Nơi mùa Xuân đến sớm

17:46, 03/02/2015

Một ngày áp Tết Nguyên đán 2015, đi giữa vườn đào nở đầy hoa của nông dân phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên), gặp bên những gốc đào cổ, đào thế những gái cùng trai dắt tay nhau tìm chọn mua cây.

Rồi khách từ Hà Nội lên; khách bên Vĩnh Phúc, Bắc Giang sang; trên Cao Bằng, Lạng Sơn về… đặt mua đào với các chủ vườn. Không khí phấn chấn, ai nấy hể hả vì thỏa sức đi, ngắm hoa đào miễn phí và tìm cho mình một cây đào đẹp.

 

Vừa cắt tỉa một số nhánh mầm không được như ý trên một cây đào cổ, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội trồng đào của phường vừa nói với chúng tôi: Năm nay nhuận 2 tháng chín, người trồng đào gặp thách thức lớn lắm. Đã vậy, cuối tháng 11 âm lịch vừa rồi, mưa rả rích cả tuần. Sang đầu tháng 12 âm lịch, nắng ấm tràn đồng, đào thi nhau nở… Ông Phương dừng lời, đôi mắt chăm chú nhìn vào một nhánh đào chúm chím nụ, rồi tiếp tục câu chuyện: Đào nở sớm, nhưng không nở toe toét, tức là không nở hết, trên các cành đào nụ ủ chờ xuân chiếm nhiều hơn, nên năm nay người trồng đào vẫn chắc có thu. Hôm rồi, nhà ông Trần Văn Công, khách Hà Nội lên trả 1 gốc đào cổ 23 triệu, đồng. Ông Công không bán vì thấy chưa được giá. Còn bên nhà anh Hoàng Xuân Bằng, đã hợp đồng cho UBND T.P Thái Nguyên thuê 1 gốc đào Tết với giá 12 triệu đồng.


Đi trong vườn đào đầy sắc hoa tươi thắm, mỗi người đều mang cảm nhận như mình trẻ trung, hồn nhiên và gần gũi hơn với thiên nhiên. Tôi dừng lại bên gốc đào dáng trực siêu trong vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Đông, thấy một chú ong mê mải chúi đầu vào bông đào tìm mật, rồi vút bay đi như báo với các bạn của mình rằng mùa xuân đã về. Tôi lơ đãng nghĩ: Người trồng đào ở Cam Giá (Thái Nguyên), ở Nhật Tân (Hà Nội) hay ở đâu đó trên thế giới này, thì bao giờ mùa xuân cũng về sớm hơn. Bởi ngay như lúc này, cả Làng đào Cam Giá rực rỡ hoa nở, đẹp như một bức tranh, xe ô tô biển xanh, biển trắng nối nhau tìm về. Người ngắm, kẻ bình, thỏa sức ngắm no con mắt với các loại đào có gốc gác từ Nhật Tân (Hà Nội); đào phai Hải Phòng; Đào Nhung (Lạng Sơn) và đào được nhập giống từ Quảng Châu (Trung Quốc). Lại nữa, đó là những gốc đào phai được công phu chuyển về từ các miền biên viễn: Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng… đủ sắc đào hội về Cam Giá, đua nở làm đẹp mắt người.


Nhớ năm xưa, đây là một vùng đất toàn sỏi cơm, đá gan gà, lau mua, cỏ dại mọc trong cái nắng hoang hoải. Cụ Nguyễn Văn Trực, quê Nhật Tân. Năm 1990, cụ về thăm quê, mang theo một cây đào chơi 3 ngày Tết, rồi cắm xuống khu đất ven sông cầu. Do hợp thổ nhưỡng, cây đào bén rễ, lên nhanh, Cụ lại về Nhật Tân, mua cây giống lên trồng, vừa chơi, vừa bán, có bao nhiêu khách đến mua hết.
Thấy nhiều người có nhu cầu chơi hoa đào, cụ vận động bà con trong xóm cùng tham gia trồng đào. Nhưng đến năm 1995, cả phường mới có khoảng chục hộ trồng đào bán Tết. Mỗi hộ cũng chỉ dám trồng vài chục gốc, vì sợ nhiều người trồng thì đào không có người mua.


Thực tế là đào Tết cho kinh tế cao hơn rất nhiều so với giá trị củ sắn người nông dân thu hoạch được trên khu đất sỏi cơm của phường Cam Giá. Nhận thức được như vậy, bà con Cam Giá từng bước chuyển dần đất trồng màu sang trồng đào. Đến năm 2010, việc trồng đào đã trở thành một hướng đi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của phường Cam Giá, và tập trung nhiều ở các tổ dân phố: 7, 8, 9, 10, 11, 12. Ông Phương cho biết: Hiện có hơn 200 hộ, trên 800 nhân khẩu của phường Cam Giá sống nhờ trồng đào. Đào Tết của phường Cam Giá không chỉ cung cấp cho nhân dân trong tỉnh Thái Nguyên, mà còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Mùa xuân đang từ đây về phố. Những cành đào phai, đào bích, đào nhung e ấp chúm chím nụ kia sẽ làm đẹp lòng bao người. Trong cái sự làm đẹp ấy, không thể không nhắc đến tên của những nông dân sản xuất giỏi như gia đình ông Nguyễn Văn Phương, trồng hơn 1.200 gốc; ông Nguyễn Văn Đông, trồng gần 1.000 gốc; ông Hoàng Văn Doanh, trồng hơn 800 gốc… mỗi năm đạt thu nhập từ 2 đến 3 trăm triệu đồng/năm. Nhìn những ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự mới được xây xong, ông Phương nói hóm hỉnh: Dân chúng tôi trồng đào, nhưng cây đào nó nuôi dân chúng tôi đấy chứ. Ví dụ như nhà anh Hoàng Đăng, trước đây đi ra ngoài làm nghề bốc vác thuê, từ 2 năm nay về nhà trồng đào, đã có tiền xây được nhà 2 tầng, mua thêm đất để trồng đào thế, đào cổ.


Từ trước Tết Nguyên đán cả tuần, nhiều vườn đào đã được bán buôn cho tư thương. Nhiều người chơi đào cũng đã đến mang về chơi Tết sớm. Trên các trục đường bê tông chạy dọc làng nghề trồng hoa đào của Phường Cam Giá, những gốc đào cổ thụ, đào thế xếp sau xe nối nhau đi ra hướng Quốc lộ 3, trông đẹp như một dòng chảy của hoa đào. Tôi lặng nhìn, lây niềm vui chung của người trồng đào Tết.