Hồn nhiên trước mùa xuân

19:37, 19/02/2015

Xa gần, người người đã biết nhiều về hơn 100 pho tượng đất nổi tiếng ở chùa Nôm, làng Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Làng cổ này, với những di tích “quá đỗi quý hóa” còn lại, chùa Nôm, đình làng, cầu đá, chợ cũ, các nhà cổ, từ đường… đan xen những bóng cây râm mát thanh bình, mấy năm qua đã trở thành điểm đến của thập phương.

Được tạo tác mộc mạc, dung dị như nét mặt, như đời người nông dân, mấy trăm năm tượng vẫn bình lặng, thân thuộc trong ngôi chùa cổ. Mưa gió những thế hệ người, có kỳ ngập lụt bùn bám đầy mà nay nước sơn ngoài tượng vẫn đằm thắm. Hôm về chơi, thầy trụ trì Thích Đồng Huệ cho tôi biết thêm một phong tục của người làng, gắn liền với ngôi chùa, nghe rất lạ: Tục bói tượng!

 

Đầu xuân ngày trước, bà con ra dâng nhang lễ Phật, hay khách xa gần về hành hương, vãn cảnh, ai có mong muốn sẽ được tham dự. “Lưng chùa” có hai cửa nhỏ, đăng đối ở phía hai bên gian thờ Mẫu. Cửa dẫn thẳng vào hai hành lang chạy dài thành hai cạnh của ngôi chùa cũ hình chữ nhật, sẽ gặp nhau ở cửa chính, nơi mở vào chính điện. Các pho tượng đứng, ngồi, thiền định, cười tươi hay trang nghiêm dọc theo hành lang và phân bố trên các ban thờ ở chính điện. Vậy là từ “lưng chùa”, nam giới vào cửa bên trái, nữ giới vào cửa bên phải, hãy bước đi, cứ số tuổi mình năm đó mà đếm tượng. Đến pho tượng có số thứ tự bằng với tuổi mình thì dừng lại. Đứa ấu nhi thì chắc chỉ “loanh quanh” với hàng la hán bên này. Các cụ già có khi lại “phiêu” sang dãy la hán bên kia. Thanh niên chắc dừng ở mấy pho kim cương, hộ pháp. Trung niên thì có khi gặp… thập điện diêm vương! Nhà chùa có cuốn sách cổ, xem trong đó sẽ biết rằng, ứng với pho tượng mình vừa dừng lại ấy thì năm đó chuyện lành, dữ, tốt, xấu sẽ thế nào, để mà phòng, tránh, mà giữ gìn, sửa mình từ lời ăn tiếng nói sửa đi…

 

Có lẽ cũng là điều huyễn tưởng hồn hậu trong ý muốn người xưa, tự dựng ra để đời sống quê mùa thêm phần lung linh, có thêm điều để ngẫm ngợi mà hướng tới gieo nhân lành thiện. Chỉ tiếc là tục ấy lâu rồi không còn nữa, bởi tượng thì vẫn đấy, mà cuốn sách cổ của chùa đã đi đâu...

 

Thầy Huệ bảo, hồi sư cụ trụ trì trước, có mấy sư thầy ở chùa nào người ta mượn xem. Mượn rồi thì không thấy gửi lại. Đã đánh tiếng cũng không thấy đem về. Lâu lâu rồi thì bẵng đi, những công lên việc xuống khác nó che mờ dần. Giờ đôi khi nghĩ lại cũng thấy… phí! Không phải vì mất đi một phương tiện để thực hiện việc bói tượng nửa hư nửa thực ấy nữa. Nhưng thế là mất mất một tư liệu quý, cho biết rõ hơn về một phong tục, một nếp sinh hoạt văn hóa gắn liền với di sản chùa Nôm. Mà cái nếp ấy, lại càng chứng cho sự gần gũi, hòa đồng vừa lạ kỳ, vừa mộc mạc của nhà chùa trong chốn thôn dã.

 

Cũng giống như cái tên làng Nôm gắn với một số câu ca dao, mà khi đọc lên, nhắc đến, người ta thấy hồn vía không gian cổ kính nơi này càng sống động: “Cái Bống đi chợ cầu Nôm/Sao mày không rủ cái Tôm đi cùng/Cái Tôm nổi giận đùng đùng/Nó ra ngoài biển lấy chồng lái buôn”.

 

Một câu khác nghe lại “ghê ghê”: “Đồng nát thời về cầu Nôm/Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Câu này trong chèo “Quan Âm Thị Kính”, là của Sùng bà đuổi Thị Kính vào cái đêm oan nghiệt cắt râu cho chồng nhưng bị tưởng lầm có mưu gian sát phu.

