Giữ gìn bản sắc văn hóa trong hội nhập

09:01, 23/02/2015

Những con sư tử đá, những chiếc đèn đá và nhiều hiện vật ngoại lai đang dần được đưa khỏi các di tích. Mặc dù không ít nơi vẫn lúng túng trong việc xử lý những hiện vật này, nhưng đây là cơ hội để những người làm di sản và mỗi người dân có thể hiểu và nhận thức đúng hơn về bản sắc văn hóa dân tộc trong sự giao lưu với các nền văn hóa trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay.

Cơ hội trở về đúng bản sắc Việt

 

Chúng tôi gặp nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ (xưởng điêu khắc Liên Vũ, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khi đôi nghê Việt của anh vừa được đưa vào đình làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) để thay thế cho những con sư tử đá theo kiểu nước ngoài. Đôi nghê đưa vào đình Trạch Xá làm bằng đá nhân tạo được anh chế tác theo nguyên mẫu nghê gỗ ở đền thờ Vua Lê Thánh Tông (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), niên đại thế kỷ XVII.

 

Kích thước nghê khá lớn, cao 118 cm, nhỉnh hơn một chút so với bản gốc. Đây là loại "khuyển nghê", tức con nghê được lấy nguyên mẫu từ con chó. Nhà điêu khắc chia sẻ: "Từ khi được biết ngành văn hóa đưa ra khuyến cáo không sử dụng linh vật ngoại lai trong di tích, chúng tôi đang nỗ lực để đưa các linh vật mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mỹ thuật Việt trở lại di tích nói riêng và đến với công chúng nói chung".

 

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ là người đầu tiên chế tác các mẫu nghê sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Công văn số 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

 

Ngay từ thời đi học tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, Nguyễn Văn Vũ đã được biết đến vẻ đẹp của những con nghê Việt qua những bài giảng, qua những chuyến đi thực tế. Nhưng sau đó, cuộc sống cuốn đi, chính anh từng "trót" làm một số mẫu sư tử đá kiểu nước ngoài phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Đến khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra khuyến cáo, rồi cuộc trưng bày chuyên đề về linh vật Việt Nam tại Bảo tàng Mỹ thuật (tháng 11-2014), Nguyễn Văn Vũ mới "giật mình" nhận ra. Những linh vật Việt là cả một kho tàng giá trị về tạo hình điêu khắc, vừa mang những ý nghĩa và triết lý nhân sinh, gần gũi. Nghê Việt khi thì được lấy cảm hứng từ nguyên mẫu con chó - một loài vật trung thành, gần gũi với con người (khuyển nghê, cũng là loại phổ biến nhất), khi thì được sáng tác từ nguyên mẫu con sư tử (sư nghê), có khi lại lấy cảm hứng từ trang trí hình tượng rồng (long nghê). Điểm nổi bật của nghê Việt là gần gũi, ấm áp, thân thiện mà vẫn tiềm tàng sức mạnh.

 

Ngay lập tức, Nguyễn Văn Vũ lao vào nghiên cứu. Tranh thủ thông tin trên mạng in-tơ-nét, đi thực tế tìm hiểu, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu mỹ thuật... Nhìn trên tranh ảnh là một chuyện, bắt tay vào phục dựng là chuyện khác. Phần lớn nguyên mẫu nghê ở các di tích đều bị hư hại. Con sứt đầu, con mẻ tai, con cụt đuôi... Mẫu nghê ở đền thờ Vua Lê Thánh Tông là một thí dụ. Mặc dù Bảo tàng Mỹ thuật có phiên bản, nhưng khi vào đến tận ngôi đền, anh thấy phiên bản đó không đạt. Bản gốc bị hỏng ở phần đuôi.

 

Phải mất đúng hai tháng trời vừa nghiên cứu, vừa xin ý kiến các nhà chuyên môn, anh mới hoàn thành được phác thảo bằng đất. Sau đó, anh chuyển thể sang mẫu thạch cao, rồi đúc bằng đá nhân tạo. "Công văn khuyến cáo về sử dụng linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam trong di tích do ngành văn hóa ban hành tháng 8-2014 là muộn.

 

Tuy nhiên, tôi luôn coi đây là cơ hội. Cơ hội để nhận ra mình đang ở đâu, mình được và mất cái gì trong giao lưu văn hóa những năm qua. Từ đó mình có hướng khắc phục, tìm lại và khẳng định lại những giá trị của văn hóa Việt", Nguyễn Văn Vũ tâm sự. Những ngày này, Nguyễn Văn Vũ đang chuẩn bị hoàn thành thêm hai mẫu nghê nữa. Trong đó có một mẫu "long nghê" rất đẹp, được người xưa tạo tác với cảm hứng từ con rồng. Nguyễn Văn Vũ dự định sẽ phục dựng tất cả các mẫu nghê đẹp qua các thời kỳ lịch sử.

 

Có thể sẽ mất ít nhất vài năm. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng với anh là làm thế nào để phổ biến hình ảnh con nghê vốn rất thân thương, gần gũi với người Việt được trở lại các di tích, được đi vào trong các công trình kiến trúc, văn hóa của người Việt hôm nay.

