Với ba nhiệm kỳ làm công tác ngoại giao và sáu lần được đón giao thừa tại Việt Nam, cô Luirka Rodrígruez Barrios, phó Đại sứ Cuba tại Việt Nam, vẫn luôn cho rằng được chứng kiến cách một dân tộc bảo tồn văn hóa của họ, nhất là vào những ngày Tết, là một niềm vinh dự lớn.
Khi chưa nói chuyện hoặc tiếp xúc với Luirka, khó ai có thể tưởng tượng được một cô gái từ đất nước Cuba xa xôi lại có thể hiểu văn hóa Việt đến vậy. Thời gian tám năm làm công tác ở Việt Nam chưa phải là câu trả lời thích đáng, mà câu trả lời đúng nhất phải là tình yêu: Cô yêu cảnh quan, phong tục, tập quán của người Việt, và yêu cả những ngày Tết.
Ấm áp những ngày Tết
Năm mới sắp đến, mọi người đều hối hả chuẩn bị sắm sửa đón Tết. Luirka dường như cũng rộn rã không khác gì những người bạn Việt của mình. Cô vui vẻ chia sẻ: “Mặc dù không phải là người Việt Nam nhưng tôi cũng chờ đợi Tết giống như một người Việt. Tôi có một thói quen bất di bất dịch là mỗi khi cầm trên tay quyển lịch đầu tiên của năm mới, tôi sẽ xem đêm 30 và mùng 1 Tết rơi vào ngày nào”.
Với Luirka, mỗi lần đón Tết ở Việt Nam là một kỉ niệm đáng nhớ. Cô đón Tết Việt lần đầu tiên với hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, bởi thực tế còn lạ, thú vị và hấp dẫn hơn rất nhiều những gì cô hình dung trước đó. Khi được cô giáo dạy tiếng Việt của mình mời đến dự bữa cơm gia đình những ngày giáp Tết 2003, Luirka đã hết sức ngỡ ngàng khi thấy một mâm cỗ có nhiều món đến vậy. Cô cười thích thú khi kể về khoảnh khắc lần đầu nếm bánh chưng, nem rán, xôi, những món ăn cổ truyền Việt Nam. “Thế là năm đầu tiên tôi đã được sống trong không khí Tết của các bạn, sống thực sự chứ không phải trong tưởng tượng như những gì mới đọc trong sách báo”.
Luirka cũng nói về việc bất ngờ ra sao khi ra đường vào mùng một Tết không một bóng người, các cửa hàng đều đóng của và cô không biết… mua đồ và đi chợ ở đâu, vì không ai dặn cô trước là phải chuẩn bị “lương thực” cho cả một tuần. Thế nhưng cũng chính vì lẽ đó Liurka đã đón Tết ở Hạ Long, một trải nghiệm hết sức thú vị.
Từ một người bỡ ngỡ với văn hóa Việt, giờ đây Luirka đã có cả một kho tàng hình ảnh và thông tin trong đầu. “Mới chỉ hơn 10 năm thôi mà mọi thứ thay đổi nhiều quá, có một chút pha trộn giữa cái truyền thống và hiện đại; vì như những năm gần đây tôi có cảm giác dường như mọi người chia sẻ niềm vui một cách rộng rãi hơn. Tết đến và tôi thấy mọi người ở khắp mọi nơi, ra đường rất nhiều và hay đi các nơi khác chơi trong vài ngày chứ không chỉ hướng đến những cuộc họp mặt gia đình và không chỉ ở trong nhà nữa”. Vì thế mà Liurka nhìn thấy Tết nhiều hơn ở con người chứ không chỉ đơn thuần qua những cây cảnh, vật trang trí.
