Đón Rằm lại có Ngày thơ

16:54, 03/03/2015

Rằm tháng Giêng là ngày đặc biệt sau tết Nguyên đán. Từ 12 năm nay, Rằm tháng Giêng càng trở nên đặc biệt hơn vì một sự kiện văn hóa được tổ chức: Ngày thơ Việt Nam.

Năm nay là năm thứ 13 kể từ khi Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng và được nhà nước cho phép tổ chức Ngày thơ tại Hà Nội và các tỉnh vào Rằm tháng Giêng. Các nghi lễ như kéo Cờ Thơ, ngâm (đọc) bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch là giây phút trang trọng nhất, mở đầu cho Ngày thơ. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc thơ hay, ngâm thơ, bình thơ, trình diễn thơ…

 

 Cũng từ đó, từ khoảng 13 đến 15 tháng Giêng, trên khắp đất nước, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh đều tổ chức Ngày thơ. Thơ ca nhờ đó được tôn vinh, phát triển hơn.

 

Trải qua thời gian, Ngày thơ càng thêm phong phú, ý nghĩa. Rằm tháng Giêng 2015 này, Ngày thơ có quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay. Ở cấp Trung ương, Ngày thơ không chỉ diễn ra ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) như lệ thường mà diễn ra 7 ngày ở cả hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Ninh với sự góp mặt của hơn 100 nhà thơ đến từ 40 nước trên thế giới. Thông điệp hội nhập quốc tế được truyền tải rất rõ. Ngoài các sân thơ truyền thống còn có sân thơ quốc tế với phần dịch thơ “ca bin” của sinh viên Ngoại ngữ. Sở dĩ Hội Nhà văn Việt Nam chọn Quảng Ninh và Bắc Ninh để tổ chức Ngày thơ là nhằm giới thiệu đến bạn bè hai di sản văn hóa đã được thế giới công nhận là Vịnh Hạ Long và quan họ Bắc Ninh.

 

Tôi may mắn được dự Ngày thơ ở một số tỉnh và vì thế có sự so sánh với Ngày thơ của Thái Nguyên. Điều tôi tự hào là Thái Nguyên luôn có cách làm mới, trang trọng, tôn vinh không chỉ thơ, người làm thơ mà còn tôn vinh các loại hình nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, mỹ thuật, thi pháp, sân khấu. Ngày thơ ở Thái Nguyên đã trở thành Lễ hội được nhiều người mong đợi.

 

Điểm khác năm nay là Lễ hội thơ được tổ chức vào buổi chiều, kết nối về thời gian với buổi Tổng kết đánh giá công tác Hội Văn nghệ vào buổi sáng, cũng là cách tiết kiệm thời gian công sức đi lại cho các hội viên ở xa.

 

Đến thời điểm này, các công việc chính cho Lễ hội Thơ đã được chuẩn bị khá chu đáo. 9 đơn vị phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh làm nên phần Lễ và phần Hội như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc, Trường Đại học Sư phạm và Đại học Khoa học, Nhà xuất bản (Đại học Thái Nguyên)… đã sẵn sàng phần việc hợp tác.

 

Chủ đề Ngày thơ Việt Nam 2015 chung của toàn quốc được Hội Nhà văn Việt Nam xác định là “Hướng về biển đảo”, tuy nhiên, các tỉnh sẽ chủ động mở chủ đề phù hợp với tình hình địa phương. Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên lấy tên Lễ hội thơ của tỉnh là “Tổ quốc của tôi”. Giải thích điều này, ông Triệu Văn Doanh, Chủ tịch Hội cho biết: Nhiều năm nay Hội vẫn lấy chủ đề về Tổ quốc. Đây là chủ đề có tính bao quát cao, các bài thơ về biển đảo luôn chiếm vị trí quan trọng trong chương trình.

 

Theo kịch bản, có 2 hoạt động chính diễn ra trong Ngày thơ. Phần lễ gồm màn hát múa về Tổ quốc, đánh trống khai hội, thả 10 câu thơ hay lên trời, trình diễn (ngâm, múa phụ họa, hoạt cảnh) một số bài thơ nổi tiếng về đất nước: Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Sáng tháng Năm” của Tố Hữu; “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm; “Tổ quốc là tiếng mẹ” của Nguyễn Việt Chiến…

 

Điều mới năm nay là lần đầu tiên, Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc giữ vai trò chủ đạo trong phần lễ chính. Ngoài hát, ngâm thơ, còn có các tiết mục múa then và múa dân gian.

 

Trao đổi với ông Ngô Đình Thành, Giám đốc Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc, tôi được ông cho biết: Các diễn viên của Nhà hát đang tranh thủ  thời gian tập 7 tiết mục do đơn vị đảm nhiệm. Chúng tôi xác định đã làm thì phải làm thật tốt. Đặc biệt bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, chỉ có 8 câu (cả phần dịch từ tiếng Hán ra tiếng Việt), nhưng chúng tôi dàn dựng công phu với lực lượng múa phù họa dài 4 phút. Tương tự, màn hát múa mở màn về Tổ Quốc dài 6 phút cũng phải thể hiện được sự hoành tráng, tầm vóc vĩ đại của dân tộc.

 

Năm nay, số lượng vườn thơ ít hơn so với những năm trước. Tại 3 khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng đặt 3 vườn thơ: Muôn nhà, Thơ và tuổi trẻ, Thơ Thành phố Thái Nguyên. Bù lại, các hoạt động hỗ trợ tăng lên. Chi hội Nhiếp ảnh sẽ trưng bày hơn 100 bức ảnh nghệ thuật đoạt giải hoặc đã được chọn triển lãm để khán giả thưởng thức và thi đề thơ vào ảnh. “Binh chủng” Hội họa cũng xuất quân tham gia với cuộc thi “vẽ tranh theo thơ”. Họa sĩ Nguyễn Gia Bẩy, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật đang cùng các họa sĩ chọn những câu thơ giàu hình ảnh, màu sắc để chuyển thơ thành tranh cho phần thi “vẽ tranh theo thơ”. Ông Bẩy “bật mí” cho tôi một số đề thi: Cỏ non xanh rợn chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (truyện Kiều - Nguyễn Du); hoặc: Non xa xa, nước xa xa/nào phải thênh thang mới gọi là (Thơ Hồ Chủ tịch)… Chưa hết, trong “góc” Ngày thơ dành cho, một số họa sĩ (và những người có khả năng vẽ, bất kể là ai) sẽ mang giấy khổ to, bút chì, bút sắt, chì than, mực nho để ký họa cho khán giả và tham gia thi vẽ tranh theo thơ. Các phần thưởng đã sẵn sàng và được chấm trao ngay cuối Ngày thơ. Đây ắt sẽ là góc thơ họa sinh động và thu hút nhiều người hưởng ứng.

 

Lại một lần nữa, thơ được chắp cánh bay lên đậu vào trái tim mỗi người.