Từ ngày mùng 5 Tết Nguyên đán đến hết rằm thàng Giêng, Làng nghề hoa đào phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) tất bật trở lại. Đào cổ thụ, đào thế được chằng buộc sau xe máy, hoặc chất xếp trên thùng xe ô tô theo lối cũ về vườn với chủ.
Có hàng nghìn gốc: Đào phai, đào bích, đào nhung và cả những cây đào được nhập giống từ vùng đất bên Quảng Châu (Trung Quốc) đã được trồng trên đất cát bồi của bãi bờ sông Cầu. Suốt dịp Tết Nguyên đán, những gốc đào ấy được người chơi đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Rồi khi mãn tiệc Xuân, người chơi lại coi như… của bỏ đi.
Nhìn gốc đào như một gộc củi khô, anh Nguyễn Văn Hưng, một chủ vườn ở phường Cam Giá thở phào: Trông thế thôi, mang cây đặt lại vườn, đợi chút mưa Xuân thì lộc lá thi nhau nảy… Nói xong, anh Hưng lụi cụi tìm những chiếc rễ đào bị dập nát và thực hiện công đoạn “giải phẫu” cho cây. Tức là cắt bỏ đi những đoạn rễ bị bầm dập trong quá trình vận chuyển. Anh giải thích: Ví như cái chân, cái tay trên cơ thể con người, trong trường hợp bị dập nát, không chữa trị, cắt bỏ nhanh sẽ dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng, hậu quả là tử vong.
Đơn giản như vậy, nhưng đó là kinh nghiệm sống - còn của người làm nghề trồng đào. Bởi mỗi gốc đào nhỏ hay lớn, thế dáng cầu kỳ hoặc giản đơn theo tự nhiên cũng đều mang lại lợi ích kinh tế cho chủ vườn. Nhất là những gốc đào cổ thụ như của chủ vườn Trương Công Khánh; Nguyễn Công Bằng có trị giá tương đương với cả cây vàng bốn con chín, mang cho người đời thuê mượn, nếu không biết cách xử lý, bộ rễ bị thối đen, cây chết thì người cũng chết điếng.
Kể cũng tệ, người trồng đào chẳng bao giờ dám chơi hoa đào, cả năm tẩn mẩn vun trồng, bón tưới, cấy mắt, ghép cành, khi đào khai hoa lại mang bán hoặc cho người đời thuê ngắm. Nhớ dạo trước Tết Nguyên Đán năm 2015, về Làng nghề hoa đào Cam Giá, được đi giữa vườn đào nở sớm, chứng kiến người thập phương tìm đến chọn đào, ai nấy hoan hỉ nhìn ngắm, trân trọng. Khi lựa chọn được cây đào ưng ý, đặt tiền thuê chơi trong dăm ngày Tết, hoặc bỏ tiền mua đứt làm của riêng, họ đều cẩn trọng từng động tác, nhẹ nhàng nâng niu vì sợ hoa rụng, mầm gẫy, xuýt xoa khen rồi chằng buộc thêm cả đèn điện nhấp nháy xanh, đỏ, dưới gốc lại xếp thêm một lượt viên sỏi trang trí. Vậy mà chơi xong mấy ngày Tết, có người muốn ném ngay ra ngoài đường như mớ rác. Có người a lô gọi chủ vườn đến nhà, bảo bê nhanh đi cho bớt xúi quẩy.
Thôi, cũng đành về vườn với chủ cũ. Cây lại lặng lẽ hứng sương giời và bạc bẽo của mưa - nắng, cùng bộ rễ âm thầm chắt chiu màu mỡ của cát bồi phù sa để hồi sức, đâm cành, nảy lộc rồi đơm tủa những nụ hoa chúm chím xinh như môi cười sơn nữ. Lại được chủ vườn mang cho người đời thuê ngắm, thưởng hoa, khi chán mắt thì… tống tiễn trả về vườn cũ.
Ông Nguyễn Văn Đông, một chủ vườn sở hữu gần 1.000 gốc đào cho biết: Vườn nhà tôi cơ bản là đào cổ thụ, ngày Tết mang cho thuê, hoa nở đúng ý người chơi mới lấy tiền công. Cây nhỏ giá cho thuê khoảng 300.000 đồng; cây lớn cho thuê hơn chục triệu đồng. Những Tết trước, có nhà sau rằm tháng Giêng mới cho mang cây ra khỏi nhà. Năm nay, đào nở sớm, có nhà chiều tối mùng 3 Tết, làm lễ hóa vàng tiễn các cụ về miền âm cảnh xong là gọi đến, bảo: “Rước đào đi cho nhanh”. Xót cây, mà cũng sợ không đến nhanh, người chơi đào “vô ý” đổ nước tráng trà nóng dẫy vào bồn gốc, hoặc đổ mấy thứ rượu cồn vào thì mình mất cả đống của.
Tôi theo ông ra vườn nhà, bước lên những đất pha cát bồi được lấy từ triền sông Cầu, thấy ngổn ngang những chiếc hố ẩm ướt đợi đặt đào. Xen trong vườn là những gốc đào sau thời gian “đi xứ” đã được mang về trồng lại. Cũng những ngày này, chúng tôi thấy trong vườn nhà ông Hoàng Văn Doanh và tất cả những chủ vườn ở Làng nghề hoa đào Cam Giá đều như thế. Các chủ vườn tất bật, bận rộn đón từng gốc đào về trồng lại. Đợi mưa Xuân, lộc nảy, lại tỉ mẩn cắt, ghép mắt đào, tạo dáng thế và chăm bẵm cho đào khai hoa vào đúng dịp Xuân sau.
Mưa Xuân lất phất rơi, tôi rời Làng nghề hoa đào Cam Giá, gặp trên đường những người nông dân mồ hôi nhễ nhãi đang cùng nhau khiêng, vác từng gốc đào trở về vườn cũ. Chợt khi ấy, câu chuyện đầy tâm sự của anh Hưng như nhắc nhớ trong tôi: Mong vào dịp trước Tết hằng năm, tỉnh mở hội hoa đào, những người trồng đào ở Cam Giá, và những vùng trồng đào khác hội về, được giao lưu, học tập kinh nghiệm, nếu có thể thì tổ chức Hội thi chọn ra cây đào đẹp nhất của năm. Được như thế thì vui lắm bác nhỉ.
Vâng! Sẽ rất vui, vì giả như ba ngày Tết, trong nhà không có được cành đào thì thấy mắt mình nhàn nhạt buồn anh Hưng ạ. Mong anh cùng những chủ vườn của Làng nghề trồng hoa đào Cam Giá sẽ được mùa hoa đào vào vụ Xuân Sau.