Trước đây, Hát sắc bùa có từ Nam chí Bắc, song hiện nay, loại hình nghệ thuật diễn xướng này lại có nguy cơ mai một. Vì vậy, từ năm 1998, trên cơ sở gợi ý của các nhà nghiên cứu văn hóa về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Bảo tồn văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”, ông Lư Văn Hội, Giám đốc Bảo tàng Bến Tre đã đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre ghi nhận, bảo tồn hình thức diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ.
Khôi phục Hát sắc bùa
“Tranh thủ các nghệ nhân hát sắc bùa còn sống cần ghi lại loại hình này, nếu không khi họ mất đi thì loại hình văn hóa này cũng không còn nữa" - Giám đốc Bảo tàng Bến Tre Lư Văn Hội cho biết.
Năm 2010, khi Bến Tre thành lập Hội Di sản văn hóa, Hát sắc bùa Phú Lễ đã thực sự được khôi phục. Ông Hội đã đi tìm nghệ nhân để được truyền lại cách hát. Năm 2010, một đội hát sắc bùa tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm được thành lập với 4 thành viên. Đội hát thường xuyên tập luyện và giao lưu với các câu lạc bộ khác trong tỉnh. Dần dần, Hát sắc bùa được các hội viên Hội Di sản Bến Tre đưa nghệ thuật này vào hát trong những đợt “Giao lưu đờn ca tài tử” của hội.
Hiện nay, ở các địa phương khu vực miền Nam, Hát sắc bùa chỉ có ở Bến Tre. Ở tỉnh Bến Tre có 5 đội Hát sắc bùa, trong đó có một đội Hát sắc bùa của học sinh xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Tại Bến Tre, khác với hát đờn ca tài tử, hát sắc bùa chỉ phổ biến ở một vài địa phương như Phú Lễ, Phú Ngãi, Phước Tuy, An Đức…của huyện Ba Tri và xã Tân Thanh, Phong Nẫm của huyện Giồng Trôm. Trong đó, xã Phú Lễ được xem là cái nôi của hát sắc bùa Bến Tre. Bởi trong những thập niên trước, ở đây từng có nhiều đội hát sắc bùa với quy mô lớn và trình độ diễn xướng cao.
Ông Lư Văn Hội, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre cho biết: Hát sắc bùa ra đời vào cuối thế kỷ 19, bắt đầu từ xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Lúc đó, ông Trần Văn Hậu, người Bình Định, lấy vợ quê ở Bến Tre, thấy điệu hát sắc bùa hay mới đem dạy cho người dân Phú Lễ. Sau đó, hát sắc bùa trở nên phổ biến, lan truyền qua các xã lân cận khác trong huyện nên ở Bến Tre người ta gọi là “Hát sắc bùa Phú Lễ”.
Hát sắc bùa đòi hỏi người hát phải đam mê, nhiệt tình và tinh thần tự nguyện cao, phải truyền đạt được âm điệu bài hát cho người nghe. Ông Nguyễn Văn Chấn - Đội trưởng đội hát sắc bùa xã Phong Nẫm bày tỏ: “Mỗi khi được nghe các âm hưởng lời ca, tôi quên đi những nhọc nhằn trong công việc và những bộn bề cuộc sống. Tối nào, tôi cũng tập nhuần nhuyễn các điệu nhạc, góp phần giữ lại tài sản quý mà ông cha để lại. Tôi mong muốn được truyền lại cho các thế hệ sau”.
Ngày xưa, Hát sắc bùa là hát trong ngày xuân, hát cho những gia đình có nhu cầu với ý nghĩa là ém quỷ trừ tà, cầu cho gia đạo bình yên và hát góp vui. Bây giờ nhu cầu này không còn nữa nhưng hát sắc bùa cần được phục hồi, đáp ứng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống xã hội; đồng thời trình diễn trên sân khấu để giới thiệu đến du khách, các nhà nghiên cứu văn hóa.
Ở Bến Tre, hiện nay có 6 hình thức diễn xướng dân gian: Hát sắc bùa, Nói theo Vân Tiên, Nói vè, Hát đưa em, Hát lý, Hò. Trong đó, Hát sắc bùa được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đánh giá cao.
