Cho câu hát vang ngân bên bếp lửa sàn

16:07, 24/03/2015

Đội màn trời đầy mưa tháng Ba, chúng tôi đến xóm Tân Đô, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) để tìm gặp “nghệ nhân” Hoàng Văn Toòng, người tích cực truyền dạy câu hát Sli cho lớp trẻ.

Biết chúng tôi đến nhà, ông Toòng thong thả bước xuống từng bậc cầu thang, hồ hởi mặt mừng, tay bắt: Ồ, lâu rồi nhỉ… lên nhà, nói chuyện.

 

Tôi biết ông từ hơn 15 năm về trước. Đó là dịp ông tham gia Hội diễn nghệ quần chúng do huyện Đồng Hỷ tổ chức. Hôm ấy, ông thể hiện tiết mục hát giao duyên bằng tiếng dân tộc Nùng. Cùng tham gia tiết mục này còn có 1 nam thanh niên và 2 sơn nữ. 4 người tất cả, ông là người cao tuổi nhất, song gây được ấn tượng nhất trong khi thể hiện tiết mục hát giao duyên bằng lời hát Sli.

 

Tôi theo ông về nhà, xà xuống bên bếp lửa và xin nghe lại câu hát Sli. Ông đã không ngần ngại hát liền mấy bài. Lời bài hát mộc mạc, dân dã được ông dựa trên nền bài hát cổ để phóng tác. Có nhiều câu ông nghĩ ra trong lúc đang hát. Ông giải thích: Hát Sli là hình thức hát thơ, hát giao duyên, người hát giỏi là người có hiểu biết rộng dãi, thuộc giai điệu thì khi tham gia hát đối đáp mới tự tin.

 

Câu hát Sli như thứ men rượu nồng nàn, càng nghe càng thấy say. Vậy mà trong cuộc sống đời thường, chuyện cơm, áo, gạo, tiền làm nhiều bạn trẻ ở xóm Tân Đô quên lời hát. Ông Toòng bảo: Thấy đám con trai, con gái trong xóm thích hát nhạc vàng, nhạc đỏ và nhảy disco, tôi thấy vui tai, vui mắt, nhưng tôi khuyến khích các bạn trẻ nên học hát Sli, vì Sli mới là cái gốc của người dân tộc mình.

 

Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, ông Toòng đã được cha, mẹ ru hời bằng lời Sli. Ông lớn lên cùng câu Sli, bởi thế ông bảo: Lời Sli như dòng sữa ngọt ngào nuôi tâm hồn tôi khôn lớn. Các thế hệ trong dòng họ Hoàng đã truyền dạy, gìn giữ lời Sli từ nhiều đời nay. Lời Sli quý giá như vật báu gia truyền.

 

Qua trò chuyện tôi biết: Ông Toòng biết hát Sli và hát rất hay còn bởi một lý do khá đặc biệt: Từ nhỏ, ông đã được theo cha mình đi làm lễ cho những gia đình vào nhà mới, cưới hỏi và làm ma chay. Nhà ông Toòng đã nhiều đời làm thầy cúng, cái nghề làm phúc cho thiên hạ về mặt tinh thần. Năm 22 tuổi, ông theo cha đi cúng tế và đảm nhiệm vai thầy phụ. Theo phong tục, cúng mừng thọ, mừng sinh nhật và cúng tiến người xấu số, khi đến 24 giờ khuya, thầy phải hát Sli cho người âm nghe. Những cuộc hát như vậy thường kéo dài tới sáng ngày hôm sau.

 

Các cụ bảo ông có căn duyên với việc làm thầy cúng, nên cố công truyền dạy lại cho ông những nghi thức cần thiết của một người làm thầy. Bản thân ông cũng ý thức được trọng trách của dòng họ đặt nên vai, nên kiên trì nghiền ngẫm sách vở, học những bài “nói chuyện với trời, đất, với người ở cõi âm”. Vì thế ông sớm trở thành một thầy mo, thầy tào có khả năng “làm phép” an ủi tinh thần cho người sống trong vùng. Ông nói như tâm sự: Phải qua nhiều lần làm lễ cấp sắc mới được người tiên giới công nhận, cho làm phép giúp người… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghi lễ, người làm thầy mo, thầy tào phải biết hát Sli, vì Sli như một nhịp cầu nối giữa trời và đất, giữa người cõi tiên với người trần và giữa mọi người với nhau.

 

Tuy đã làm thầy, trực tiếp hát Sli nhiều đêm, và bản thân ông Toòng đã truyền dạy câu hát Sli cho nhiều bạn trẻ trong xóm, chủ yếu là hát về mùa xuân, hát giao duyên, hát ca ngợi cuộc sống, hát vào nhà mới, hát sinh nhật, hát mừng thọ và hát minh tinh (cúng tiễn người âm)… Nhờ có ông, nhiều bạn trẻ biết hát Sli, và mang câu hát Sli của dân tộc mình tham gia hội diễn ngoài huyện, trên tỉnh. Nhiều bạn trẻ nhờ hát Sli đã tìm đến trao hạnh phúc cho nhau.

 

Được các cụ trong dòng họ khuyến khích, ngày nào bên bếp lửa sàn nhà ông Toòng cũng có câu hát Sli cất lên. Đứng dưới chân cầu thang cũng có thể biết người mới đến học hát, vì câu hát còn gượng, chưa tươi ròn. Ông Toòng bảo: Thanh niên nam, nữ đến nhà học hát, tôi rất vui, vì như thế, một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng chúng tôi được lưu giữ.

 

Tuy đã dạy hát cho nhiều học trò, nhưng ông Toòng vẫn thấy thiếu vắng một điều gì đó trong câu hát. Rồi ông cũng nghĩ ra, đó là cái thần thái của giai điệu Sli. Một lần, hay tin cụ Hoàng Văn Thái, hơn 90 tuổi, người cùng xã, thời trẻ trai trở nên nổi tiếng nhờ biết hát Sli. Ông Toòng tìm đến nhà, xin được cụ chỉ dạy thêm. Gặp được “truyền nhân”, cụ Thái mừng lắm liền mang hết bí quyết dạy lại cho ông Toòng. Sau đó, ông Toòng lại mang câu hát Sli dạy lại cho lớp trẻ. Cứ như mạch nguồn dòng sông Cầu không ngừng tuôn chảy. Ông Toòng nói đúc kết: Sli có 20 bài hát gốc, nhưng nó bao chùm tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Từ những bài hát căn bản này, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, người hát có thể “biến hóa”, phát triển và hát từ ngày này sang ngày khác không bao giờ hết lời.

 

Hong đôi tay lên ngọn lửa, ông Toòng cất câu hát:

“Đảy pèn tu cha lồ tu cùng

Đít pay chỏn bủng ngòi pèn lừ”

Tạm dịch:

“Rồng phượng bay qua bao sông biển

Có biết hai ta tình vấn vương.

 

Câu hát vừa ngưng, dưới chân nhà sàn đã rục rịch tiếng bước chân người, tôi biết, đó là các bạn trẻ của xóm Tân Đô đến nhà ông Toòng học hát Sli.