Sân khấu cần dũng cảm soi rọi những "góc khuất"

17:07, 26/02/2015

Trong các loại hình văn hóa - nghệ thuật, phải chăng là võ đoán khi cho rằng sân khấu, kịch bản sân khấu là thể loại khó nhằn nhất?  

Văn chương có thể đi mênh mang vào những cánh rừng chữ nghĩa để bộc bạch lòng mình, điện ảnh lại có thể thoải mái tung tẩy đi vào những cảnh đời, những số phận qua vô số những lát cắt, hình ảnh mà không có niêm luật nào ràng buộc. Nhưng sân khấu lại chỉ có một khoảng không gian nhỏ bé và cũng chỉ bằng những lời thoại ngắn gọn để toàn bộ câu chuyện, cảnh đời, thân phận con người được hiện lên mà không được bổ trợ thêm vào bất cứ một thể loại nào.

 

Song rõ ràng có một điều: Trong thi ca có thể có thần đồng chín, mười tuổi đã có được những câu thơ giật mình nhưng sân khấu lại không thể có, nếu không từng trải, không đi qua nỗi đau, không tự mình dấn thân thì không thể viết được. Thế giới hình như mới có một Tào Ngu (Trung Quốc) được tạm gọi là thần đồng kịch nhưng cũng phải ở tuổi 18 ông mới có một tác phẩm Lôi Vũ.

 

Nói như thế để thấy rằng, sân khấu, bằng đặc thù thể loại của mình luôn có lợi thế là xông thẳng được vào những vấn đề nóng nhất của cuộc sống như một lát cắt nhanh để phản ánh, trong đó có vấn đề về đạo đức xã hội.

 

Trước hết có thể khẳng định một điều rằng, cái phạm trù đạo đức tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức phức tạp này không bao giờ bất biến, càng không bao giờ có sẵn mà luôn thay đổi theo từng bước đi của cuộc sống, từng hoàn cảnh xã hội. Tức là nó có tính lịch sử.

 

Trong chiến tranh cần huy động tất cả sức người, sức của cho sự sống còn của dân tộc, mặc nhiên con người, tâm hồn con người, đạo đức con người buộc phải thanh cao, trong sáng để đáp ứng với tình hình. Ðứng trước miệng vực chênh vênh của sự hiểm nghèo còn mất, con người không thể vị kỷ, thu vào cá nhân, như vậy là con người sẽ tự hủy chính mình. Nói cách khác, chiến tranh như một giọt dung dịch mạnh nhỏ xuống khiến cho tất cả những xấu tốt, thiện ác, cao thượng thấp hèn, trung thực giả trá... đều lên hết màu, hết nét mà chẳng giấu đi đâu được. Và khi đó chủ đạo trên sân khấu là mô-típ anh hùng ca, khích lệ con người tiến lên giành độc lập, tự do, vượt qua những nỗi niềm cá nhân để vì cái chung của dân tộc.

 

Nhưng giờ hòa bình rồi, biết bao những ngóc ngách đời thường ùa về, trong đó có sự tha hóa của đạo đức. Con người bỗng trở nên vị kỷ, vô cảm, chỉ quẩn quanh trong giới hạn cá nhân mình, các giá trị tinh thần, nền tảng đạo đức thay đổi theo hướng tiêu cực. Trước hiện trạng ấy, nếu sân khấu chỉ toàn những cảm hứng ngợi ca, những mô-típ nhân vật mơ hồ đã có sẵn thì không ổn. Hoặc mạnh hơn: Im lặng trước cái ác là đồng lõa. Nhưng ngược lại, cứ cực đoan khắc họa những cái xấu, cái ác một cách khoái chí, tất cả cứ cho nó nổi mần nổi cục lên như chuyện của nhà khác, người khác chứ không phải chuyện của mình thì lại càng không ổn. Vấn đề còn lại là, với tư cách người sáng tạo có nhân tâm, có cảm hứng và có tài năng, anh sẽ phản ánh cuộc sống như thế nào để bằng tiếng nói từ trái tim đi thẳng đến trái tim, góp tiếng nói vào việc phục dựng nhân phẩm, trau dồi đạo đức con người đang tồn tại quanh ta.