Độc đáo nghệ thuật diễn xướng Hát sắc bùa
Mỗi khi Tết đến xuân về, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, người dân Bến Tre lại tưng bừng đón năm mới. Bên cạnh việc chuẩn bị bánh trái, thịt, hoa quả, người dân còn tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ như: hội chợ hoa xuân, nghe đờn ca tài tử và hát sắc bùa. Ở nhiều làng quê Bến Tre, hình ảnh đội sắc bùa ngày Tết với bộ đồ bà ba đem theo trống cơm, sanh tiền, sanh cái, đàn cò đi chúc Tết khắp làng trên xóm dưới đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với người dân Xứ dừa.
Vì vậy, dân gian mới có câu ca:
“Sắc bùa là sắc âu
Mong cho năm mới ăn xôi với chè
Sắc bùa là sắc bùa hòe
Mong cho năm mới ăn chè với xôi”
Cũng như hát sắc bùa ở các tỉnh, thành khác, hát sắc bùa Phú Lễ là loại hình sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian mang tính quần chúng rõ nét. Chính quần chúng nhân dân là đối tượng đã nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho hát sắc bùa phát triển.
Các nhà nghiên cứu sau khi so sánh những yếu tố giữa hát sắc bùa Phú Lễ với hát sắc bùa ở một số địa phương khác như: Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh...; đồng thời đối chiếu với hàng loạt gia phả của các gia đình, dòng họ đang sinh sống ở Bến Tre đã đi đến kết luận rằng: Hát sắc bùa ở Bến Tre có rất nhiều yếu tố đồng nhất với hát sắc bùa Trung Trung Bộ về các phương diện như: mục đích cuộc hát, biên chế nhạc cụ, hệ thống tiết mục, làn điệu, bố cục…
Hát sắc bùa là hình thức diễn xướng tập thể, đội hát sắc bùa ở Bến Tre thường có từ 4 – 6 nghệ nhân, có khi lên đến 8, nhưng không được dưới 4 nghệ nhân. Dưới sự điều khiển của ông đội trưởng, mỗi nghệ nhân vừa là diễn viên, vừa là nhạc công. Có một người hát chính gọi là “hát kể” (cái kể), những người hát còn lại hát phụ gọi là “con xô”. Cái kể hát trước, mỗi người còn lại trong đội hát một câu so le, câu kế cả đội cùng hát. Trong một đội hát sắc bùa ở Bến Tre, thành viên chủ yếu luôn là nam giới. Theo giải thích của các nghệ nhân thì hát sắc bùa là loại hình sinh hoạt không kể ngày đêm nên không tiện để phụ nữ tham gia.
Hát sắc bùa chỉ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán và diễn cho những gia đình có nhu cầu. Thời gian diễn ra hát sắc bùa từ giữa đêm 30 tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng. Nội dung là những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới như chúc gia chủ nhiều tài lộc, gặp nhiều may mắn trong công việc làm ăn, con cháu hòa thuận và thành đạt.
Mỗi buổi hát sắc bùa được chia ra làm hai phần: phần mang tính nghi lễ và phần hát góp vui. Phần mang tính nghi lễ bắt đầu thực hiện từ ngoài cửa rào, trước cửa rào, trước bàn thờ gia tiên dán bùa yểm quỷ, trừ tà trên các cửa nhà trình tự các bài: mở cửa rào, mở ngõ, khai môn,…
Nhạc cụ hát sắc bùa gồm hai sanh tiền, hai sanh cái và một đàn cò, một trống cơm. Trong các nhạc cụ kể trên, nghệ nhân trống cơm thường giữ nhịp và hát bắt cái (còn gọi là cái kể) vừa giữ vai trò đội trưởng đội hát sắc bùa.
Trước đây, vào ngày xuân ai cũng thích đội hát sắc bùa vào nhà mình để trấn áp ma quỷ và đem đến sự an lành cho gia chủ. Sau những bài hát mang tính nghi lễ, toàn bộ cả đội đến bộ ván như là sân lễ để hát góp vui. Phần hát góp vui được thực hiện với hai nội dung đan xen gồm các bài có nội dung chúc tụng gia chủ và các thành viên trong gia đình năm mới làm ăn phát đạt, thành đạt trong mọi lĩnh vực. Ngoài những bài chúc tụng là những bài lý, bài vè hát góp vui theo yêu cầu của gia chủ và theo yêu cầu của khách du xuân. Kết thúc phần hát góp vui là bài giã từ./.