 

Chuyện vui, chuyện hóm, chuyện buồn thương, xót xa, từ cõi văn hóa dân gian muôn sắc màu kỳ ảo, hóa ra cứ sóng đôi nhau mà đi trong tâm trí người ta lâu dài. Những điều ấy sẽ góp phần kết nối lòng người vào sự ngưỡng vọng và thân thuộc với những huyền tích, biểu tượng đã gắn liền với phong tục, tập quán đã “ăn đời ở kiếp” cùng người.

 

Anh bạn quê ở xứ Đoài kể, làng anh vẫn còn hai “ông” chó đá. Một “ông” to ngồi ngoài cổng đầu làng, “ông” nhỏ “canh” cuối làng. Hai “ông” ở lâu với làng qua bao thăng trầm, loạn lạc, khổ sở, sung túc. Nay vẫn được người làng yêu kính lắm! Ngày Tết hay dịp lễ trọng trong năm, người ta vẫn bày mâm lễ vật dâng chó đá, đặt xuống trước mặt, lại đeo cả vòng hoa lên cổ hai “ông”. Trông rất… “xinh”! Tôi nghĩ khác với tượng rồng đá, sư tử đá ở thềm đình, chùa, từ “ngộ nghĩnh”, “xinh xắn”… có thể dùng cho chó đá được. Bảo sao hồi bé Tết về quê, đi qua cổng một gian thờ nào đó hay đi chúc Tết, đứng trong những sân nhà cũ, tôi thích chỉ tay, thích xem, thích chạm vào những tượng chó đá to, tạo hình rõ nét, hoặc đơn giản là khối đá nhỏ đẽo mô phỏng hình dáng.

 

Mỗi lần như thế, mẹ tôi lại hét ầm lên, kéo giật đứa con bắng nhắng lại như sắp phạm phải một tội tày đình! Bây giờ tôi vẫn cứ nghĩ cái gì không có vẻ làm cho mình sợ thì đừng phải sợ. Giống như mấy người già làng Nôm, còn nhớ nguyên ngày xưa leo trèo, vặt trộm nhãn ở đầu hồi nhà chùa. Sư cụ của cái thuở ấy biết, chỉ gõ gõ cho “nó” tụt xuống, chứ ra đuổi, “chúng nó” hoảng, ngã xuống thì hết chuyện! Mạng người lại không bằng quả nhãn à! Lần khác, trẻ làng vẫn rủ nhau… đột nhập, vì nhãn chùa thích hơn nên chẳng thấy sợ hay phải kiêng kỵ như… người lớn.

 

Mà người lớn cũng có những khi rất hồn nhiên, miễn là chân thành, nghiêm túc, thì bước vào chốn thần quyền, không có gì phải “lấm lét”. Tôi đã nghe các liền anh, liền chị làng Tiêu Long, xã Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh hát bài “Vào chùa” ở đình làng trong ngày hội xuân. Đội quan họ giữ nếp lễ đình trước khi ra hát. Trang phục quan họ chỉnh tề, mọi người thắp hương, trong khói trầm thơm đứng dàn hàng phía trước ban thờ, hát dõng dạc, chỗ nào có chữ “chùa” thì chỉ cần thay bằng “đình” thôi. Thế nên ở đình vẫn có thể: “Vào đình mượn chiếu đình ra em ngồi…/Vào đình mượn đĩa đình ra têm trầu…”. Thật tự nhiên, thật tươi tắn! Nhiều làng khác cũng thế.

 

Các làng quan họ hay có tục đón bạn về chơi, đón quan họ về ca ngày Tết, ngày hội xuân. Hội quanh ba tháng xuân, dày nhất là từ mùng Bốn Tết cho đến đầu tháng Hai âm lịch. Cho nên đi đâu cũng thấy tiếng hát vẳng ra từ nhiều ngôi nhà, như mời gọi, níu giữ. Chúng tôi hay về nhà nghệ nhân Nguyễn Năng Địch ở sâu trong những ngõ nhỏ, lối đi gạch xếp xiên xiên xương cá làng Lim, thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh. Hội làng, nhà bác phải dăm mâm. Bạn của bố mẹ, bạn của các con, rồi ông em, bà chị trong làng sang, thằng cháu trên thành phố Bắc Ninh xuống, thêm các bạn quan họ nữa... Chúc tụng mải miết, hát ca mải miết và đầm ấm trong một đại gia đình có truyền thống nâng niu quan họ. Nếu đi ngang nhà ai đó nghe hát hay quá, muốn “xin” vào nghe “nhờ”. Gia chủ niềm nở đón chào, mời mọc trà nước, chè lam, kẹo lạc, bánh bỏng…, rồi mời nghe hát, thật thân tình. Thêm khách, thêm bạn là thêm niềm vui, thêm sự sung túc.

 

Tôi đã lại nghe tiếng gió mới, tiếng chuông khánh reo, tiếng nước lá mùi về thơm ngoài cửa. Và những đường chồi non đang mở ra đâu đó phương trời đã quen hay còn lạ, để gọi người đi hạnh ngộ mùa xuân khấp khởi lên đường…