 

Có một thời sân khấu phát lộ huy hoàng bởi được bao cấp. Nhưng rồi cái gì tồn tại lâu quá cũng thành khê đọng, sinh tật, ốm yếu cho nên theo thời gian, theo nhiệt độ cuộc sống, theo thị hiếu, cảm xúc của người xem, nó đã bộc lộ những bất cập không chẩn trị được vì tính đông lạnh, cũ kỹ. Ðể hâm nóng trận địa, "cơn bão" xã hội hóa buộc phải ập vào thay thế với hy vọng may ra tắc cùng sẽ bật tài năng.

 

Và nó đã phần nào bật được, nhưng bật tung tóe thành nhiều chiều, nhiều hướng. Các đề tài truyền thống vắng bớt dần, các đề tài kinh dị, bạo lực, ái tình chụp giật, hoàn cảnh mê ly... bắt đầu nổi lên như một cách tồn tại để nuôi nhau. Thậm chí ở một vài vùng đô thị trung tâm, các đề tài chính thống, cách mạng, chiến tranh... đã hoàn toàn bị quên lãng, nói đúng hơn là bị bỏ rơi. Vì sao? Ðơn giản là không có người xem. Nếu có một vở đề tài như vậy thì không đạo diễn nào dám nhận, mà dù có nhận thì cũng không có đơn vị nghệ thuật nào dám đầu tư và nếu có đầu tư chăng nữa thì diễn viên cũng "mần thinh" chuồn êm. Trận địa chính kịch hoàn toàn bị bỏ trống nhường quyền cho tấu hài, kịch hài, kịch ma... chễm chệ lên ngôi. Vậy thì tác động vào đạo đức xã hội thế nào?

 

Có lẽ đã đến lúc phải tạo dựng được niềm tin giữa tác giả, nhà quản lý và đơn vị thực hiện. Có những tác giả cho rằng, mình viết rồi để đấy, viết cho vui, chứ chạm vào mối xung đột mạnh thế này, với những tiêu cực ở cấp cao thế này thì đố dám dựng, nhưng không ngờ đơn vị ấy vẫn dựng mà lại dựng hay, ẵm cả hai giải thưởng cao nhất cho khâu kịch bản và khâu vở diễn. Tất nhiên, vẫn có những đơn vị nghệ thuật còn lấy hai chữ an toàn làm bình phong, cái gì cũng tròn một tý, vấn đề kịch hiền hiền một tý cho nên các kịch mục nhạt dần, các tác giả và công chúng cũng xa lánh dần để rồi cuối cùng kịch vẫn lên sàn, tiết mục vẫn ra ánh sáng nhưng là thứ sàn ọp ẹp và thứ ánh sáng vàng vọt, thiếu sinh khí. Ðiều này có liên quan đến các nhà quản lý, tức là các cấp xét duyệt. Chính là cái sự duyệt cố hữu, bảo thủ, chỉ cần đúng không cần hay, không khuyến khích những cách viết mới, thể nghiệm mới.

 

Những năm gần đây có một sự thật là sự chuyển động ngược chiều của hai dòng kịch bắc và nam. Kịch bắc có một thời, nhất là trong những năm 80 của thế kỷ trước đã tạo được dư chấn ở phía nam với nội dung sâu sắc, cách đặt vấn đề táo bạo, lối diễn xuất chuyên nghiệp kiểu như Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Hà My của tôi... nhưng dần dà, khi cơ chế mở ra thoáng hơn, con người được nói đúng lòng mình hơn thì các vấn đề kịch đó bỗng trở thành nhẹ, nhạt, thậm chí cũ. Tất nhiên trừ ngoại lệ như hệ thống kịch của tác giả Lưu Quang Vũ không bao giờ lỗi mốt, lạc hậu nhưng cũng chỉ chủ yếu tung hoành ở các tỉnh phía bắc. Ðồng thời với cái gu thưởng thức của số đông cũng bắt đầu khác đi. Cuộc sống đã mệt nhoài mưu sinh, tâm lý thông thường là ngại đến nhà hát mà đến rồi thì lại ngại xem những vở nặng, mang tính luận đề nhức đầu. Họ chỉ muốn được giải trí, được cười ha hả, hoặc thót tim giật mình rồi ra về khuây khỏa, vậy thôi. Ðó là lý do để cho dòng kịch giải trí xuất hiện và tồn tại, tồn tại rất hoành tráng, có khi có tới ba suất diễn một ngày, có vở diễn tới 500 đêm vẫn nườm nượp khách. Tại sao lại vậy?

