Đầu Xuân đi lễ, hội đền Đuổm

15:46, 24/02/2015

Đến hẹn lại lên, vào ngày mồng 6 tháng Giêng (âm Lịch), huyện Phú Lương lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đền Đuổm.

Dự Lễ hội năm nay có các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện Phú Lương và hàng vạn người dân thập phương về thành kính dâng nén tâm nhang cùng lời nguyện cầu phúc nhân ngày đầu năm mới.

 

Đền Đuổm ngự tại núi Đuổm, xã Động Đạt. Từ xa hàng cây số, du khách đã có thể nhìn thấy núi Đuổm kỳ vĩ bởi 6 mỏm đá nhô cao tạo hình hàm long ngóc đầu chầu lên oai phong, với những đại thụ xum xuê tỏa bóng khiến những công trình kiến trúc thờ tự danh tướng Dương Tự Minh thêm nét linh thiêng, trầm mặc.

 

Sử sách chép rằng: Với tài năng, đức độ của mình, Ngài (Dương Tự Minh) 2 lần được phong là phò mã. Ông được nhà Lý phong sắc: “Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ tri thần”; các đời sau đều phong ông là: “Cao Sơn Quý Minh”. Hơn 30 năm làm quan dưới các vương triều Lý, ông là vị tướng giỏi, dám đấu tranh chống lại sự sách nhiễu của quan lại trong triều, luôn thể hiện là người “Trung quân, ái Quốc”. Dưới sự cai quản của Ngài, phủ Phú Lương dần trở thành một vùng đất phồn thịnh.

 

Nhân Lễ, hội đền Đuổm, huyện Phú Lương đã khai mạc năm Du lịch và quảng bá du lịch của huyện năm 2015. Với những điểm đến hấp dẫn như: Di tích lịch sử Khuân Lân (Hợp Thành); Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ (Phủ Lý); các làng nghề chè truyền thống ở Vô Tranh, Tức Tranh; làng nghề Bánh chưng Bờ Đậu và thưởng thức một số nét đẹp văn hóa phi vật thể, như: Hát sli, hát lượn của đồng bào Tày - Nùng; Lễ hội cấp sắc của đồng bào Dao, đặc biệt là vũ điệu Tắc xình của đồng bào người Sán Chay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 2-2 Ất Mùi 2015, tức ngày 21-3-2015 dương lịch, huyện Phú Lương tiếp tục chỉ đạo xã Tức Tranh tổ chức Lễ Hội Cầu mùa, múa Tắc xình và giao lưu văn hóa người Sán Chay năm 2015.

Tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài, nhân dân làng Đuổm đã đời đời nối nhau phụng thờ, với đức tin Ngài giúp dân trị tà thần và ban phúc cho người dân quanh vùng được mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ông Nguyễn Thế Hiệp, 58 tuổi, Trưởng Ban Quản lý Quần thể Di tích đền Đuổm, đồng thời là người làm chủ tế nhiều năm ở Đền cho biết: Tương truyền, Ngài sinh vào ngày mùng 6 Tết, nên nhân dân trong vùng lấy ngày này mở Lễ, hội tưởng nhớ công đức của Ngài. Còn ông Trần Xuân Dũng, thành viên Ban Tổ chức Lễ, hội cho biết thêm: Trước ngày khai mạc Lễ, hội, cả vùng đất kề chân núi Đuổm đã tưng bừng bởi các trò hội, như thi gói bánh chưng, giã bánh dày, kéo co, sao chè… Ông Nhâm Văn Hưng, xóm Vườn Thông (Động Đạt), người cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày ngoài Côn Đảo vui vẻ kể: Với người dân trong vùng, đây là ngày vui nhất, thiêng liêng nhất trong năm. Vì thế, từ trước Tết Nguyên đán, bà con đã tấp nập chuẩn bị những vật phẩm để dâng lên Ngài. Bánh chưng, bánh dày, xôi, oản được bà con lựa chọn từ những loại gạo nếp ngon nhất; lợn, gà… được nuôi ở nơi sạch sẽ nhất; một số trai tráng đi tìm cây mai chắc, khỏe về làm cây nêu, các cụ già lo làm hình nhật nguyệt trên ngọn cây nêu; các cô gái tụm nhau lại làm quả còn có tua ngũ sắc… Suốt dịp Tết, làng trên, xóm dưới háo hức chuẩn bị cho những ngày lễ, hội.

