lại nhuận hai tháng Chín, để hoa nở đúng dịp Tết, ngoài các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp thì thời điểm ngắt lá là quan trọng nhất. Gia đình tôi ngắt lá đào cách Tết tầm 40 ngày, ngắt lá cũng phải chia làm 2 công đoạn, ban đầu phải ngắt lá trên ngọn trước, vài ngày mới ngắt lá ở dưới thân, sau thời điểm đó, lại phải quan sát diễn biến nụ hoa để có cách chăm sóc phù hợp. Vườn đào của gia đình ông Mai có trên 100 gốc, thời điểm này, các nụ hoa đã nhú lên mập mạp, ông Mai đang thực hiện đôn gốc đào, tức là dùng xẻng xắn quanh gốc đào một vòng tròn để khi nhấc cây lên chậu bán cho khách, đào không bị chết do đứt rễ đột ngột.

 

Còn tại xóm Gốc Đa, gia đình ông Vi Văn Mai đã có người khách đầu tiên là ông Mông Đông Vũ, phường Hoàng Văn Thụ, đến đặt hàng cành đào trưng dịp Tết. Ông Vũ chọn cho mình cành đào có 1 gốc và 5 cành tạo dáng hình chuông. Dùng bút đỏ đánh dấu xong cành đào được chọn, ông Vũ cho biết, tôi ở T.P Thái Nguyên, lên đây để đặt trước cành đào, vì hoa đào ở Minh Lập có màu hồng thắm, tươi sáng, nhiều hoa, đẹp hơn các vùng hoa khác. Giá cả mua tại vườn rất phải chăng, giá trung bình chỉ từ 200 nghìn đến 500 nghìn đồng một cành, còn cây đào thì giá từ 1 đến 4 triệu đồng.

 

Bên cạnh vườn đào gần 200 cây và cành đào đã chuẩn bị sẵn sàng chờ người mua đến chọn, ông Vi Văn Mai bảo: Trồng đào mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vào cuối năm. Thế nhưng, chăm sóc để đào ra hoa đúng vào dịp Tết là một quá trình vất vả, đòi hỏi người trồng phải kiên nhẫn và thực sự yêu đào mới có thể làm được. Với gia đình tôi, bên cạnh việc thuần thục các kỹ thuật chăm sóc, hãm đào, thúc đào để hoa nở đúng thời điểm Tết, sau mỗi vụ đào, tôi lại kỳ công chở đất mới về thay cho đất cũ bởi nếu dùng lại đất cũ chất lượng hoa vụ sau sẽ rất kém.

 

Chăm sóc kỳ công là thế nhưng ông Thép và ông Mai đều khẳng định vụ hoa được hay mất còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Bởi cây đào đang làm nụ đều và to nhưng chỉ cần trời rét đậm đào sẽ bị chết vì lạnh, hoặc hoa nở muộn thì người nông dân coi như mất trắng. Thời tiết quá ấm áp khiến đào sớm nở, chóng tàn cũng khiến người trồng thất thu. Bên cạnh đó, cây đào cũng rất dễ bị sâu đục thân. Cây đào càng già càng bán được giá cao nhưng thường hay bị sâu đục thân, khi sâu đã đục vào thân thì không cứu được nữa, mỗi cây đào như vậy chết đi người trồng thiệt hại từ 5 đến 7 triệu đồng.

 

Kể về những thăng trầm của cây đào trên trên đất Minh Lập, ông Dương Đình Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xóm Gốc Đa và La Dịa có vùng đồi thoai thoải, chất đất phù hợp với đặc tính của cây đào. Cách đây khoảng 10 năm, người dân phát triển trồng đào thành vùng, diện tích khoảng 7ha với sự tham gia trồng của trên 100 hộ thuộc 2 xóm. Có những năm, cây đào đem lại mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/hộ trong vụ Tết. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, không ứng phó kịp với thời tiết, trồng đào thất thu, nên có thời điểm nhiều hộ đã giảm diện tích trồng đào, khiến tổng diện tích chỉ còn khoảng 2ha. Xác định cây đào là cây trồng phù hợp với vùng đất của 2 xóm Gốc Đa và La Dịa, thời gian qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng đào. Chúng tôi cũng phối hợp với các ngành mở tập huấn về trồng và chăm sóc cây đào để người dân nắm vững hơn về kỹ thuật. Năm nay, diện tích trồng hoa đào ở Minh Lập đã tăng lên thành 5ha với khoảng 80 hộ trồng. Hầu hết các hộ nông dân trồng đào đều đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết. Dự kiến, doanh thu từ hoa đào năm nay của người dân 2 xóm đạt trên 900 triệu đồng…

 

Tạm biệt những vườn đào khi trời đã về chiều, chúng tôi hiểu rằng, tuy nhiều vất vả, thăng trầm nhưng người trồng đào Minh Lập vẫn sẽ kiên trì với cây hoa đào, bởi với họ trồng đào không chỉ để tăng thu nhập mà còn là niềm vui.