 

Phải chăng đã thành thói quen, kịch phía bắc vẫn kiên trung và dũng cảm đi vào những chủ đề chính luận, những vấn đề chính thống và truyền thống như chiến tranh cách mạng, lãnh tụ, hình tượng người đảng viên trong cuộc sống, chống tham nhũng, lật tẩy cái ác, phơi bày nhóm lợi ích, sự băng hoại của đạo đức, của nền tảng gia đình... Những đề tài này đang khích lệ, là mong muốn khôn nguôi dùng nghệ thuật phản ánh và tác động vào cuộc sống nhưng hầu hết được thể hiện một cách vội vã, nặng nề, khô cứng, thiếu độ nhuyễn, độ mềm, tóm lại là thiếu sự truyền cảm, độ rung nhất định cho nên cứ bị dội ra, bị khán giả dần dần quay lưng lại.

 

Vấn đề bây giờ là làm sao kết hợp được dòng chuyển động của hai hướng sân khấu cho ráp nối vào nhau. Kịch phía nam cứ tung tẩy, cứ tài hoa, cứ dễ xem nhưng nên chứa đựng cả những nội dung chính thống bên trong. Và kịch phía bắc cứ luân đề, cứ nghiêm cẩn nhưng cũng phải vì công chúng, vì ánh sáng đèn đêm đêm của nhà hát mà thao lược, trẻ trung, hấp dẫn hơn. Như vậy xã hội hóa là không có tội, và nghệ thuật nhà nước cũng vô cùng cần để đẩy nhau lên, hà hơi tiếp sức cho nhau đi lên.

 

Bởi xã hội hóa không chỉ là xã hội hóa mà phải vươn tầm đến thế giới hóa. Cũng vậy, các đơn vị nghệ thuật nhà nước không chỉ ỷ vào cái quy mô, bề thế mà còn phải hướng đến công chúng.

 

Chỉ khi đó, mỗi đêm kịch là một đêm hội như đã từng có thời vàng son thì mọi ý tưởng, mọi trình thức, mọi công phu góp phần nhằm làm biến đổi xã hội, góp phần tác động vào nền tảng đạo đức đang bị băng hoại mới có cơ lan tỏa, ngấm sâu thành cảm hứng cụ thể.

 

Bởi xét đến cùng, bàn về đạo đức cũng là bàn về đạo lý, phẩm hạnh một dân tộc. Khi những vấn đề đạo đức cơ bản, những nhân cách, những giá trị tinh thần cơ bản có chiều mai một mà đội ngũ văn nghệ sĩ lại chỉ chép miệng, cái đó thuộc về thể chế, về các cấp quản lý vĩ mô, chứ sân khấu thì làm được gì. Thế là buông trôi, là viết được chăng hay chớ, chấp nhận cho một dòng kịch xộc xệch, nghiệp dư ra đời và tồn tại.

 

Văn là người. Muôn đời nay đều chỉ rõ, muốn tác động đến nhân cách xã hội, nhân cách con người thì trước hết người nghệ sĩ cũng phải có nhân cách công dân và lòng dũng cảm dám nói ra những góc khuất để cuộc đời nhìn vào, soi rọi và tránh xa.

 

Như thế, có thể nói, đối với văn học - nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng, cái đáng sợ nhất là ở sự nhàng nhàng, thiếu sinh khí.