Nghệ nhân của lòng dân

10:25, 13/02/2015

Đau đáu với lời hát Sọong Cô của dân tộc mình đang dần bị mai một, ông Diệp Văn Tài, ở xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) đã không kể thời gian, vượt qua nỗi đau bệnh tật để sưu tầm, dịch từ sách Hán cổ ra lời hát Sọong Cô của người Sán Dìu và chữ quốc ngữ truyền cho con cháu.

Cùng niềm trăn trở như ông, bà Âu Thị Phàng, năm nay cũng đã bước sang tuổi 70 ở cùng xóm đi từng nhà hội viên người cao tuổi vận động, dạy họ hát những làn điệu Sọong Cô. Với những đóng góp này, họ đang được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân…

 

Đi qua Nhà văn hóa khang trang của xóm Tam Thái những ngày áp Tết, dừng chân đứng lại nghe các bà, các chị hát Sọong Cô, tập cho chương trình đón Xuân của xóm và hội làng. Ngồi quây quần dưới chiếu trong sân nhà văn hóa, bà Âu Thị Phàng và ông Diệp Văn Tài đang phổ biến một số nội dung chương trình, hướng dẫn cho các hội viên tập dượt những làn điệu mới. Tôi đứng nghe, miên man theo những điệu Sọong Cô giao duyên tình tứ, giai điệu lúc lên, xuống đều đặn. Ông Tài biết có khách, dịch lời cho chúng tôi nghe:

Lời các cụ bà:

Năm mới đến, năm cũ qua/Cành đào, cành mận nở hoa khoe màu/Hai người xin hỏi một câu/Mùa xuân còn có hoa nào nở không?

Các cụ ông đối đáp giản dị, thông minh:

Mùa xuân hoa cỏ đầy bờ/Trâu ăn no đủ, lặc lờ cày chiêm/Bản làng phú quý, bình yên/Thóc nhiều đem bán lấy tiền mà tiêu.

 

Từ nhỏ, ông Tài, bà Phàng đã theo các anh chị trong làng đi hát ở nhiều nơi, vì vậy những lời Sọong Cô đã ngấm vào máu thịt. Yêu và gắn bó với Sọong Cô nên ông Diệp Văn Tài, bà Âu Thị Phàng nói về Sọong Cô như nói về những đứa con đẻ của mình. Ông Tài bảo: Hát Sọong Cô có 3 làn điệu chính Ếnh mói (hát ru), Tông bênh (hát giao duyên), đồng dao (dành cho thiếu niên, nhi đồng). Trong đó, lối hát giao duyên, đối đáp thông minh của nam thanh nữ tú, của các cụ già, hát vào nhà mới, hát đám cưới hay khi trên nương được nhiều người yêu mến và có số lời ca lớn nhất.

 

Năm 1965, ông Tài lên đường đi bộ đội, thực hiện nhiệm vụ tại ATK Chợ Đồn và sau này là xây dựng khu K9, Đá Chông (Hà Tây cũ). Trở về quê mang trong mình vết thương, ông được công nhận là thương binh hạng 4/4, công tác tại UBND huyện Đồng Hỷ. Sau khi nghỉ hưu, ông được mời ra cộng tác việc dịch và cung cấp các tư liệu về di tích lịch sử chùa Hang. Cũng trong thời điểm này, ông Tài tìm được nhiều tư liệu quý về hát Sọong Cô, khắc khoải nhớ về thời tuổi trẻ, ông muốn sẽ làm một điều gì đó để loại hình văn hóa này của dân tộc mình không bị lãng quên. Nghĩ là làm, ông đã vận động ông Lê Duy Sinh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi, già làng Lê Minh Thịnh của xóm Tam Thái cùng tham gia công việc sưu tầm sách cổ, vận động mọi người, cùng học hát những điệu Sọong Cô cơ bản. Trên cơ sở tiếng Sán Dìu, ông Tài lại dịch ra tiếng phổ thông để quảng bá sâu rộng hơn đến người dân trong vùng. Vốn chữ Hán không nhiều nên để có thể dịch được đúng nghĩa, ông Tài rong ruổi đạp xe đi khắp nơi, từ trong làng đến sang xã Nam Hòa, Trại Cau, Minh Lập (Đồng Hỷ) gặp các thầy mo, thầy cúng như thầy Diệp Nguyệt (Nam Hòa), Tô Thái (Minh Lập) nhờ phiên nghĩa từ chữ Hán sang chữ Sán Dìu. Trở về, ông lại cặm cụi phiên sang chữ phổ thông. Các bài hát Sọong Cô theo thể thơ thất ngôn (7 chữ), nhưng để dễ nhớ, dễ thuộc, ông Tài đều lựa chọn dịch theo thể lục bát.

