Làng trong sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên

06:46, 28/02/2015

Ngày nay, đặc trưng làng ở Tây Nguyên đã biến đổi theo chiều hướng mới. Việc xác định đúng vai trò của làng ở Tây Nguyên đối với sự phát triển bền vững là một hướng đi đúng, phù hợp chủ trương của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, song song với phát triển văn hóa hiện nay.

Mai một tính cộng đồng


Làng ở Tây Nguyên thường được tạo thành bởi sự cộng cư, liên kết của các gia đình cùng huyết thống và các dòng họ khác nhau. Trước khi lập làng, ngoài kinh nghiệm về địa lý người Tây Nguyên thường tuân theo một sự linh ứng nào đó. Nội lực của làng được xác định qua ngôi nhà rông (sang drông) đối với dân tộc BaNa, Xơ Ðăng, Xtiêng... hay nhà dài của khua buôn, kranh bon (làng trưởng) đối với cộng đồng Ê Ðê, Gia Rai, Cơ Ho... Sự xuất hiện của làng Tây Nguyên không chỉ vì nhu cầu cư trú mà còn thể hiện tri thức bản địa, vũ trụ quan và đời sống tâm linh của họ.



Làng Tây Nguyên là một tổ chức xã hội truyền thống, được hình thành, phát triển gắn với vai trò của khua buôn (trưởng buôn) và Hội đồng làng trên cơ sở của luật tục. Làng được xác định về mặt lãnh thổ và mang tính tự quản rất cao, được xem là tài sản chung, cộng đồng có nghĩa vụ bảo vệ và được hưởng các quyền lợi như nhau, được các làng lân cận công nhận và thừa nhận, trở thành "không gian xã hội" bất khả xâm phạm. Hoạt động kinh tế, văn hóa, hành vi, đạo đức cá nhân và cộng đồng làng được thực thi tự nguyện và được giám sát chặt chẽ, thường xuyên bằng luật tục.



Hiện nay, mô hình làng tự quản theo luật tục ở Tây Nguyên gần như bị phá vỡ, kiểu làng sống thuần nhất còn tồn tại rất ít ở các vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn. Những vùng đất thuận lợi xuất hiện kiểu làng sống đan xen, cộng cư giữa các dân tộc di cư và nhóm dân tộc tại chỗ. Một số làng đan xen, cộng cư tạo ra sự đa dạng văn hóa, phần nào đồng hóa văn hóa, khó nhận diện tính đặc trưng văn hóa của từng dân tộc, làm giảm sút giá trị văn hóa truyền thống. Hiện nay, ở Tây Nguyên có ba kiểu làng: Làng thuần nhất của cộng đồng Tây Nguyên; Làng sống đan xen giữa cộng đồng tại chỗ và cộng đồng di cư; Làng của cộng đồng thiểu số di cư và làng của người Kinh. Với ba mô hình nói trên, làng vận hành theo thiết chế chung của chính quyền. Các "trưởng thôn kiểu mới" thay thế vai trò của khua buôn ở các làng cộng đồng Tây Nguyên với tỷ lệ khá cao. Sự kế thừa đứt đoạn trong việc sử dụng "khua buôn" phần nào làm giảm sút tính tự quản, tính cộng đồng của làng. Như một quy luật, sự liên kết giữa các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng dần trở nên lỏng lẻo, tách rời. Ðặc biệt, vai trò của buôn trưởng, hội đồng làng theo kiểu truyền thống chưa được kế thừa trong quản lý, phát triển chính quyền cấp cơ sở tại các thôn buôn có người Tây Nguyên. Nhà rông, nhà dài của buôn trưởng trở thành "nhà văn hóa mới". Công năng, vai trò và ý nghĩa tâm linh của chúng từng ngày bị tách khỏi vai trò của cộng đồng. Xu hướng "mạnh ai nấy lo" đã xuất hiện, tiềm ẩn nguy cơ chủ nghĩa cá nhân và làm mai một giá trị văn hóa truyền thống của làng ở Tây Nguyên.



Làng gắn với môi trường tự nhiên, không gian tâm linh



Từ việc đi tìm vùng đất mới để lập làng tương ứng với việc xác định vùng lãnh thổ, kể cả việc xác định vùng đất rừng sản xuất nông nghiệp, cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã có ý thức khá sớm trong việc lựa chọn các tiêu chí bền vững. Tài nguyên đất, nước, rừng là ba yếu tố cơ bản để tạo nên một môi trường xã hội thân thiện, lành mạnh và bền vững.



Bị chi phối bởi quan niệm vạn vật hữu linh, cộng đồng Tây Nguyên phân chia thế giới làm ba phần, gồm: thiên giới, trung giới và hạ giới. Thiên giới là không gian trên trời cao và trên các đỉnh đồi - không gian dành cho Ae Diê (Thượng đế) và các Yang (thần linh). Trung giới là không gian dành con người, nơi con người có thể đi lại tự do. Phần hạ giới dành cho những người quá cố và ma quỷ, thần ác. Không gian hạ giới phần cho người quá cố được phân định riêng như một xã hội thu nhỏ, con người có thể hoạt động và thể hiện nhu cầu như khi đang sống. Còn ma quỷ, thần ác có thể lưu trú dưới hạ giới hoặc trong những thung lũng sâu. Từ cơ sở phân định như vậy, làng của người Tây Nguyên được xây dựng trên những vùng đất tương đối bằng phẳng, hoặc lưng chừng đồi. Chính vì thế, làng vừa là nơi để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt thường ngày vừa thể hiện các tiêu chí về tính thẩm mỹ về kiến trúc, văn hóa, tâm linh...



Các yếu tố tự nhiên chính là điều kiện giúp con người thỏa mãn những nhu cầu đời thường. Chúng được con người thiêng hóa qua các nghi lễ tâm linh. Như vậy, làng còn là một không gian tín ngưỡng, có mối quan hệ cộng sinh với tự nhiên và được tôn trọng như một thực thể sống. Con người với tư cách là chủ thể xã hội, đã biết tiếp cận tự nhiên và biến tự nhiên thành một không gian bền vững.



Hiện nay, sự thay đổi về quyền sử dụng đất làm biến đổi môi trường sống ở Tây Nguyên. Thiên tai, hạn hán xảy ra do sự ứng xử thái quá của con người với thiên nhiên. Tính hệ lụy này không những cảnh báo về sự biến đổi khí hậu mà còn là nguyên nhân làm giảm sút tính nhân văn trong ứng xử với môi trường. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu theo kiểu truyền thống của cộng đồng làng đối với đất - rừng thay đổi theo quy định chung khiến nền tảng kinh tế của làng bị biến đổi, sức mạnh nội sinh cùng kết cấu bền vững của làng cũng bị suy giảm. "Mô hình làng kiểu mới" ở Tây Nguyên đang phải đối mặt những thách thức lớn của thời kỳ mở cửa.

 

Ðể phát triển xã hội Tây Nguyên theo hướng bền vững



Kiểu làng sống đan xen, không thuần nhất xuất hiện ngày càng nhiều ở Tây Nguyên. Sự cộng cư chưa được quy hoạch chặt chẽ đã gây xáo trộn về văn hóa, kinh tế, tín ngưỡng, nhất là đối với cộng đồng tại chỗ, sự thay đổi đột ngột về văn hóa - xã hội đã làm mờ đi tính cộng đồng, tách rời tính liên kết giữa con người với môi trường tự nhiên. Ðể phát triển xã hội Tây Nguyên theo hướng bền vững, làng Tây Nguyên phải luôn được xem là hạt nhân quan trọng. Ðể xây dựng làng Tây Nguyên theo hướng bền vững, theo chúng tôi cần có những giải pháp cơ bản sau đây:



Thứ nhất: Quy hoạch lại thiết chế làng ở Tây Nguyên một cách hệ thống theo mô hình đồng nhất từng cộng đồng dân tộc để thuận lợi cho việc quản lý và phát triển. Mô hình làng tiêu biểu cho từng cộng đồng, theo từng dân tộc gắn với môi trường văn hóa, sinh thái, môi trường tâm linh.



Thứ hai: Thực hiện cơ chế song đôi giữa luật tục với pháp luật của Nhà nước trong quản trị, điều hành và phát triển xã hội. Phối hợp nhịp nhàng vai trò của các khua buôn, hội đồng làng bên cạnh vai trò các tổ chức đoàn thể của chính quyền cơ sở. Kế thừa có chọn lọc các giá trị, vai trò, chức năng của làng truyền thống để phát huy sức mạnh vai trò làng theo mô hình nông thôn mới.



Thứ ba: Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", góp phần chăm lo sinh kế của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên thông qua các giải pháp về phát triển sinh kế, tăng cường năng lực cho cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình dân tộc. Nếu kinh tế không phát triển, đời sống đồng bào không được cải thiện, sẽ khó nói đến xây dựng đời sống văn hóa theo hướng phát triển "nông thôn mới" hiện nay.



Thứ tư: Nâng cao mặt bằng dân trí cho cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên để cung cấp nguồn nhân lực cho Tây Nguyên. Ðào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc tại chỗ nắm vững các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, có trình độ chuyên môn, có tri thức bản địa, văn hóa truyền thống để phát huy tốt vai trò quản lý, phát triển xã hội tại cấp cơ sở phù hợp, hiệu quả. Phân bố và sử dụng nguồn nhân lực ở Tây Nguyên hợp lý hơn, chú trọng nguồn nhân lực tại chỗ. Ðào tạo nghề phù hợp thực tiễn ở cấp cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội song song với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.



Thứ năm: Có cơ chế, chính sách đặc thù và các đề án về văn hóa - xã hội Tây Nguyên, để phát huy tốt vai trò của Làng văn hóa Tây Nguyên theo lộ trình "du lịch văn hóa", "du lịch sinh thái", "du lịch gia đình" theo hướng phát triển bền vững.