Chống nạn tiền lẻ tại các lễ hội

07:19, 07/02/2015

Chống nạn vung tiền lẻ ở lễ hội, cùng với những định hướng, văn bản từ trên, phải có lực lượng ở cơ sở liên tục bám sát, túc trực, nhất là tại những nơi mà nạn vung tiền lẻ hoành hành. Đó chính là những khu vực đình, chùa, miếu, phủ… nơi diễn ra các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng.

Các cơ quan chức năng vừa có những văn bản đáng mong đợi nhằm ngăn chặn dịch vụ đổi tiền lẻ tại các lễ hội năm nay, từ đó nhằm giảm thiểu tình trạng cài, rắc, thả, nhét tiền lẻ bừa bãi tại các di tích, danh thắng trong những ngày hội.

 

Năm nay, Ngân hàng nhà nước Việt Nam sẽ không in và đưa vào lưu thông các loại tiền mới có mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống. Cơ quan này cũng có văn bản gửi các bộ ngành liên quan, đề nghị tăng cường quản lý việc sử dụng, lưu thông đồng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội. Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm khắc nếu bắt gặp hành vi đổi tiền lẻ với mức phạt 20 – 40 triệu đồng.

 

Nhưng những biện pháp trên là chưa đủ. Lực lượng liên ngành của thanh tra văn hóa, quản lý thị trường hay cán bộ các ban ngành sở tại, không phải lúc nào cũng bám sát được tất cả các lễ hội để phát hiện và xử lý. Nếu trong thực tế diễn ra lễ hội tại rất nhiều địa phương, hoạt động lễ bái của người dân sở tại, của khách thập phương không được bám sát thì nạn vung tiền lẻ sẽ vẫn có cơ tái phát do sự vô ý thức, thói quen của người dân và do không thấy bị nhắc nhở, ngăn cấm.

 

Việc chống nạn vung tiền lẻ phải được thực hiện ngay từ các di tích, danh thắng trong mùa lễ hội, do cán bộ văn hóa, ban quản lý di tích, danh thắng cùng với những người trực tiếp trông nom di tích, danh thắng thực hiện.

 

Nên có người của nhà đền, nhà chùa, của ban quản lý di tích… thường xuyên đứng hoặc qua lại bên các ban thờ trong, ngoài di tích, những nơi mà người ta có thể vung tiền lẻ được, để liên tục nhắc nhở khách thập phương không gài tiền lẻ lên các mâm, đĩa hoa quả, lên tay, chân tượng, lên mặt ban thờ… Đồng thời, nếu công chúng không hoặc ít thực hiện hướng dẫn trên, người có trách nhiệm sẽ gom tiền lẻ bỏ vào hòm công đức trước sự chứng kiến của nhiều người.

 

Có lẽ khi cần một công cuộc tuyên truyền, giáo dục mạnh mẽ, hiệu quả với người dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự tại di tích, danh thắng, lễ hội, thì ngay từ việc túc trực, nhắc nhở trên cũng phải thực hiện một cách mạnh mẽ, dứt khoát. Việc này nếu được làm đi làm lại, tác động trực tiếp vào công chúng, thì tin rằng, hành vi gài, thả tiền lẻ bừa bãi sẽ giảm dần.

 

Quan sát có thể thấy, những năm trước luôn phổ biến tình trạng hương khói mịt mù trong di tích vào mùa lễ hội. Người ta cắm hương loạn xạ, ở khắp nơi, không chỉ chi chít trong bát hương lớn ngoài sân, mà vào các bát hương trên ban thờ trong các gian thờ, nội cung, cho đến cả gốc cây, rồi trước tượng các con thú… Nhưng sau một thời gian, nhiều bát hương được đắp gần kín bằng bê-tông - dù trông không được đẹp; cùng với những câu nhắc nhở đề ngay tại các cửa, các ban thờ, hoặc: mỗi người chỉ thắp một nén hương, hoặc: nhà chùa đã thắp hương vòng, quý phật tử không cần thắp hương…; hay có những nơi mà người nhà chùa, nhà đền… quan sát trong di tích, chỗ nào hương khói nhiều quá thì rút ra, giúi vào chậu nước. Thực tình, hành động này cũng hơi… thô, khiến cho nhiều khách thập phương thấy không vui. Nhưng những việc làm trên đã giúp cho không gian các di tích trong mùa lễ hội hay các dịp lễ trọng được thoáng đãng đáng kể nhờ giảm bớt được hương khói. Nạn vung tiền lẻ cũng có thể giảm bớt nếu kiên trì thực hiện các biện pháp như thế.

 

Và rất cần thiết, hãy nhìn thấy trước một việc khó bỏ của người dân, là nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ. Cho nên dịch vụ đổi tiền lẻ ở các lễ hội, và trước đó là đổi tiền ở ngay ngoài cửa các ngân hàng, trên hè phố gần ngân hàng… sẽ vẫn có khả năng xuất hiện, tái diễn. Vì thế, việc giám sát, xử lý, nghiêm cấm phải được các cơ quan chức năng như ngân hàng, quản lý thị trường, an ninh trật tự… thực hiện ngay từ gốc.

 

Đồng thời, đến các lễ hội, hy vọng lực lượng chức năng sẽ “chịu khó” dùng các biện pháp nghiệp vụ để mật phục, cải trang, “lặng lẽ” thanh kiểm tra. Có như vậy thì những sai phạm như dịch vụ đổi tiền lẻ hay các tiêu cực lễ hội khác mới bị “bắt tận tay, day tận trán” và kịp thời bị xử lý. Chứ nếu việc thanh kiểm tra, giám sát này lại chỉ công khai, có đón tiếp từ xa, “tiền hô hậu ủng”, “đường ta ta tiến” thì hiệu quả sẽ không cao!