Triển lãm tranh minh họa

09:21, 31/01/2015

Buổi triển lãm tôn vinh thể loại tranh minh họa trên báo đã diễn ra tại khuôn viên tòa soạn báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hà Nội, vào chiều nay 30-1.

Đến dự buổi triển lãm Tranh minh họa trên báo Nhân Dân hằng tháng có các đồng chí: Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam ; Hữu Thọ - Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân ; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông ; Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các ban và phóng viên của báo Nhân Dân, đông đảo phóng viên các báo, đài và độc giả.

 

Phát biểu khai mạc triển lãm, đồng chí Thuận Hữu – Tổng Biên tập báo Nhân Dân chia sẻ, buổi triển lãm với mong muốn tri ân các họa sĩ tài năng và tâm huyết của hội họa Việt Nam, trong thời gian qua đã gắn bó cộng tác, giúp đỡ báo Nhân Dân, ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng cùng tạo ra những giá trị và ý nghĩa đặc biệt cho các tác phẩm báo chí.

 

Đồng chí Thuận Hữu nhấn mạnh: “Cùng với các bài viết, các tác phẩm truyện ngắn, thơ, tản văn… của các nhà văn, nghệ sĩ, các nhà khoa học, các nhà báo, những tác phẩm hội họa triển lãm lần này như một minh chứng rõ ràng cho sự gắn kết làm nên sức mạnh của tri thức, sáng tạo và tâm huyết cống hiến cho bạn đọc, cho những giá trị mới đối với xã hội và cộng đồng”.

 

Triển lãm tập hợp khoảng 30 tác phẩm gốc của các họa sĩ tên tuổi hàng đầu trong giới mỹ thuật Việt Nam đương đại: Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Hồng Việt Dũng, Thành Chương, Hoàng Phượng Vỹ, Nguyễn Quân... ; cùng với hơn 25 tác phẩm đồ họa đã đăng tải trên báo. Những tác phẩm này vốn là tranh minh họa cho các bài báo, truyện ngắn, thơ, tản văn… đăng trên báo Nhân Dân hằng tháng trong ba năm qua – kể từ khi bộ mới Nhân Dân hằng tháng ra mắt, do họa sĩ Lê Thiết Cương chọn và giới thiệu.

 

Đặc biệt, trong triển lãm này giới thiệu một tác phẩm và lưu bút của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác riêng cho Nhân Dân hằng tháng. Nhiều năm nay, người duy nhất còn sống trong bộ tứ huyền thoại “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” của mỹ thuật Việt Nam, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm gần như sống ẩn dật. Sự xuất hiện trở lại của ông ở tuổi 95 bằng bức tranh ngựa trên ấn phẩm Nhân Dân hàng tháng Tết Giáp Ngọ 2014 và dòng lưu bút tặng riêng Nhân Dân hằng tháng mà ông gọi là “giai phẩm đáng đón đợi” là một bất ngờ với bạn đọc cũng như giới mỹ thuật.

 

Là người chịu trách nhiệm giám tuyển cho triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhiệm vai trò giám tuyển cho một triển lãm tranh minh họa. Từ năm 1945 đến nay đây là lần thứ hai có triển lãm minh họa trên báo, cách đây 10 năm báo Văn nghệ từng tổ chức triển lãm nhưng 2/3 trong số đó không phải là bản gốc. Đặc biệt, hiếm có tờ báo nào quy tụ được đông đảo đội ngũ cộng tác viên là những họa sĩ thành danh, tên tuổi đủ để bảo lãnh chất lượng tác phẩm”.

 

Dưới góc độ của người hoạt động mỹ thuật, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, đánh giá cao trong ba năm qua báo NDHT có nhiều đổi mới thông qua các số báo, làm cho các yếu tố văn hóa, hàm lượng nghệ thuật, thẩm mỹ của tờ báo Đảng gần gũi với đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước, được độc giả đón đọc, trông đợi.

 

Các tác phẩm đa dạng về chất liệu, mỗi họa sĩ một phong cách, nhưng có một điểm chung là tác phẩm đồ họa trên trang báo, gắn kết với các bài báo, truyện ngắn, tản văn… làm nên sức mạnh chỉnh thể của tác phẩm báo chí ở cả giá trị thông tin và thẩm mỹ. Tuy vậy, đứng độc lập, các bức tranh minh họa này mang đầy đủ giá trị của một tác phẩm hội họa.

 

Ngay sau sự kiện này, như thông lệ hàng năm kể từ 2012, là lễ ra mắt hai tập sách chọn lọc các tác phẩm báo chí thể loại phỏng vấn, đối thoại và truyện ngắn tập hợp từ 12 số báo trong năm của ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng.

 

Cuốn “Đối thoại trong năm” gồm 33 cuộc đối thoại được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá là “những giọng nói của lương tâm trí tuệ”. Hầu hết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước đều được những cuộc phỏng vấn đề cập đến, từ văn hóa quốc phòng, giáo dục đến giao thông vận tải, y tế... Trong mỗi cuộc đối thoại là những vấn đề cụ thể liên quan đến chủ quyền đất nước, đến lợi ích hàng ngày của nhân dân và đến tương lai của thế hệ người Việt Nam. Ở câu hỏi và câu trả lời đều minh chứng chúng ta đang thực sự có trách nhiệm với đất nước thông qua tư duy và thái độ, sẵn sàng chỉ ra và thừa nhận những yếu kém, bất cập, những sai lầm và vươn lên để xây dựng đất nước văn hóa, thịnh vượng.

 

Cuốn “Đôi dép nổi giận” tuyển tập gồm 12 thiên truyện ngắn, 12 khoảnh khắc đời người, mười hai cảnh huống ở 12 vùng miền của các tác giả như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Vinh, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Phan Hách... Bên cạnh đó là sáu khúc tản văn giản dị với những suy tư sâu sắc và nhẹ nhàng của Phan Thị Vàng Anh như một đôi lời nhắn gửi, rằng, chính chúng ta đây, đôi lúc đã lãng quên những việc nhỏ nhặt như việc đối xử như thế nào cho phải đạo khi cha mẹ già héo, hay làm gì để đóng góp nho nhỏ thôi cho môi trường đời sống đương thời với cộng đồng: nhặt một mẩu rác, bỏ một thói quen xấu hay duy trì thói quen đọc sách...