Ngoài những ấn tượng về không khí Tết, về những cây đào, cây mai, những món ăn, Luirka còn rất ấn tượng về truyền thống Việt. Với cô hình ảnh mọi gia đình, không phân biệt giàu nghèo, cùng tụ họp, quây quần khi năm mới đến là hình ảnh đẹp nhất. Theo cách nhìn của một người nước ngoài sống tại Việt Nam, hình ảnh đó và cả niềm vui, niềm hân hoan đón Tết là những thứ chưa hề thay đổi theo thời gian: “Tôi có cảm giác như người Việt Nam có thêm nhiều khát khao và động lực hơn mỗi độ xuân về. Năm mới đánh dấu một khởi đầu, một sự cất cánh cho những hi vọng trong cuộc sống của dân tộc Việt Nam và cũng như một nguồn sinh lực tiếp thêm năng lượng cho tất cả mọi người, từ người già, thanh niên cho tới trẻ nhỏ. Sau những ngày Tết, dường như mọi người đều đã vẽ ra kế hoạch cả năm cho bản thân và gia đình”, Luirka chia sẻ.
Tết không chỉ của người Việt
“Tôi cảm thấy gắn bó với Việt Nam đến mức ngày Tết của các bạn cũng đã trở thành ngày Tết của tôi”, Luirka nói. Cô cho biết thêm từ khi còn là học sinh, cô đã biết về một đất nước Việt Nam anh hùng, con người Việt Nam đầy đức tính hi sinh. Thế hệ cô đã lớn lên với những bài hát ca ngợi về đất nước anh em. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2001 đến giờ, gần như tất cả những năm tháng sự nghiệp của cô gắn liền với Việt Nam. Tình yêu Việt Nam của Liurka đã được vun đắp một cách hết sức tự nhiên đến mức nhiều giá trị văn hóa của người Việt giờ đây cũng đã trở thành một phần của cô.
“Tết của Việt Nam là một di sản xứng đáng được biết đến không chỉ bởi người Việt Nam mà bởi tất cả mọi người trên thế giới; để biết được và đánh giá xem người Việt đang bảo tồn văn hóa của họ như thế nào. Với những nét rất riêng từ màu sắc, trang phục cho tới cả ngôn ngữ, nhiều lễ hội thực hiện nghi thức mô tả sự giao thoa âm - dương… Tết Nguyên đán xứng đáng cho một cuộc nghiên cứu khoa học sâu xa”, cô nhấn mạnh.
Luirka, tên đầy đủ là Luirka Rodríguez Barrios (SN 9/9/1976) tốt nghiệp khoa Báo chí trường ĐH Tổng hợp La Habana, Cuba. Cô còn có bằng Đại học Ngoại giao và bằng cao học về quan hệ chính trị. Cô đã có hai nhiệm kì công tác ngoại giao ở Việt Nam và đang trong nhiệm kỳ thứ ba (2012- 2015) với chức vụ Phó Đại sứ Cuba.
Năm nay Luirka còn có thêm niềm vui lớn, niềm lạc quan và những cung bậc cảm xúc hơn nhiều, không chỉ riêng đối với cô mà với tất cả những người Cuba đang sống tại Việt Nam. Đó là việc Cuba và Mỹ quyết định bắt đầu nối lại quan hệ và sự quay trở về quê hương của tất cả năm người anh hùng sau bao năm nhân dân Cuba, cùng bạn bè thế giới và cả Việt Nam đấu tranh cho tự do của họ. “Năm nay đã trở thành một trong những năm hạnh phúc nhất của nhân dân Cuba”, Luirka chia sẻ. Cô và cả cộng đồng người Cuba đều hi vọng rằng, mối quan hệ đó sẽ tiến bộ như những gì người Cuba và rất nhiều người Mỹ mong đợi.
Trong không khí tràn ngập Tết Ất Mùi, Luirka còn có một mong muốn lớn khác đó là năm nay, khi cả hai nước anh em Cuba và Việt Nam kỉ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Cả hai dân tộc anh em sẽ tiến lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước và tiếp tục vun đắp cho tình hữu nghị, đoàn kết lâu đời mà nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung.