Mùa lễ hội

08:21, 11/02/2015

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp xuân về, mọi người lại tạm quên đi những vất vả đời thường, cùng nhau trảy hội để được để được hòa mình vào cộng đồng, cầu tài, cầu lộc, cầu bình yên cho gia đình, bản thân…

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú được quần chúng tiếp nhận và ăn sâu rất tự nhiên vào nếp nghĩ, trong sinh hoạt cộng đồng để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội thường gắn với văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, có thờ cúng, có vui chơi giải trí với những phong tục tập quán của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Những trò chơi dân gian, điệu múa, giọng hát, câu hò… được hình thành ngay từ trong cuộc sống lao động của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước. Có những lễ hội chỉ tổ chức vào mùa xuân hoặc diễn ra trong một đêm như phiên chợ Viềng (Nam Định), hoặc 2-3 ngày. Lại có những lễ hội kéo dài suốt mùa xuân như lễ hội chùa Hương (từ ngày 6 tháng giêng đến ngày 15 tháng ba âm lịch)...

 

Con người lại tìm về cội nguồn, nhớ đến tổ tiên, nhắc nhở về lịch sử và truyền thống hào hùng của dân tộc qua những hình thức của lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian. Lễ hội thường gắn với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo nơi các đình, đền, chùa, miếu thờ các vị thần, phật, các anh hùng dân tộc… Ngày đầu xuân được coi như ngày mở hội của toàn dân. Tại những địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, nhân dân náo nức du xuân, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, tham gia vào những hoạt động văn hóa lành mạnh, trò chơi dân gian hoặc tổ chức các hội thi mang màu sắc văn hóa truyền thống.

 

Tuy nhiên, hiện nay nhiều lễ hội đã bị biến tướng hoặc mở rộng quy mô thái quá, biến thành cơ hội cho một số cá nhân hay tổ chức lợi dụng. Không ít người đi trẩy hội hoàn toàn chỉ do cảm tính, ít quan tâm đến thuần phong mỹ tục, thậm chí không hề biết về ý nghĩa, lễ giáo khi đến nơi thờ tự. Ở nhiều di tích, danh thắng, việc đặt bát hương, hòm công đức la liệt, khiến khách thập phương “không biết đâu mà lần” khiến tiền lẻ rải khắp nơi. Không khó để chứng kiến cảnh du khách thập phương chen chúc, giẫm đạp lên nhau khấn vái và xin lộc... Ngay cả việc hóa vàng mã cũng đang được tiến hành một cách rất vô thức, lai căng, biến tướng đến mức khôi hài đáng báo động với các sản phẩm “thời thượng” như ô tô, xe máy, iPhone, iPad, USD… Họ quan niệm đốt càng nhiều tiền vàng mã càng có nhiều lộc.

 

Những năm qua, tại các lễ hội, ngoài một số biểu hiện mê tín dị đoan còn có nhiều hành vi vô văn hóa như xả rác bừa bãi, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nơi tôn nghiêm chưa tốt. Tại nhiều địa điểm lễ hội, không ít người lợi dụng khách hành hương để khai thác kinh doanh, buôn thần bán thánh. Mùa lễ hội ngẫu nhiên trở thành mùa làm ăn phát đạt của những người kinh doanh dịch vụ, xe cộ, thuyền bè, ăn uống, bán hàng mã, bán đồ lễ cúng… Người ta sẵn sàng “chặt chém” nhau không thương tiếc, miễn sao kiếm tiền cho đầy túi.

 

Bên cạnh đó, một bộ phận tham gia lễ hội có sự “thái quá” về niềm tin tín ngưỡng, cố chen lấn xô đẩy, tìm mọi cách để đạt mục tiêu của mình là cầu lộc, cầu tài, cầu danh... mà chưa chú trọng đến giữ gìn sự linh thiêng, tôn nghiêm và vẻ đẹp thanh tao của mỗi lễ hội; chưa hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về các địa chỉ tín ngưỡng, thờ tự. Vì thế lễ hội đang có xu hướng xa mờ dần với ý nghĩa nguyên thủy của nó.

 

Năm nào cũng vậy, vào dịp lễ hội, các cơ quan chức năng đều đôn đốc, nhắc nhở và tăng cường công tác quản lý, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền để du khách thập phương nâng cao ý thức. Song hiệu quả đến đâu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân và sự vào cuộc của cơ quan quản lý các cấp. Hiện tượng cũ, nguyên nhân cũng không mới, vấn đề là sự đồng thuận của tất cả mọi người để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua các hoạt động lễ hội truyền thống đầu xuân.

 

Theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì một năm có khoảng 7.000 lễ hội lớn nhỏ, song phần lớn các lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân. Mùa xuân, mùa của lễ hội gắn với các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo được dân gian thờ phụng, cúng viếng, tôn vinh. Đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta đang ngày càng được cách tân và cải biến nội dung, hình thức để phù hợp với tâm lý và nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong đời sống hiện đại hôm nay.