 

Nhớ lại lần đầu chúng tôi đến nhà ông Diệp Văn Tài vào buổi chiều cuối tháng 11 âm lịch. Hôm ấy mưa, rét lắm, nhiệt độ ngoài trời có lẽ dưới 10 độ. Bước vào nhà, chúng tôi thấy ông đang ngồi cặm cụi bên mấy cuốn sách cổ, thỉnh thoảng, tiếng ho cất lên từng hồi. Mải miết dịch, đọc thử, hát lên giai điệu cho bà xã là Trần Thị Loan nghe, đôi mắt ông ngời sáng. Ngoài những cuốn sách cổ, có cuốn rách, màu úa thời gian, chúng tôi thấy từng quyển sổ được ông chép tay cẩn thận lời hát, dịch thơ sang chữ phổ thông. Ông kể, lời Sọong Cô, ông bắt đầu chuyên tâm cho công việc nghiên cứu, dịch sang chữ Sán Dìu từ hơn 4 năm nay. Với mong muốn lưu giữ những điệu Sọong Cô, ông cùng bà Âu Thị Phàng và một số người cao tuổi xúc tiến thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Sọong Cô xóm Tam Thái từ năm 2011 do ông làm Chủ nhiệm, bà Phàng là Phó Chủ nhiệm. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay CLB đã thu hút được 33 người tham gia. Ông còn biểu diễn, soạn giáo án, phô tô cho các hội viên những bài hát ông sưu tầm, dịch được để họ thực hành trong các buổi sinh hoạt, đạo diễn các chương trình giao lưu với CLB hát Sọong Cô trong huyện, tỉnh và các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc. Mặc dù sức khỏe hạn chế nhưng có thời gian rỗi, đỡ bệnh là ông lại tiếp tục công việc của mình. Bà Trần Thị Loan, vợ ông kể: Có lần nằm viện hàng tuần, ông còn mang theo sách cổ vào viện để đọc và dịch.

 

Với bà Phàng, trước và sau khi CLB hát Sọong Cô được thành lập, bà phải đi từng nhà vận động các hội viên cao tuổi tham gia, đồng thời trực tiếp giảng dạy, sưu tầm lời cho mọi người cùng hát. Bà Phàng nhớ lại mấy năm trước, nghe, tin lời bà nói, hàng tối, các hội viên cao tuổi tập trung ở sân nhà văn hóa, để bà dạy cách lấy giọng, hơi, ôn điệu Sọong Cô. Nhìn các hội viên nhiệt tình tập hát, bà Phàng ưng cái bụng lắm, trong đầu nghĩ, phải cùng ông Tài sưu tầm nhiều bài hơn để không chỉ hát cho nhau nghe mà còn tự tin đi giao lưu ở trong, ngoài vùng. Tính ra, đến nay bà Phàng đã dạy 20 người biết hát Sọong Cô, trong đó có cả các chị phụ nữ trẻ. Giọng bà Phàng cao, trong lắm, ai nghe cũng thích. Dần dần, 33 hội viên trong CLB đều có thể thuộc, hát đều giọng những điệu cơ bản như trong đám cưới, lên nhà mới hay liên hoan văn nghệ của xóm, xã. Bà Phàng nói giản dị: Sọong Cô hay lắm, có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người dân tộc Sán Dìu, nếu để nó mất đi thì tiếc lắm. Vì thế, từ trước đến nay, tôi nghĩ mình hát và dạy cho mọi người vừa để thỏa niềm ham thích văn nghệ của bản thân, vừa để điệu Sọong Cô không bị mai một.

 

Nhìn các bà, các chị hát, ông Lê Duy Sinh, Chi hội trưởng Chi hội Người Cao tuổi xóm Tam Thái bảo: Trước sự nhiệt tình của ông Diệp Văn Tài, bà Âu Thị Phàng, chúng tôi cũng như cuốn vào niềm đam mê và khát khao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đến nay, không chỉ các hội viên CLB hát Sọong Cô Tam Thái yêu thích mà người dân trong vùng cũng đều biết tiếng và say mê.

 

Từ giờ đến hết tháng 5-2014, ông Tài có nhiệm vụ dịch hoàn thành 300-500 bài hát Sọong Cô từ sách cổ để hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình cấp trên công nhận Sọong Cô là loại hình văn hóa phi vật thể. Hiện, ông đã dịch được khoảng hơn 100 bài. Rỗi là dịch, bất kể đêm khuya lạnh, khi nào khó ngủ, ông lại dậy, pha một ấm trà, uống cho cơ thể tỉnh táo và dịch tiếp. Ông tin, những gì mình và các hội viên đang làm rồi sẽ được đền đáp xứng đáng. Ông cũng đang xây dựng kịch bản kể về truyền thuyết bà tổ của Sọong Cô của người Sán Dìu có tên San mọi (sơn muội, người con gái trên núi).

 

Khi chia tay ông Diệp Văn Tài, bà Âu Thị Phàng và các thành viên CLB Sọong Cô Tam Thái, chúng tôi có chung một suy nghĩ, với những gì đã và đang làm, họ sẽ luôn là linh hồn của điệu hát Sọong Cô và có lẽ từ rất lâu rồi, ông Tài và bà Phàng đã là nghệ nhân trong lòng người dân Tam Thái, Hóa Thượng.