 

Bài học về hội nhập văn hóa

 

Ngoài đôi nghê tại đình Trạch Xá, Nguyễn Văn Vũ còn là tác giả của đôi nghê tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, Hà Nội). Anh cũng đang nhận được một số đơn đặt hàng khác. Không chỉ trong di tích, đã có doanh nhân mua nghê để đặt tại trụ sở công ty mình. Một số làng nghề điêu khắc đá như Ninh Vân (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), làng Nhồi (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa)..., thay vì "trưng" ra những con sư tử dữ tợn đã bắt đầu xuất hiện những mẫu nghê cổ truyền. Nghê Việt đang tìm đường trở về. Dẫu vậy, vẫn còn lắm gian nan. Nguyễn Văn Vũ kể rằng, khi vận chuyển đôi nghê về làng Trạch Xá, nhiều người dân xì xào, bàn tán, không biết đây là linh vật của nước nào.

 

Không chỉ công chúng, không ít nhà điêu khắc và cả giới nghệ nhân ở các làng chạm khắc mỹ nghệ suýt nữa đã "quên" những linh vật mang đậm bản sắc Việt như con nghê, con sấu... Đó chính là một "lỗ hổng" không dễ lấp đầy...

 

"Truy" về căn nguyên của câu chuyện linh vật Việt - linh vật ngoại lai, Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho rằng, bản chất của câu chuyện nêu trên chính là một trong những mặt trái của quá trình giao lưu văn hóa, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.

 

Trong thế giới đa chiều hiện nay, không một quốc gia, một nền văn hóa nào có thể "từ chối" hội nhập. Trong quá trình đó, những yếu tố văn hóa bên ngoài di thực vào Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi nó xâm lấn vào không gian văn hóa tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đó lại là một sự bất thường. Bởi lẽ, chúng xa lạ với văn hóa Việt cả về giá trị thẩm mỹ (sư tử ngoại lai có cơ bắp cuồn cuộn, biểu lộ sự áp chế) lẫn ý nghĩa tâm linh (trong một số nền văn hóa, sư tử dùng để canh mộ). Hiện giờ, ngành văn hóa tại nhiều địa phương đang đẩy mạnh việc "dọn dẹp" sư tử kiểu nước ngoài không phù hợp cũng như một số linh vật khác.

 

Song, đó mới chỉ là phần "ngọn". Biểu tượng văn hóa, tâm linh không chỉ có sư tử đá, mà còn có nhiều biểu tượng khác. Nếu không có những biện pháp lâu dài, khi "đuổi" xong sư tử đá, rất có thể ta lại "rước" những linh vật ngoại lai khác về. "Để linh vật Việt tiếp tục có đời sống của nó trong dòng chảy lịch sử văn hóa của người Việt, cần có những cách thức cụ thể trong việc giáo dục lịch sử, giáo dục văn hóa truyền thống. Nhiệm vụ này từ trước tới nay, tuy được chú ý trong nhà trường, nhưng lại không có hiệu quả. Muốn học sinh yêu văn hóa truyền thống thì cần giảng dạy cụ thể", Tiến sĩ Trần Trọng Dương khẳng định.

 

Ở phương diện ứng dụng, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật cho rằng, hình tượng nghê rất đẹp, nhất là trạng thái biểu cảm luôn vui vẻ. Trước đây, nghê được cha ông ta ứng dụng khá đa dạng, từ sử dụng làm chậu cảnh, đèn, cho đến trang trí thành bậc...

 

Ngày nay, ta hoàn toàn có thể đưa nghê hòa nhập đời sống, qua những sản phẩm như đôi nghê làm hộp đựng danh thiếp, làm chặn giấy... Đây chính là những con đường để con nghê đi vào đời sống. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ đang ấp ủ một dự định lớn lao hơn để đưa nghê Việt trở về: "Tôi mong muốn nghê Việt không chỉ biết "đứng" trong di tích. Nhưng các công trình kiến trúc thời hiện đại thường có hình khối cứng và khỏe khoắn, những đường nét đơn giản, còn tạo hình nghê cổ truyền đi vào các đường nét tỉ mỉ, tinh tế, cầu kỳ. Đưa nghê cổ vào công trình hiện đại không chắc đã phù hợp. Tôi đang làm những phác thảo đầu tiên, về hình tượng nghê thời hiện đại, trên nền tảng của truyền thống để phù hợp với kiến trúc hôm nay".

 

Công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến cáo về sử dụng linh vật, hiện vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây không ít khó khăn cho các làng nghề điêu khắc. Nhưng đó chính là cái giá phải trả khi chạy theo xu hướng của thị trường, mà quên đi sợi dây văn hóa nội sinh. May mắn, vẫn còn đó những tấm lòng tâm huyết, để ta hy vọng sự sống dậy mạnh mẽ của những biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong đó, câu chuyện về di dời sư tử ngoại và tìm lại hình tượng nghê Việt là một bài học trên hành trình hội nhập.