 

Trong khói trầm thơm tỏa lan, tôi ngước nhìn đôi câu đối bên ban thờ Ngài: “Trướng phù Việt địa trung hưng thánh/ Danh trấn Nam bang thượng đẳng thần”, nghĩa là: “Trung hưng thánh công phù đất Việt/ Thần thượng đẳng tiếng khắp trời Nam”. Thế mới hay, công lao của Ngài lớn lắm. Nhớ ngoài cửa chính đền còn ghi đôi câu đối: “Quan Triều hiển thánh thiên thu tại/ Động Đạt giáng thần vạn cổ hinh”, nghĩa là: “Đất Quan Triều hiển thánh ngàn năm vẫn còn/ Xã Động Đạt muôn đời khói hương thơm ngát”. Đôi câu đối thể hiện rõ tấm lòng biết ơn của con cháu đời đời với Ngài. Bởi lẽ ấy, suốt gần 1.000 năm qua, Dương Tự Minh luôn là hình ảnh đẹp, là niềm tự hào của nhân dân trong vùng. Đời sau kế đời trước, con, cháu hương khói phụng thờ Ngài với một suy nghĩ trịnh trọng, thiêng liêng.

 

Lễ dâng gồm cỗ chay, cỗ mặn. Cỗ chay rước trước, cỗ mặn rước sau. Cỗ chay gồm các loại bánh bìa, bánh vôi, chè lam, bánh khảo, bánh rán, bỏng nổ được bày trí vào 8 mâm bồng. Mỗi mâm lại được đặt thành 8 phần có đủ 6 loại bánh. Cỗ mặn gồm lợn quay, xôi gấc, gà luộc được bày biện đẹp mắt. Tham gia đoàn dâng lễ, ai nấy khăn, áo chỉnh tề. Cỗ, lễ, hương hoa được đội từ thủy đền dâng lên đền chính. Đi trước đoàn dâng lễ còn có các đội lân mở đường, tiếp đến là các đội trống, chiêng, kèn đồng, sáo, nhị thanh la, sênh tiền.

 

Lúc các lễ vật được bày biện ngay ngắn lên bàn thờ trước đền chính, tiếng chuông, tiếng trống lại gióng lên, đều đặn từng nhịp quyện hòa cùng lời cầu mong một năm mới mưa - nắng thuận hòa, mùa màng tươi tốt, Quốc thái, dân an… Sau khi tế xong, nam giới làng Đuổm từ 18 tuổi trở lên được ăn cỗ tại Đền. Các chức dịch trong làng Đuổm còn được chia phần cỗ lễ mang về thắp hương ở nhà. Ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết thêm: Lễ của các xã trong huyện được dâng lên Ngài từ hôm trước. Lễ của các xóm thuộc xã Động Đạt được dâng vào ngày chính. Mâm lễ nào cũng đẹp, song kỳ công nhất là nhân dân xóm Cộng Hòa với lợn quay cả con; xóm Ao Sen với bánh chay cả mâm. Ngoài các mâm lễ của nhân dân trong vùng, ông Nguyễn Văn Viên (Hà Nội) cũng có mâm oản phẩm được Ban tổ chức lựa chọn dâng lên Ngài vào ngày lễ chính.

 

Phần Lễ vừa dứt, khu vực sân trước Đền như bừng thức dậy bởi tiếng vỗ tay reo hò của hàng vạn người cổ vũ cho đội múa Lân; thi hát, kéo co giữa các làng. Rồi tiếng reo lại như vỡ òa bởi những quả còn mang tua rua ngũ sắc bất chợt bay vút lên không trung, vấn vít quanh ngọn cây nêu bởi từng cánh tay vạm vỡ của trai làng. 16 xã, thị trấn của huyện Phú Lương hầu hết đều tổ chức được các đội thi văn nghệ; trình diễn thời trang; gói bánh chưng, giã bánh dày. Đặc biệt là các làng nghề ở Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Yên Lạc còn có thêm phần thi sao chè. Nhân ngày này, các làng nghề còn mở thêm một số gian hàng phục vụ du khách, chủ yếu là bày bán sản vật nông nghiệp, như đặc sản chè Tức Tranh, Vô Tranh; mật ong rừng; mành cọ; nấm linh chi; cơm lam; bánh Tày và thuốc nam được bà con lấy từ rừng về sao xấy bày bán cho du khách.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Trưởng Ban chỉ đạo và tổ chức Lễ, hội đền Đuổm năm 2015 cho biết: Lễ, hội được tổ chức nhằm góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, niềm tự hào về lịch sử cha ông, truyền thống Anh hùng địa phương và đáp ứng nhu cầu sinhh hoạt tinh thần của nhân dân. Hoạt động Lễ, hội bảo đảm chuẩn mực nghi lễ, thực hiện được đầy đủ tinh thần của một lễ, hội truyền thống, các hoạt động của Lễ, hội bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, lành mạnh.